Bài viết tổng hợp từ webinar của Thầy William Meader và Thầy David Hopper.
Phụng sự, từ góc độ sâu sắc nhất không phải là một sự thi hành. Thực hiện một công việc là hiệu ứng của phụng sự. Phụng sự, thật sự là một thái độ sống ở bên trong. Đó là sống từ bản chất linh hồn, cam kết phụng sự một toàn thể rộng lớn hơn bản thân mình và đưa ra những phần tốt đẹp nhất của chính mình, tình yêu thương mà chúng ta có trong sâu thẳm trái tim, minh triết mà chúng ta thu đạt được qua hàng ngàn kiếp sống được lưu giữ trong thể nguyên nhân. Chúng ta mang nó ra và sống với tình thương và minh triết đó. Và công việc cụ thể phải làm đơn giản là một hiệu ứng khởi sinh từ thái độ sống đó. Chân sư D.K có một định nghĩa tuyệt vời về phụng sự. Ngài nói rằng đó là hiệu ứng tự phát của việc tiếp xúc với linh hồn.
Thôi thúc phụng sự từ tiếp xúc với Linh Hồn
Một trong những quy luật của linh hồn là quy luật phụng sự và đó là một khái niệm cốt lõi của linh hồn. Khi phàm ngã thức tỉnh với linh hồn của mình, nó sẽ có mong muốn được góp phần vào điều gì đó vượt ngoài chính mình.
Vì bản chất của Linh Hồn là tâm thức nhóm (tập thể), nó gây ấn tượng lên người tìm đạo thôi thúc phụng sự và người tìm đạo hồi đáp với thôi thúc nội tâm muốn hợp tác, và kết quả là thực thi những mục đích cao cả của nhóm/tập thể. Trong thế giới bên ngoài, chúng ta thấy phụng sự là một biểu đạt mạnh mẽ của Linh Hồn để tạo điều kiện cho những mối liên giao tập thể đúng đắn.
Phụng sự là thiện chí thể hiện trong hành động
Phụng sự là một năng lượng thể hiện khi sự sống của Linh Hồn hoạt động trong phàm ngã. Đó là hoạt động của yêu thương với trí tuệ và cho đi được thúc đẩy qua biểu đạt của thiện chí. Động lực phụng sự không đến từ chỉ người tìm đạo, vì anh ta phải có kích thích hay cảm hứng từ Linh Hồn. Thuật ngữ “phụng sự” biểu thị cho những phẩm chất và giá trị tinh thần, như hợp tác và thiện chí xuất phát từ Linh Hồn.
Từ “thiện chí” (good will) khá thú vị ở chỗ nó kết hợp từ hai thứ mà bình thường không hay đi với nhau, giống như cung hai (thiện – good) và cung một (ý chí – will). Thiện chí biểu hiện cho ý tưởng rằng thiện tính của linh hồn, minh triết của linh hồn, tình thương của linh hồn trong mỗi chúng ta, được đưa vào thế giới bên ngoài qua ý chí của phàm ngã đã tích hợp linh hồn, để mang thông điệp của linh hồn vào thế giới bên ngoài. Đó là sự nhận ra rằng, trong cốt lõi của mỗi con người là tia sáng của cùng một sự sống. Thượng Đế như là sự sáng tạo, và bạn và tôi là một biểu hiện của sự sáng tạo đó, rồi ở chính trong cốt lõi, bản thể của mỗi chúng ta là nơi chốn bên trong mà chúng ta gọi là tia sáng của sự sống thiêng liêng. Và đó cũng là phương diện cao nhất của bản thể chúng ta. Thực sự, chúng ta chính là sự Thiêng Liêng mà chúng ta hằng tìm kiếm.
Bạn sẽ phụng sự hiệu quả ra sao được quyết định bởi mức độ tích hợp và chỉnh hợp ba thể thấp (thể hạ trí, thể cảm xúc và thể xác/dĩ thái) của bạn với Linh Hồn của bạn. Nếu bạn đã tích hợp với Linh Hồn, thì ánh sáng và tình yêu thương của Linh Hồn sẽ tuôn đổ dễ dàng hơn vào các thể của bạn.
Trong triết học nội môn, ta hiểu rằng phụng sự không phải là một hoạt động hay cái gì đó mà mọi người phải làm. Phụng sự được xem như một thể hiện của sự sống Linh Hồn khi bạn cho phép phàm ngã của mình trở thành một kênh dẫn sống và biểu đạt của Linh Hồn trên cõi hồng trần.
Trong tham thiền, khi tiếp xúc với Linh Hồn, bạn ý thức rằng mình là một nguyên khí sống của sự hài hòa này. Sau khi một nhịp điệu đã được thiết lập, bạn bắt đầu trải nghiệm “đứng trong bản thể tinh thần”. Hiệu ứng của năng lượng sống này sẽ thể hiện như sức mạnh (một mãnh lực) và tình yêu thương (một năng lượng) và sự lan tỏa khi bạn chạm đến những người khác.
Khái niệm về sự sống (Livingness)
Khi người tìm đạo ý thức giữ tâm thức Linh Hồn trong khi hoạt động phụng sự, kết nối đó sẽ có một phẩm tính “sự sống” của nó.
Bản chất của sự sống là gì? .
Về bản chất, “sự sống” là năng lượng ánh sáng và yêu thương của Linh Hồn lưu chuyển qua tâm thức của bạn một cách tự do trong bất kỳ hoạt động nào mà bạn tham gia.
Sự sống Linh Hồn cũng là một năng lượng thúc đẩy thực hành hạnh vô tổn hại, chính trực và lòng trắc ẩn, từ bi. Nhưng nó không chỉ là một nhận thức, nó là một năng lượng sống động và tâm thức của linh hồn mà bạn nắm giữ khi bạn tiếp tục công việc của mình. Nó cũng có thể được xem như một sự hiện diện luôn ở đó. Bạn càng hợp nhất với năng lượng Linh Hồn nhiều chừng nào thì bạn càng được dẫn dắt và có thể thiết lập chủ ý từ đó. Năng lượng này cho bạn mục đích, ý định và định hướng khi nó hiện diện.
Hạnh vô hại – Tác động của phụng sự
Vì sự hòa hợp trở thành một phần biểu đạt tự nhiên của phàm ngã khi được truyền dẫn bởi linh hồn, người phụng sự sẽ thực hành hạnh vô hại. Năng lượng này sẽ giải tỏa những tắc nghẽn. Ví dụ, nếu người phụng sự là người điều phối của một nhóm có những thành viên với những quan điểm đối lập, sự điềm tĩnh và biểu đạt vô hại của anh ta sẽ giúp anh không chọn phe nào và có thể nhìn thấy cách thức cao cả hơn để thúc đẩy hợp tác lẫn nhau.
Biểu đạt bên ngoài của phụng sự cũng là một phương tiện xuất sắc để thức tỉnh mọi người về tâm thức tinh thần của chính mình, cho họ cảm giác tự chịu trách nhiệm về bản thân và nhóm lớn hơn mà họ sẽ ngày càng đồng nhất với tập thể đó.
Người phụng sự sẽ giúp đỡ những người khác để biết và hiểu ý nghĩa của việc “đứng trong bản thể tinh thần” như chính anh ta đã biết.
Người phụng sự sẽ trợ giúp những cá nhân trong công việc phụng sự thuộc lĩnh vực lựa chọn của họ mà họ muốn biểu đạt, chứ không chỉ định cách thức và nơi chốn cần phụng sự.
Là một thành viên của đạo viện trên cõi nội giới, một người phụng sự hiệu quả sẽ hỗ trợ việc thực thi Thiên Cơ.
Những người tiên phong của ánh sáng – Đoàn người mới phụng sự thế gian
Những người tiên phong của ánh sáng hay đoàn người mới phụng sự thế gian (New Group of World Servers) đại diện cho toàn thể tất cả những người trên hành tinh đã thức tỉnh phần nào với linh hồn của chính mình. Kết quả của sự thức tỉnh đó là họ trở nên nhạy cảm với ấn tượng tinh thần trong tâm trí cùng thôi thúc mong muốn phụng sự. Những thành viên của đoàn người mới phụng sự thế gian ngày càng nhận ra trong trái tim và tâm trí họ rằng phàm ngã hay bản thể thấp cần được liên tục chuyển hóa và thanh luyện để có thể mang đến minh triết của linh hồn một cách hiệu quả hơn trong chức năng nâng cao và cải thiện cuộc sống của cộng đồng. Định mệnh của phàm ngã là chiếc áo khoác bên ngoài mà linh hồn sử dụng để giao tiếp với thế giới. Định mệnh của phàm ngã là người phục vụ của linh hồn.
Trên thực tế, đa phần mọi người không biết về sự tham gia của mình trong nhóm Đoàn Người Mới Phụng Sự Thế Gian này, bởi vì đây là một nhóm nội môn chứ không phải nhóm ngoại môn. Hiện tại, chúng ta được biết rằng có khoảng hàng triệu thành viên trong đoàn người mới phụng sự thế gian trên hành tinh.
Họ là những người nam và người nữ thiện chí, hiện diện ở mọi quốc gia, thuộc tất cả các phân nhánh kinh tế xã hội, từ những người rất giàu có, hoàn toàn cam kết phục vụ nhân loại cho đến cả những người đang sống trong cảnh tương đối nghèo khổ. Như vậy, đoàn người mới phụng sự thế gian rất đa dạng và với số lượng đang ngày càng gia tăng.
Đừng nghĩ về đoàn người mới phụng sự thế gian như một tổ chức hay phải hoạt động công khai. Nó hoàn toàn là một nhóm nội môn, không có đăng ký tên tuổi gì cả. Tốt hơn là không nên xem nó như một tổ chức (organization) mà như một sinh mệnh (organism), một sinh mệnh đầy sự sống và minh triết. Phần lớn thành viên của đoàn người mới phụng sự thế gian hoàn toàn không biết gì về nó, và phần lớn họ phụng sự ở hậu trường, không tên tuổi, không phải là nhân vật của công chúng. Phần lớn tâm thức của họ cam kết hướng đến phụng sự.
Bao nhiêu phẩm tính minh triết và yêu thương của linh hồn có thể tỏa sáng qua phàm ngã trong công việc phụng sự? Phàm ngã ưa số lượng còn linh hồn dựa trên chất lượng. Nó giống như một phép thử khi bạn nghĩ về những động cơ của mình. “Liệu chúng có đến từ linh hồn hay từ phàm ngã?” – đây là câu hỏi mà chúng ta luôn nên tự vấn mình.
Các bậc chân sư giác ngộ trong thánh đoàn, khi nhìn vào đoàn người mới phụng sự thế gian này, các ngài không nhìn thấy hàng triệu người, mà chỉ thấy một thực thể. Các ngài nhìn thấy nhóm như một Nhất Thể (Oneness), và gọi nhóm là đệ tử của thế gian (the world disciple).
Liệu nhân loại có thể tự chứng minh và vượt qua vùng đất cháy đầy khó khăn hiểm trở này để đến được bờ bên kia đầy hứa hẹn của một kỷ nguyên mới và lãnh nhận cuộc điểm đạo đầu tiên hay không? Khả năng để điều đó xảy ra, trách nhiệm này nằm phần lớn trên đôi vai của Đoàn Người Mới Phụng Sự Thế Gian.
Đoàn người mới phụng sự thế gian này là những người kiến tạo của thời đại mới – kỷ nguyên của sự phục hồi. Đó là nhóm người ngày càng bắt đầu nhận ra rằng tư duy bè phái, không chỉ tính đảng phái trong chính trị mà trong mọi thứ, đang ngày càng trở nên lỗi thời và tương lai thuộc về tinh thần xuyên đảng phái (transpartisanship), một mô thức tư duy chính trị đang nổi lên, mang tính bao gồm (inclusive), chấp nhận các quan điểm chính trị khác nhau và tìm cách tổng hợp chúng vượt ngoài những nhị nguyên chính trị thông thường (tả hữu).
Khác với thời Song Ngư, ngày nay, người tiên phong của Ánh Sáng thời đại Bảo Bình không chỉ là một cá nhân mà là một nhóm. Đó là đoàn người mới phụng sự thế gian, đệ tử thế giới. Đó là bạn, là tôi, là chúng ta. Một trong những điều đẹp đẽ về việc là một thành viên của đoàn người mới phụng sự thế gian đó là mỗi người hoàn toàn tự do phụng sự theo cách mà họ thấy phù hợp với mình. Không có ai hay tổ chức nào bảo phải làm cái này, cái kia. Bạn hoàn toàn tự do để thực sự mang điều tốt đẹp nhất trong mình ra và biểu đạt nó, trong bối cảnh hiện thực của cuộc sống mình, cho dù nó là bất cứ gì.
Sơ đồ sau cho thấy vị trí của đoàn người mới phụng sự thế gian trong bức tranh lớn hơn. Chúng ta có ba tam giác.
Trên cùng là thánh đoàn và bảy đạo viện (ashrams), toàn bộ ở dưới là nhân loại và đoàn người mới phụng sự thế gian nằm giữa thánh đoàn và quần chúng gồm những người trí thức, những người thiện tâm trên thế giới và đám đông quần chúng ở dưới đáy kim tự tháp này.
Chức năng của đoàn người mới phụng sự thế gian trước hết là tiếp nhận những rung động đến từ đạo viện (ashram), các rung động trực giác. Ashram nói bằng những ấn tượng trực giác, hoàn toàn là những trực giác không hình tướng, và nhiệm vụ của người đệ tử là diễn giải những trực giác vô sắc tướng này thành những hình tư tưởng. Một trong những kỹ năng mà một thành viên của đoàn người mới phụng sự thế gian phải thể hiện đó là khả năng sử dụng tâm trí theo hai cách rất độc đáo, riêng biệt.
Chúng ta thường sử dụng tâm trí tạo ra những suy nghĩ, tư tưởng và rồi làm gì đó với những tư tưởng này. Nhưng khi bạn thức tỉnh với linh hồn, đó là lúc bạn bắt đầu hiểu rằng tâm trí có một chức năng thứ hai, đó là phục vụ như vận cụ tiếp nhận ấn tượng trực giác từ trên cao, từ đạo viện. Như vậy, tâm trí vừa là một tác nhân biểu đạt các ý tưởng, nhưng cũng là khí cụ tiếp nhận các trực giác. Kỹ năng này càng được phát triển thì bạn càng tiến triển xa hơn trên hành trình tiến hóa của mình. Toàn bộ vấn đề này liên quan đề chủ đề huyền thuật – ý tưởng về quá trình huyền thuật của một trực giác vô sắc tướng tiến nhập vào và được ghi nhận trong tâm trí, và tâm trí ghi nhận nó như một tư tưởng, một hình tư tưởng. Đó là việc đưa một thứ vô sắc tướng (formless) thành hình hài.
Và điều đó cũng có nghĩa rằng, khoảnh khắc mà chúng ta tự nói với mình, tôi có một trực giác, ta cho nó một cái tựa đề, ta mô tả nó mà chúng ta cần làm vậy để đưa nó tới, thì chúng ta không còn có trực giác đó nữa. Bởi vì trực giác thì vô sắc tướng, còn bây giờ chúng ta đã trao cho nó một hình hài.
Một trong những thách thức quan trọng mà chúng ta cần biết đó là phải luôn nhớ rằng hình tư tưởng mà chúng ta đã tạo ra từ một trực giác đến qua chúng ta luôn luôn kém hơn toàn bộ trực giác nguyên thủy đã đến với chúng ta. Bởi vì hình tướng luôn là cái chứa đựng và kém hơn trực giác đã sinh ra nó. Rồi quá trình tiếp theo là sự hình thành các ý tưởng từ những ấn tượng, và sau đó được đưa ra để phụng sự nhân loại.
Chúng ta thấy trong sơ đồ, đoàn người mới phụng sự thế gian ở ngay chính giữa, là tác nhân tập thể kết nối minh triết của đạo viện với nhân loại. Đó là lý do trong một số tài liệu, đoàn người mới phụng sự thế gian được gọi là nguyên khí trung gian vĩ đại (the great middle principle). Đoàn người mới phụng sự thế gian hoạt động như Con Mắt Thứ Ba của hành tinh thượng đế. Vì thế đoàn người mới phụng sự thế gian là một cấu trúc cực kỳ quan trọng trên thế giới ngày nay.
Tầm nhìn về một nhân loại hợp nhất
Trên khắp thế giới, trong tất cả các nền văn hóa và các quốc gia, những người nam và nữ thiện chí đang làm việc với một cảm giác trách nhiệm hướng đến cải thiện phúc lợi chung. Họ thúc đẩy một phẩm tính trong tâm thức giúp loại bỏ những căng thẳng xung đột giữa mọi người, và đưa nhận thức mới về sự liên thuộc lẫn nhau của con người. Họ không bao giờ đứng về phía phe phái nào và cũng không tập trung vào sự chia rẽ, mà làm việc với thái độ đưa mọi người lại với nhau. Đoàn Người Mới Phụng Sự Thế Gian chia sẻ những giá trị chung sau:
- Họ thu hút sự chú ý của mọi người đến tất cả những gì tích cực trong xã hội và họ là người phát ngôn cho các nguyên tắc thiện chí và hợp tác. Không có vấn đề gì là không thể giải quyết thông qua thiện chí và sự hợp tác. Họ hiểu rằng đây là một phần của bí quyết để tạo ra mối liên giao đúng đắn giữa các dân tộc.
- Họ tìm cách phơi bày những khuôn mẫu và hình thức cũ đã lỗi thời, đồng thời xây dựng những hình thức mới dựa trên thiện chí và cùng nhau hướng tới một mục tiêu chung.
- Họ có tầm nhìn về Một Nhân loại hợp nhất và tán thành khái niệm về một thế giới không có thù hận hay bạo lực. Họ hình dung ra một nơi mà sự chia rẽ giữa các tôn giáo, hoặc các ranh giới giai cấp đã biến mất, hoặc đã được vô hiệu hóa. Một số thực sự đang xây dựng và cung cấp hình tư tưởng cho một Giải pháp cho các Vấn đề Thế giới.
- Họ quan niệm rằng tất cả các giới và môi trường đều có thể cùng tồn tại vì một tương lai bền vững, và nhân loại có trách nhiệm chăm sóc chúng ở hiện tại và tương lai. Họ giữ vững tầm nhìn rằng chúng ta là Một Nhân loại và khơi dậy nguyên tắc chia sẻ tài nguyên của thế giới, và rằng không một cá nhân, tập đoàn hay quốc gia nào có thể kiểm soát các nguồn lực quan trọng đối với sức khỏe của nhân loại.
- Trong khi họ có thể thuộc một phần của bất kỳ nhóm hoặc tổ chức tâm linh nào hoặc không, nhưng họ không bao giờ can thiệp vào ý chí tự do của bất kỳ cá nhân hoặc nhóm nào. Họ giúp kích thích các khái niệm tinh thần về lòng khoan dung và tính cộng đồng trong các vấn đề của con người. Họ hiểu rằng các giá trị nhân văn cao cả giúp thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa các dân tộc và quốc gia. Tư duy này giúp tích hợp tinh thần và thúc đẩy một nền tảng cho cuộc thảo luận dân sự giữa tất cả các thành viên của Nhân loại.
Thông qua tất cả những điều này, chúng ta nhấn mạnh khái niệm một cá nhân “tỏa ra ánh sáng của Linh hồn” và ý chí hướng thiện.
Những thách thức nổi bật mà chúng ta đang phải đối mặt
Cái cơ bản nhất có lẽ là cái gọi là đại tà thuyết chia rẽ (the great heresy of separateness). Đây có lẽ là cản trở lớn nhất cho tương lai nhân loại. Đó là khuynh hướng đặc thù của bản thể thấp – trở nên tách biệt hay thấy sự khác biệt và bận tâm với những khác biệt.
Những ý tưởng vĩ đại đến với chúng ta qua quá trình trực giác. Chúng ta xây dựng những hình tư tưởng mới xung quanh nó, ứng dụng những ý tưởng mới này trong khoa học, nghệ thuật, văn học, tôn giáo, v.v… Chúng ta hưởng lợi từ nó. Chúng ta phát triển, mở rộng.
Nhưng mọi ý tưởng cuối cùng sẽ tồn tại lâu hơn tính hữu ích của nó. Và khi điều đó xảy ra, nó từ từ trở thành một trở ngại hơn là một tài sản. Ngôi đền hôm nay sẽ trở thành nhà tù ngày mai. Những ý tưởng mà chúng ta trân trọng hôm nay, cuối cùng, nó sẽ bắt đầu cầm tù chúng ta, bởi vì sẽ có một mô thức khác cần thay thế cho nó.
Như vậy, ở góc độ nào đó, thách thức lớn nhất đối với nhân loại, với tương lai là những hình tư tưởng theo thói quen của quá khứ.
Một số những lực lượng phản đối đang hoạt động chống lại chúng ta, họ thậm chí xem chúng ta như một mối đe dọa. Đôi khi vì những điều tốt đẹp mà chúng ta đang cố gắng mang vào thế giới, chúng ta thu hút sự chú ý của những lực lượng tiêu cực và họ tìm cách tấn công. Như vậy, hãy lưu ý rằng, khi bạn mang yêu thương và minh triết vào thế giới, thì cũng sẽ có một năng lượng chống đối nhắm về phía chúng ta. Đôi khi nó được gọi là những ngọn lửa cổ xưa, sức mạnh cố hữu và những ý tưởng cũ kỹ. Khi chúng cảm thấy bị đe dọa bởi cái mới, chúng sẽ bùng phát. Nhưng tin tốt lành đó là, khi bạn càng tiến xa trên đường đạo, như một người đệ tử, nội tâm bạn càng gần với hào quang của đạo viện thì bạn càng được bảo vệ bởi chính đạo viện.
Phụng sự – Thôi thúc của Ánh Sáng
Hơn 600 năm qua, nền văn minh phương Tây phần nào đó đã tiến hóa từ một dòng tiến nhập mới của ánh sáng, được cảm nhận bởi những con người sáng tạo, dũng cảm và tham vọng khắp nơi. Ánh sáng mới được cảm nhận này đã kích thích sự sáng tạo của con người, và mở mang trí tuệ của anh ta qua tìm hiểu để khởi xướng những cuộc cách mạng trong văn hóa, khoa học, nghệ thuật và chính trị, đưa nhân loại đến những Thời Kỳ Khám Phá, Phục Hưng và Khai Sáng. Nó đã là một thời kỳ của những mở mang lớn lao, những phát minh và cách sống mới, dù vậy nó vẫn là một kỷ nguyên của cá nhân.
Khi chúng ta nhìn lại qua các thế kỷ, chúng ta thấy rằng tâm thức con người đã tiến hóa từ quan điểm trong đó chỉ có những nhu cầu của cá nhân là quan trọng đến quan điểm trong đó chúng ta cũng cần quan tâm đến cộng đồng hay nhóm/tập thể lớn hơn. Trong những thời gian gần đây, chúng ta đã thấy nổi lên một cách tiếp cận mới, cách cá nhân và nhóm hoạt động dựa trên khái niệm về phụng sự.
Qua một ánh sáng mới được cảm nhận, và qua nhận thức về những giáo lý Minh Triết Ngàn Đời trong vô số dạng khác nhau của nó, nhiều người phụng sự đã khai sáng đang hoạt động bởi thôi thúc của việc phụng sự vô kỷ. Khái niệm phụng sự vô kỷ liên quan đến việc giúp đỡ nhóm lớn hơn chứ không chỉ cá nhân.
Phụng sự trong thời đại Song Ngư và thời đại Bảo Bình
Phần lớn cuộc khủng hoảng (bước ngoặt) trên thế giới ngày nay thực sự dựa trên sự kiện rằng chúng ta đang trong giai đoạn chuyển tiếp của hai mãnh lực, hai dịch chuyển lớn, (1) từ Thời Đại Song Ngư sang Thời Đại Bảo Bình và (2) từ kỷ nguyên Cung 6 sang kỷ nguyên Cung 7. Giai đoạn chuyển tiếp này khoảng 100 – 200 năm. Chúng ta có lẽ đang ở điểm giữa và vì thế sự phân cực đang rất lớn.
Từ quan điểm nội môn, bất cứ những thay đổi tiến hóa lớn nào trong tâm thức đều thường đi cùng với khủng hoảng, hay căng thẳng, xung đột. Nói cách khác, khủng hoảng luôn là khúc dạo đầu đưa tới một sự mở rộng tâm thức. Vượt qua qua khủng hoảng là trải nghiệm rất khó chịu và không hề dễ dàng. Nhưng thường cuối cùng, bạn sẽ tốt hơn, trưởng thành chín chắn hơn, khôn ngoan hơn từ trải nghiệm đó.
Khi nghe nói đến “phụng sự”, chúng ta thường nghĩ đến việc giúp đỡ những người vô gia cư, làm việc, cứu giúp những người tuyệt vọng, khó khăn, đau khổ… Đó là ảnh hưởng của quan điểm mang tính lịch sử của thời đại Song Ngư. Tuy nhiên, phụng sự thực ra có hàm ý rộng hơn, phụng sự có thể được thực hiện ở bất cứ nơi đâu, dưới mọi hoàn cảnh. Đó là khái niệm về phụng sự của thời đại Bảo Bình.
- Phụng sự thời Song Ngư được vận hành thuần túy bởi trái tim và lòng trắc ẩn từ bi, sức mạnh của trí tuệ được xem là thứ yếu. Trong khi đó phụng sự thời Bảo Bình được vận hành đồng đều bởi cả trí tuệ và trái tim, trái tim mang lòng trắc ẩn trong khi trí tuệ lý luận và dẫn lối.
Thời đại Song Ngư đã ảnh hưởng trong 2000 năm qua. Song Ngư là dấu hiệu hành thủy (cung nước) và về tình yêu thương. Đó là lý do tại sao Chân Sư Jesus đã được Đức Christ phủ bóng cách đây 2000 năm, với sứ mệnh là mang đến chủ âm về tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Song Ngư về bản chất không nhấn mạnh nhiều trí tuệ như trái tim. Nhưng Bảo Bình thuộc hành khí, và khí là về trí tuệ.
Khi bạn nghe những người trong cộng đồng New Age (Thời Đại Mới) bảo rằng hãy gạt cái trí sang một bên vì cái trí chỉ là vật cản thôi. Nhưng chúng ta không cần phải gạt trí tuệ sang một bên mà đúng hơn là gạt hạ trí sang một bên. Hạ trí đôi khi là vật cản trở cho sự thấu hiểu tinh thần, nhưng thượng trí lại là món quà lớn nhất của bạn, vì đó là trí tuệ của linh hồn. Đó là minh triết mà bạn đã thu đạt được cho đến kiếp sống này.
Như vậy, ý tưởng cả trí tuệ và trái tim tất nhiên là chính linh hồn. Thể nguyên nhân là tác nhân của cả trí tuệ và trái tim. Thể nguyên nhân, nơi chứa tâm thức linh hồn của chúng ta, về bản chất là một tác nhân của năng lượng Christ (Thiên Tính). Khi người ta nói “Christ trong bạn” thực sự đó chính là linh hồn, đó là thể nguyên nhân (Thiên Tính/Phật Tính). Thể nguyên nhân là Đức Christ trong bạn, trong mỗi chúng ta. Hãy nhớ rằng nguồn gốc của nó được thấy ở trên cõi thượng trí, và đó là kho chứa của minh triết thu đạt được. Vì thế, đó là việc cân bằng trái tim và trí tuệ cùng với nhau.
- Phụng sự thời Song Ngư chủ yếu được vận hành bởi mãnh lực cứu rỗi, nhấn mạnh vào chủ đề cứu rỗi và cứu chuộc. Phụng sự thời Bảo Bình được vận hành chủ yếu bởi năng lượng của Thiên Cơ, và khả năng nhìn thấy nó ngày càng khai mở qua thời gian.
Phụng sự thời Song Ngư hướng trực tiếp tới nhân loại thống khổ và những người sống trong những hoàn cảnh khó khăn, tuyệt vọng và bất lực. Phụng sự thời Bảo Bình hướng đến tất cả mọi phương diện của cuộc sống con người. Mọi hoàn cảnh và môi trường đều được xem như mang tính tâm linh và vì thế có thể được trợ giúp.
Khái niệm mãnh lực cứu rỗi là quan trọng bởi vì năng lượng Song Ngư cũng như năng lượng Cung 6, cả hai đều được gọi là năng lượng của mãnh lực cứu rỗi. Vì thế, với cả hai năng lượng này, chúng mang phẩm tính cứu hộ, thôi thúc phụng sự. Nhưng tiêu điểm của Bảo Bình rộng lớn hơn nhiều và nó được thúc đẩy bởi cảm giác về mục đích sâu sắc, liên quan đến một thôi thúc nội tại tạo ra sự khác biệt và chịu sự chi phối của thiên cơ.
- Nhà thần bí Song Ngư yêu thương và phụng sự nhân loại nhưng thích một thái độ khổ hạnh và cô lập trước những phức tạp của cuộc sống văn minh. Nhà thần bí thực tiễn Bảo Bình yêu thương và phụng sự nhân loại, tìm cách tham gia vào cuộc sống văn minh và giải quyết những phức tạp của cuộc sống con người.
Song Ngư là dấu hiệu của nhà thần bí, ngập tràn yêu thương.
Còn Bảo Bình là dấu hiệu của nhà thần bí thực tiễn. Cả hai đều có thành phần “thần bí” trong nó, đó là kết nối với sự sống động của đời sống vĩ đại hơn. Nhưng ở đây nhấn mạnh sự nối đất, và nó mang tính chất của Cung 7, là cung nối đất. Vì thế với Bảo Bình, vừa có phẩm tính thần bí của tình yêu thương và cũng có việc sử dụng trí tuệ có mục đích. Có một cảm giác về sự cam kết làm cho thứ gì đó trở nên hữu hình hơn và biểu đạt về mặt tinh thần ra thế giới bên ngoài.
Tất cả chúng ta có lẽ sẽ nhận ra cả hai tố chất này trong mình. Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển tiếp nên không ai có thể có cả hai phẩm tính này một cách hoàn hảo cả. Mỗi chúng ta đều đang trong quá trình hoàn thiện dần dần.
- Người đệ tử phụng sự thời Song Ngư xem vũ trụ và tất cả những gì trong đó là tạo vật của Thượng Đế. Người đệ tử phụng sự thời Bảo Bình xem vũ trụ và tất cả những gì trong đó là Thượng Đế đang biểu lộ qua hình hài.
Không phải là Thượng Đế và sự sáng tạo mà Thượng Đế như là sự sáng tạo là một khái niệm rất quan trọng của thời đại Bảo Bình.
- Cảm hứng phụng sự thời Song Như đến qua sự hợp nhất trực giác và niềm tin về tình cảm. Cảm hứng phụng sự thời Bảo Bình đến qua sự hợp nhất của trực giác và một trí tuệ hiến dâng.
Khuynh hướng của Song Ngư là hợp nhất trực giác với một cảm giác và thậm chí được diễn giải theo một cảm giác. Nhưng tất nhiên, trực giác ở cao xa hơn và sâu xa hơn nhiều so với cảm giác. Từ lâu chúng ta đã liên hệ cả hai với nhau. Thực tế, chúng ta thường nói, tôi có cảm giác và ta xem đó như một trực giác. Tuy nhiên cảm giác, cảm xúc chi phối bởi luân xa tùng thái dương. Mục tiêu của tất cả chúng ta là nhận ra rằng, trực giác tràn đầy Thiên Tính cao cả như tình thương, phải được hợp nhất với trí tuệ. Và điều này quay trở lại với nghệ thuật của quá trình huyền thuật.
- Song Ngư có khuynh hướng phụng sự thế giới bằng cách diễn giải các sự kiện như là tốt (thiện) và xấu (ác). Bảo Bình có khuynh hướng phụng sự thế giới bằng cách nhìn thấy các sự kiện như là biểu hiện của cả bóng tối và ánh sáng.
Chúng ta hay có khuynh hướng nhìn mọi thứ với sự phân cực. Song Ngư có khuynh hướng nhìn mọi thứ như là đúng và sai, tốt và xấu, ngay cả ý tưởng về Thiên Đường và Địa Ngục cũng xuất hiện từ nhận thức nhị nguyên này.
Nhưng từ quan điểm nội môn, khi nói đến cuộc sống con người, trong hiện hữu xã hội, không có gì là hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu xa, đen tối. Mọi thứ đều là một hòa trộn của cả bóng tối và ánh sáng. Ở một góc độ khác, mỗi chúng ta đều có một linh hồn – là tác nhân của ánh sáng, và một phàm ngã với những bất toàn trong nó. Chúng ta là sự hòa trộn của cả bóng tối và ánh sáng. Và có lẽ điều này đúng với mọi hệ thống sống khác, như quốc gia, các thể chế xã hội, con người, hoàn cảnh… Mọi thứ đều có tính chất nhị nguyên này. Vì thế khi chúng ta chuyển dịch vào Thời Đại Bảo Bình, nó thực sự quan trọng để nhìn vào những lựa chọn. Và lựa chọn không phải là sáng và tối hay tốt và xấu. Thay vào đó là mối liên hệ giữa chúng là gì? Hỗn hợp ánh sáng và bóng tối ở đây là gì so với hỗn hợp ánh sáng và bóng tối ở kia? Trong sự cân nhắc mang tính tương đối đó, chúng ta có thể đưa ra những lựa chọn khôn ngoan hướng về ánh sáng vĩ đại hơn. Thực sự, toàn bộ tư duy trắng đen đã định sẵn trong chúng ta quá lâu, và trở thành dạng tâm thức cổ lỗ rồi.
Giai đoạn của những người tiên phong và Mật Nghị 2025
Giai đoạn của những người tiên phong được dự đoán bắt đầu vào năm 1945, ngay sau khi kết thúc Thế Chiến thứ II, và kéo dài đến năm 2025. Những nỗ lực của đoàn người mới phụng sự thế gian được tăng tốc từ sau năm 1945. Hôm nay chúng ta đã là 2022, chỉ còn hơn 3 năm nữa là kết thúc toàn bộ chu kỳ này. Kết thúc chu kỳ chính là sự kiện Mật Nghị (the Conclave) năm 2025.
Triết học nội môn có nói rằng, từ năm 1425, cứ vào năm thứ 25 của mỗi thế kỷ, Thánh Đoàn gồm tất cả các chân sư – những linh hồn đã giải thoát trước chúng ta và các vị đứng đầu của tất cả các đạo viện và Đức Christ cùng họp kín (mật nghị) để đưa ra những quyết định hỗ trợ cho sự tiến hóa của nhân loại (và cả giới động vật, thực vật, toàn bộ sự sống trong hệ sinh thái) trong 100 năm kế tiếp. Mật Nghị có thể được xem như một sự hợp nhất nội bộ của những tia sáng sự sống thiêng liêng tập hợp cùng nhau hiện thực hóa cách thức phụng sự và gây ấn tượng cho nhân loại. Mỗi Mật Nghị gieo những kiểu mẫu nhất định vào tâm thức nhân loại qua quá trình trực giác.
Một trong những Mật Nghị rất quan trọng là Mật Nghị năm 1525. Năm 1525, các chân sư đã nhìn thấy tương lai xa xôi ánh sáng mờ nhạt của Bảo Bình. Các ngài nhận ra rằng vì Bảo Bình mang tính chất tập thể/hội nhóm, đây là một cơ hội để thúc đẩy sự tích hợp. Và một quyết định rất quan trọng đã được đưa ra vào thời điểm đó. Đó là quyết định đào tạo một nhóm các đệ tử để chuẩn bị cho nhân loại cho hàng thế kỷ tới. Bây giờ đã gần 600 năm trôi qua.
Và nhóm đệ tử đó ngày nay chúng ta gọi là đoàn người mới phụng sự thế gian. Như vậy, quá trình bắt đầu là một thành viên của nhóm này thực sự đã diễn ra cách đây 600 năm trước. Và chỉ tới bây giờ nó mới đang nhận lãnh một vai trò hữu hình hơn nhiều trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay.
Những đại biểu tại Mật Nghị đã ra quyết định tạo xung động những hình tư tưởng cần thiết để khởi động sự bứt phá hay cuộc cách mạng chống lại các thẩm quyền tôn giáo, sự kiện Cải Cách Tin Lành v.v… bởi vì giáo hội lúc đó rất quyền lực, không chỉ về khía cạnh tôn giáo mà cả về chính trị trong những thế kỷ đó.
Kết quả của Mật Nghị năm 1725 là tâm thức nhân loại được dẫn tới sự khởi đầu của Thời Đại Victoria, đề cao cái đẹp.
Năm 1825, các quyết định tại Mật Nghị liên quan nhiều đến sự khởi sinh của cuộc Cách Mạng Công Nghiệp, đặc biệt ở miền Bắc Anh Quốc, và cũng là sự nổi dậy của phong trào nhân dân lao động trên khắp thế giới.
Năm 1925, Mật Nghị đã đưa ra quyết định công khai về sự hiện hữu của đoàn người mới phụng sự thế gian. Ý tưởng về đoàn người mới phụng sự thế gian đã thực sự được biết tới từ năm 1925.
Thế còn Mật Nghị 2025 sẽ là về điều gì?
Mật Nghị sắp tới phần lớn sẽ về việc chuẩn bị cho nhân loại lãnh nhận cuộc điểm đạo đầu tiên, mà trong một số tài liệu huyền môn còn gọi là Sự Giáng Sinh của Thiên Tính Christ trong trái tim. Chúng ta, những người tiên phong dọn đường, chuẩn bị cho sự khai mở khả năng của nhân loại lãnh nhận cuộc điểm đạo đầu tiên.
Tất cả nhân loại như một toàn thể, như một đơn vị sống, cũng đang tiến hóa. Và nó đang tiệm cận với cuộc điểm đạo đầu tiên. Cuộc điểm đạo đầu tiên của nhân loại hoàn toàn về việc tìm thấy sự nhất thể của chúng ta, và thực sự, theo một cách thực tiễn, hữu hình và hồng trần. Ý nghĩa của cuộc điểm đạo đầu tiên đó là nhân loại cuối cùng tiến đến một nhận thức rằng chúng ta cần phải sống như một toàn thể/nhất thể trên cõi hồng trần. Sự sống còn của chúng ta phụ thuộc vào điều đó. Đó là bài kiểm tra để xem liệu chúng ta đã sẵn sàng để có thể bước qua vùng đất cháy, qua than nóng để thực sự hỗ trợ tương lai.
Thánh Đoàn đứng đầu bởi Đức Christ và các chân sư lãnh đạo bảy đạo viện là những vị giám sát Thiên Cơ. Với vai trò vị đệ tử của thế giới, đoàn người mới phụng sự thế gian là những người thực thi thiên cơ. Muốn thành công, trước hết chúng ta phải tuân phục linh hồn của chính mình.
Phần lớn quyết định của các Chân Sư tại Mật Nghị 2025 sẽ dựa trên công việc của đoàn người mới phụng sự thế gian trong suốt giai đoạn tiên phong này. Nói cách khác, các chân sư sẽ đưa ra những quyết định dựa trên những gì chúng ta làm, cách chúng ta phát huy hết khả năng của mình, cách chúng ta cam kết sống như thế nào để phục vụ cho sự tốt đẹp của toàn thể rộng lớn hơn. Như vậy, một trọng trách được đặt trên vai của chúng ta.
Những người tiên phong của ánh sáng – thái độ, phương pháp và kỹ năng
- Hoạt động hướng đến trở nên đồng thời vừa thực tiễn vừa thần bí.
- Biết rằng những “món quà” (tài năng) của bạn liên quan đến mục đích và công việc phụng sự, sứ mệnh của bạn.
Hãy nhớ, một cách hữu thức, đưa tài năng của bạn vào công việc bạn phụng sự.
- Làm quen với việc sống ngược lại với tư tưởng và niềm tin của xã hội.
Nếu bạn không cảm thấy như mình đang bơi ngược dòng, thì hẳn có điều gì đó sai sai. Bởi vì, thực sự, khi bạn tỉnh thức với linh hồn và mong muốn phụng sự, bạn cũng sẽ nhận ra rằng người ta đang đi theo chiều hướng sai lầm, ở nhiều nơi trên thế giới, ở nhiều phương diện, cách thức trên thế giới. Và vì thế chúng ta đang cố gắng vận động một hướng đi khác, và điều đó sẽ có cảm giác như bạn đang bơi ngược dòng. Con đường đệ tử không hề dễ dàng.
- Nhìn nhận các hệ thống xã hội như những thực thể sống, có cả linh hồn và biểu đạt phàm ngã
Giống như con người có linh hồn và phàm ngã, mọi thứ cũng vậy, các tổ chức, thể chế xã hội cũng vậy, các quốc gia cũng vậy. Chúng là những thực thể sống động, nỗ lực chuyển hóa phần thấp hơn để hỗ trợ phần cao cả hơn, giống như mỗi chúng ta.
Và chúng ta mong muốn phụng sự linh hồn của thứ mà chúng ta đang nhận thức. Khả năng có thể phân định linh hồn của cái gì đó với phàm ngã của nó là qua con mắt thứ ba. Con mắt thứ ba khi được khai mở phần nào có thể giúp chúng ta nhìn thấy linh hồn ẩn giấu bên trong lớp áo khoác của hình tướng, của phàm ngã.
- Hữu thức rèn luyện nhằm thiết lập một điểm nhất tâm bên trong.
Đây là một chủ đề lớn. Điểm nhất tâm là một tham chiếu đến cái gọi là ý chí tập trung bất động. Chúng ta thường luôn nghĩ về tình yêu thương như là con đường đến với tâm linh. Nhưng thực ra con đường đến với tâm linh không chỉ có tình yêu thương mà còn có cả ý chí. Và vì thế, khi tham thiền, cần có cả hai, cảm giác yêu thương mở rộng và một cảm giác chỉnh hợp nhất tâm và ổn định theo chiều dọc với linh hồn, và với đạo viện. Chỉnh hợp đòi hỏi việc thỉnh nguyện một cảm giác của ý chí trong tiến trình này.
- Tìm kiếm sự cô tịch, càng thường xuyên càng tốt, để kết nối với Linh Hồn và cảm nhận thiên cơ.
Chúng ta càng làm được điều này nhiều chừng nào tốt chừng đó, thậm chí chỉ cần vài phút tham thiền tĩnh lặng, thực sự rất quan trọng.
Trong cô tịch, chúng ta có thể nghe được rõ hơn tiếng nói của linh hồn mà đôi khi còn được gọi là tiếng nói vô thinh, tiếng nói của sự tĩnh lặng.
- Biết rằng trải nghiệm thăng trầm vốn gắn liền với sự tiến hóa tâm thức con người, khi xét cả trên phương diện cá nhân và tập thể.
Nhân loại là giới thứ tư và linh hồn của toàn thể nhân loại được vận hành bởi Cung 4. Cung 4 được gọi là cung hài hòa qua xung đột. Nó không được gọi là cung hài hòa và xung đột, mà là hài hòa thông qua xung đột, căng thẳng. Chính qua trận chiến giữa bản ngã thấp kém và bản chất cao cả của chúng ta, chính qua sự chuyển hóa của cái thấp hơn mà chúng ta có thể sống nhiều hơn với bản thể cao cả. Vì thế hãy quen với trải nghiệm thăng trầm trồi sụt, nó vốn đã gắn liền với sự tiến hóa tâm thức con người, mặc dù bạn càng tiến xa thì các đoạn sụt lõm sẽ càng nông dần và rồi cuối cùng là đường thẳng, và đó sẽ là lúc giác ngộ hoàn toàn.
- Tự lượng sức mình, công việc tinh thần phải được điều chỉnh cho phù hợp với năng lực.
Nếu để kiệt sức, chúng ta sẽ không thể làm được gì, không thể hữu ích cho đạo viện.
- Duy trì tính phân biện, vô ngã, điềm nhiên và không dính mắc (the 4 D’s – discriminative, decentralized, dispassionate and detached)
- Phân biện, suy nghĩ thấu suốt rõ ràng, và phân biện giữa tư tưởng chân thực với những cái chỉ dường như có vẻ chân thực.
- Vô ngã (phi tập trung), rời mắt khỏi chính mình.
- Điềm nhiên, học cách sử dụng những cảm xúc của bạn như một cách để mang điều gì đó vào thế giới hơn là bị những cảm xúc của bạn điều khiển.
- Không dính mắc, tách rời khỏi bận tâm với việc nhìn thấy hay cần thấy những thành quả công sức của bạn.
- Phát triển và sử dụng kiểu mẫu cuộc sống kép.
Đôi khi bạn đang thiền và bạn muốn có tri kiến nào đó nhưng bạn chưa có được, và rồi bạn phải tiếp tục với một ngày của mình và để lại sau trong tâm trí. Tuy nhiên, ngay cả khi nó ở sau trong tâm trí và bạn không bận tâm với nó, và chỉ lo làm việc của mình, thì nó vẫn đang hoạt động. Đôi khi quá trình này được gọi là một kiểu mẫu cuộc sống kép (a double life pattern).
- Làm việc dưới ấn tượng từ dấu hiệu điểm Mọc của bạn
Trong chiêm tinh truyền thống, dấu hiệu điểm Mọc được xem như là biểu tượng chân dung của bạn, cách bạn xuất hiện trong thế giới. Trong chiêm tinh học nội môn, dấu hiệu điểm Mọc và chủ tinh nội môn của nó chỉ được áp dụng khi bạn thức tỉnh với linh hồn của chính mình. Lúc đó, dấu hiệu điểm mọc ở cấp độ cao thể hiện ý định lâm phàm sâu sắc hơn của linh hồn cho kiếp sống, cách linh hồn muốn định hình bản chất tâm thức để hỗ trợ cho bạn có thể làm một người phụng sự tốt hơn.
Phụng sự từ một bản thể cân bằng
Khi Linh Hồn bắt đầu chuyển hóa tâm thức của cá nhân người phụng sự, nó sẽ bắt đầu tác động đến nhóm lớn hơn – chính nhân loại. Bằng cách nào? Đa số mọi người không ý thức về kết nối bên trong này với nhau, chúng ta dù vậy vẫn có thể trải nghiệm những người khác qua thần giao cách cảm và những phương tiện tâm linh khác. Những ý tưởng được thảo luận tác động đến tâm trí của chúng ta. Người phụng sự kết nối với Linh Hồn mình và học cách giữ một “tư duy tinh thần” trong đời sống.
Từ một góc độ nhất định, phụng sự giống như khoác lên mình bộ áo mới và đòi hỏi tái định hướng lại phàm ngã. Phụng sự, lý tưởng là có thể được xem như một phần của thực hành tâm linh. Với việc tái định hướng lại phàm ngã, hãy nhớ rằng bản thân phụng sự là một kết quả của một tác động bên trong giữa phàm ngã và Linh Hồn. Khi mối quan hệ này được thiết lập thì sẽ có một số thứ nhất định diễn ra trong phàm ngã.
Một sự thay đổi trong nhận thức của phàm ngã sẽ xảy ra khi con người có xu hướng quay lưng lại với những thứ thuộc về cá nhân mình và tái tập trung trở lại vào những vấn đề lớn hơn về các nhu cầu của tập thể. Điều này dẫn đến việc tái định hướng hay phi tập trung vào phàm ngã. Trong bối cảnh thế gian, điều này cũng có thể giúp bạn loại bỏ những cơn nghiện – dù là nhỏ… chẳng hạn như mua sắm, cờ bạc, hoặc thèm ăn…
Một người phụng sự chân chính và ý thức sẽ đạt được cái có thể gọi là “cân bằng tinh thần”. Anh ta sẽ:
- Ý thức về nơi mà tâm thức anh ta đang ở tại bất kỳ khoảnh khắc nào.
- Tự tin vào những gì anh ấy đang làm.
- Biết môi trường trong đó anh ấy đang làm việc và cả môi trường nội tâm bên trong.
Anh ấy luôn duy trì một kết nối với Linh Hồn mình, biết rằng kết nối này là một trạng thái nhất tâm (spiritual tension).
Sự nhất tâm xuất phát từ Linh Hồn có tính chất tỏa sáng, và biểu đạt ra bên ngoài qua tinh thần phụng sự và thiện chí.
Để hiệu quả nhất trong công việc của mình, anh ấy sẽ nghiên cứu các năng lượng và mãnh lực hiện diện bên trong tâm thức mình và mang lại cân bằng bên trong chính mình. Từ nơi chốn cân bằng bên trong mình, anh ta sẽ tỏa sáng sự tự tin từ cấp độ Linh Hồn, và giúp tạo ra sự thân ái trong bất cứ những gì anh ta làm.
Chuẩn bị về thể chất (thể xác)
- Ăn uống đúng
- Tập thể dục, đi bộ, chạy xe đạp, làm bất cứ thứ gì để duy trì sức khỏe thể chất.
Chuẩn bị cảm xúc
Bản chất của Linh Hồn là bình tĩnh, thấu suốt và nhận thức thuần khiết. Người tìm đạo cần tạo ra một thể cảm dục ổn định, tĩnh lặng để năng lượng Linh Hồn tuôn chảy qua trong tất các hoạt động bạn tham gia vào hay với những người bạn gặp gỡ.
Chuẩn bị trí tuệ
Trí tuệ phải trở nên ổn định, sáng suốt và trong trạng thái lắng nghe và quan sát. Điều này dẫn đến:
- Tỉnh thức với những ấn tượng và tiếp xúc nội tâm. Điều này cho phép người phụng sự thể hiện những giá trị cao cả, như hợp tác và thiện chí.
- Học cách tạo ra tất cả những trải nghiệm và hoạt động sống của bạn vì mục đích của Linh Hồn bằng cách tạo ra một chủ ý mới (như lý tác ý).
- Nhận ra “Ý thức Linh Hồn” như một kết nối và như một điểm nhất tâm. Rồi, nỗ lực giữ sự nhất tâm hay nhận thức đó trong cuộc sống tỉnh thức có ý thức của bạn. Điều này giống như việc phát triển một sự liên tục tâm thức. Sự nhất tâm (tension) này được phát triển thông qua thực hành thiền, duy trì chánh niệm tỉnh giác cho phép khía cạnh sức sống của Linh Hồn tự do lưu chuyển trong tâm thức của bạn.
Bài chú nguyện của Đoàn Người Mới Phụng Sự Thế Gian
Cầu xin Quyền năng của Sự Sống Duy Nhất tuôn rải qua đoàn người phụng sự chân chính.
Cầu xin Tình Thương của Linh Hồn Duy Nhất thấm nhuần cuộc sống của những người tìm cách trợ giúp các Đấng Cao Cả.
Cầu xin cho con làm tròn phận sự trong đại cuộc qua sự quên mình trọn vẹn, đức vô hại và chánh ngữ.
Link file trình chiếu: https://www.slideshare.net/pthuyduong/nhng-ngi-tin-phong-ca-nh-sng
"Quyển Treatise on White Magic (Luận về Chánh thuật) trang 604-608 (bản Tiếng Anh) có nêu rõ 3 cấp của ĐNMPSTG. Hai cấp cao bên trong gồm những đệ tử và điểm đạo đồ, nhưng cấp 1 bên ngoài là những người chí nguyện.
ReplyDeleteTrong anh chị em chúng ta (không phân biệt trường phái, tín ngưỡng, phạm vi công việc, …) ai có tình thương và chí nguyện đem cuộc đời mình phụng sự người khác, phụng sự đồng bào, nhân loại, chúng sinh, đều có thể xem mình là thành viên của Đoàn Phụng sự này."
~ Chú Trân Châu