Friday 30 October 2020

Hành trình của Linh Hồn

 



Sự tiến hóa của Linh Hồn là một sự tiến hóa của Tâm Thức

Cách đây khoảng 18 triệu năm, hành trình của Linh Hồn đã bắt đầu thông qua một tiến trình được gọi là biệt lập ngã tính (individualization), khi con người trở thành một thực thể có ý thức và lý trí. Tiến trình này liên quan đến việc truyền đạt tia sáng của trí tuệ hay khả năng tư duy vào trong con người. Thuở ban đầu, tia sáng này đã cho con người cảm giác đầu tiên về “cái tôi” tách biệt mà trước đó con người đã tồn tại qua nhiều kiếp sống mà không có mục đích gì đặc biệt, ngoại trừ việc thu thập trải nghiệm và hiểu biết về việc anh ta là ai và là gì. Tia sáng trí tuệ này đã khởi động bản năng con người để hoạt động với hình tướng vật chất.

Trước thời điểm đó thì con người vẫn như một người-thú, chưa phát triển về mặt tinh thần và chỉ có những ham muốn vật chất. Trải qua những thời đại rất dài lâu, con người đã tiến hóa từ sự hiện hữu thuần vật chất và cảm xúc đến như ngày nay. Tuy hiện tại đa số nhân loại vẫn đang sống nhiều với cảm tính, nhưng trí tuệ của chúng ta đã tiến hóa đến mức có thể tích hợp những phương diện cao nhất của bản chất chúng ta với Linh Hồn, và cuối cùng là với Tinh Thần thuần khiết được gọi là Chân Thần (Monad).

Hành trình của Linh Hồn hoàn toàn là về một sự tích hợp và tái hợp nhất với Tinh Thần thuần khiết đó, với ý thức nhận thức trọn vẹn và cuối cùng là trở thành một Chân Sư Minh Triết.

Điều này được thực hiện qua Con Đường Giải Thoát (Path of Liberation). Từ sự thấu hiểu cao cả đó, con đường giải thoát là về sự sống của Tinh Thần tìm cách tự giải thoát mình, tự do khỏi ảnh hưởng của vật chất. 

Nói chung, từ quan điểm của người chí nguyện hay người đệ tử, đây là con đường mà cuối cùng bạn sẽ lựa chọn để thức tỉnh và trở nên ý thức về những suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình, và buông bỏ những lôi kéo và ảnh hưởng của các cõi giới thấp. 

Như vậy, bước trên Thánh Đạo để bạn có thể trở thành một Linh Hồn ý thức trọn vẹn và một người đồng sáng tạo với Thiêng Liêng trên Trái Đất.

“I am my own mystery, wrapped in an enigma, surrounded by illusion (Tôi là huyền nhiệm của riêng mình, bọc trong một bí ẩn, bao quanh bởi ảo tưởng)” -  Winston Churchill

Vậy Linh Hồn và mục đích của Linh Hồn là gì? 


Nguồn ảnh: minhtrietmoi.org



Nguồn ảnh: minhtrietmoi.org

Mục đích của Linh Hồn trong sự tiến hóa

Linh Hồn có vai trò như trung gian hay “Tác Nhân” của Chân Thần - Tinh Thần thuần khiết của chúng ta. Nó nằm giữa Chân Thần và các cõi giới thấp, làm trung gian và kết nối chúng lại với nhau.

Tâm thức của Linh Hồn mở rộng đến các thể thuộc những cõi giới thấp của cõi hồng trần (hạ giới) - dĩ thái, cõi cảm dục (trung giới) và cõi hạ trí. Các thể thấp này (thể xác - thể cảm xúc - thể hạ trí) cấu thành Phàm Ngã (Personality). Ba thể này có một tương ứng cao hơn của chúng được gọi là Tam Nguyên Tinh Thần (Spiritual Triad), bao gồm: Atma, Buddhi (Bồ Đề) và Manas (Trí Tuệ).

Chân Thần - Tinh Thần thuần khiết của chúng ta là đỉnh cao của trải nghiệm con người và đại diện cho tia sáng Thiêng Liêng bên trong chúng ta. Linh Hồn kết nối với nó qua Cõi Thượng Trí. 

Trước khi tích hợp Linh Hồn thì con người là một phàm ngã tách biệt. Tách biệt bởi vì trí tuệ và tâm thức hầu như luôn tách rời với trải nghiệm trực tiếp về Tinh Thần thuần khiết. Y tồn tại trên các cõi hạ trí, cảm dục (trung giới) và hồng trần (hạ giới). Y hiện hữu với những hình tư tưởng, những cảm xúc và tương tác với vật chất trọng trược qua năm giác quan của mình. Y học hỏi, thu đạt kinh nghiệm và minh triết qua nhiều kiếp sống. Y có những mối quan hệ với những người khác qua công việc, gia đình, tình cảm yêu đương lãng mạn và nhiều những cuộc gặp gỡ cá nhân hay vô tư khác.

Một phương diện chính của con đường tinh thần là hiểu biết mục đích cao cả của nó là gì? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải hiểu rằng mục đích của chúng ta được bao bọc và liên kết mật thiết với mục đích Linh Hồn của chúng ta.

Vậy thì mục đích của Linh Hồn là gì?

Trước hết, mục đích của Linh Hồn là tiến hóa tâm thức và hợp nhất với Chân Thần. Tinh Thần thuần khiết hay Chân Thần của chúng ta đang có một trải nghiệm con người qua phàm ngã được nhúng trong vật chất. Linh Hồn hoạt động như trung gian giữa bản thể Tinh Thần cao hơn và phần vật chất thấp hơn.

Trải qua nhiều kiếp sống, Linh hồn đã thu đạt vô số những trải nghiệm qua phàm ngã và muốn tích hợp và hợp nhất phản ánh thấp hơn này của nó.  Mục đích của Linh Hồn tối hậu là thay thế biểu đạt trọng trược của phàm ngã tam phân với những năng lượng cao cả hơn của Linh Hồn, và sau đó là với Tam Nguyên Tinh Thần. 

Qua thời gian, con đường tinh thần sẽ chỉ ra cho người tìm kiếm tâm linh rằng mục đích cao nhất của anh ta là nhận thức và ý thức về bản chất của các mãnh lực và các năng lượng hiện diện trong các thể xác - thể cảm xúc - thể trí của mình và hợp nhất chúng với Linh Hồn. 

Để làm được điều này, anh ta phải học cách kết nối và hợp nhất phàm ngã tam phân với Linh Hồn để trở thành Một trong tâm thức.

Trong tiến trình này, anh ta sẽ học cách giải thoát những khuynh hướng thấp kém của mình, và cho phép Linh Hồn cho anh ta thấy rằng, khi đã được tích hợp, anh ta có thể phụng sự và tham gia một cách hữu thức vào trong sự tiến hóa của nhân loại. 

Trong quá trình thanh luyện (purification), người tìm kiếm tâm linh (spiritual seeker) phải hoàn toàn ôm trọn Thánh Đạo và “trở thành chính Con Đường Đạo” Anh ta đang học một cách thức mới của hiện hữu, tư duy và cảm nhận và sẽ hiểu rằng cái biết xảy ra một cách trực tiếp. Anh ta học cách giữ lối tư duy này trong khi kết nối trực tiếp với Linh Hồn. Điều này được thực hiện tốt nhất qua việc tham thiền.

Thông qua tham thiền và nghiên cứu tinh thần về minh triết thiêng liêng, qua các tác phẩm của, ví dụ như, H.P. Blavatsky, Alice A. Bailey, Torkom Saraydarian, Helena / Nickolas Roerich, và Patanjali, người tìm kiếm chân lý (spiritual seeker) phát triển những quan năng đang thức tỉnh bên trong mình như sự phân biện và phân biệt trong tư duy. Với những quan năng này, bạn có thể cảm nhận được mục đích cao cả của mình trong sự tiến hóa.

Qua thời gian, bạn sẽ nhận ra rằng có một quá trình tiến hóa, và một Thiên Cơ - một Kế Hoạch cho sự thay đổi và rằng bạn đang học cách để là một phần “hữu thức” trong đó. Một khi được kết nối với Linh Hồn, thì phụng sự là một biểu đạt tự nhiên hướng đến việc hoàn thành mục đích của Linh Hồn.

Vậy Thiên Cơ là gì?

Thiên Cơ - Kế Hoạch Thiêng Liêng (The Divine Plan)

Những giáo huấn của Minh Triết Ngàn Đời trình bày một sự hiểu biết về linh hứng Thiêng Liêng đến từ thái dương và vũ trụ. “Linh hứng” này là một dạng tri thức và năng lượng được đưa xuống thành “Thiên Cơ”. 

Thiên Cơ là một bản thiết kế gốc hay công thức năng lượng biểu đạt ánh sáng, tình thương và ý chí hướng thiện cho toàn thế giới. Trong dạng thức cơ bản nhất của mình, nó là một hình tư tưởng biểu đạt 3 phương diện Thiêng Liêng chính hoạt động trong Nhân Loại - được gọi là: Ý Chí, Tình Thương và Thông Tuệ Linh Hoạt (Will, Love and Active Intelligence). 

Ai dẫn dắt Thiên Cơ cho nhân loại?

Thiên Cơ được dẫn dắt bởi nhóm các Linh Hồn tiến hóa cao hay các Chân Sư thăng thiên, những người cũng đã từng lâm phàm, chịu khổ đau như chúng ta, và cuối cùng đạt được giải thoát khỏi cõi hồng trần và vòng luân hồi. Họ được gọi là Thánh Đoàn và hoạt động như những người trông nom, bảo hộ để Thiên Cơ được thực thi trên Trái Đất.

Đấng Christ và Đức Phật đều thuộc Thánh Đoàn bao gồm vô số những thành viên khác nữa như các Chân Sư, các vị Thánh, các nhà Hiền Triết thuộc tất cả các nền văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng qua nhiều thời đại.  

Thánh Đoàn, trong vai trò những người trông nom Thiên Cơ, cung cấp bản thiết kế gốc cho sự tiến hóa của cá nhân và của hành tinh, bằng cách truyền đạt nó đến những người tìm đạo (spiritual seeker), qua những ấn tượng. [Ấn tượng là ý tưởng, cảm xúc về điều gì đó hoặc nhân vật nào đó, đặc biệt khi nó được tạo ra mà không có sự có mặt của tư tưởng hữu thức. Nghĩ về nó như “ấn tượng ban đầu” của bạn về một người hay nơi chốn].

Trong tất cả các nền văn hóa trên thế giới, những người tìm đạo, những người phụng sự ánh sáng - Đoàn Người Mới Phụng Sự Thế Gian diễn giải Thiên Cơ qua vô số những ngành nghề bằng cách thực hành những giá trị cao cả như thiện chí, sự hợp tác và hạnh vô tổn hại (harmlessness) trong mọi tư tưởng và hành động. 

Cuối cùng, mãnh lực của thiện chí sẽ là một biểu đạt chính của những mối quan hệ con người đúng đắn trong tất cả các vấn đề của nhân loại. Điều này sẽ bảo đảm một trật tự thế giới được duy trì thông qua sự hợp tác chứ không phải quyền lực áp đặt, hay một giấc mơ không tưởng.

Những mối quan hệ đúng đắn của con người là gì? Trong cuốn sách “Sự Hiển Lộ của Thánh Đoàn”, Chân Sư Tây Tạng nói rằng: “Mối quan hệ đúng đắn của con người” không chỉ là thiện chí...đó là một sản phẩm hay kết quả của thiện chí và cái khởi xướng cho những thay đổi có tính xây dựng giữa các cá nhân, cộng đồng và quốc gia.”. Về bản chất, đây là kết quả của tình thương và sự chấp nhận giữa các nhóm người và các quốc gia, dân tộc. Một biểu đạt chính của Thiên Cơ đối với giai đoạn tiến hóa của chúng ta hiện nay là sự kết hợp của trái tim và trí tuệ như thế.

Khoa học về 7 Cung

7 Cung (Tia - Ray) là một trong những nhân tố tác động đến sự tiến hóa của Linh Hồn, cùng với những ảnh hưởng từ Thánh Đoàn và Thiên Cơ.

7 Cung thể hiện 7 dạng thức và phẩm chất của mãnh lực mà mỗi cung có những đặc tính và thuộc tính riêng, tác động đến mọi hình hài, từ cá nhân đến nhóm tập thể, và thực sự là đến toàn nhân loại, và mọi giới (khoáng vật, động thực vật, nhân loại, linh hồn).

Sự sống Nhất Thể tìm cách tự biểu đạt qua hình tướng khi nó sáng tạo. Các truyền thống tôn giáo trên khắp thế giới đã sử dụng nhiều tên gọi khác nhau để mô tả mãnh lực - năng lượng sáng tạo này: Tạo Hóa, Thượng Đế, Allah, Brahma, Krishna hoặc đơn giản là Sự Sống Duy Nhất… cho dù tên gọi là gì, nguồn cội tối hậu đều là như nhau.

Mỗi chúng ta đến một thời điểm nào đó sẽ bắt đầu thức tỉnh và tìm kiếm để hiểu hành trình tinh thần của mình. Khi chúng ta thấy và trải nghiệm kết nối của chúng ta với năng lượng thiêng liêng bên trong mình, chúng ta kết nối với bản thể tinh thần cao cả hơn của mình.

Mục đích sâu sắc nhất của con người là biểu hiện thiết kế gốc tinh thần, bản thể chân thật hay nguyên mẫu (archetype) của mình. Chúng ta trở nên ý thức về kiểu mẫu năng lượng của riêng mình và bắt đầu sống thật với kiểu mẫu đó. Chúng ta trở thành bản chất thật sự mà chúng ta đã có sẵn trong mình. Niềm vui lớn nhất và trách nhiệm tinh thần lớn nhất của chúng ta là trở thành người mà chúng ta thực sự là và biểu đạt trọn vẹn kiểu mẫu tinh thần hay bản thể tinh thần của chúng ta. Biểu đồ cung năng lượng là một công cụ giúp chúng ta nhận ra điều này.

Chúng ta biểu đạt các cung năng lượng qua phàm ngã và linh hồn của mình. Khi chúng ta hiểu năng lượng cung tự nhiên của mình, chúng ta có thể sống thật hơn với con người mà chúng ta thực sự là.

Khoa học về 7 Cung liên quan đến các phẩm tính của ánh sáng. Ánh sáng trắng thuần khiết chứa tất cả các màu sắc được biểu đạt trong phổ ánh sáng có thể nhìn thấy được. Khi đi qua một lăng kính, ánh sáng trắng này sẽ tách thành các tia màu liên hệ đến rung động hay tần số riêng biệt của chúng.

Tương tự, bản thân tạo hóa biểu đạt qua bảy dòng chảy năng lượng thiêng liêng. Những dòng chảy hay các cung (tia) này được đặt tên theo phẩm chất (rung động) mà chúng truyền dẫn hay thể hiện.

Ý nghĩa của con số 7

Con số bảy có ý nghĩa quan trọng về mặt tinh thần bởi vì nó nổi bật trong cách chúng ta nhận thức về cấu trúc của thế giới. Có 7 ngày trong tuần, 7 nốt nhạc, 7 sắc cầu vồng. Các bản kinh cổ cũng nhấn mạnh con số 7 như 7 phép bí tích trong Cơ đốc giáo, 7 tổng lãnh thiên thần, 7 đức hạnh hay 7 tội lỗi, 7 luân xa...

Các cung (tia) cũng có thể được nhận thức qua màu sắc và âm thanh. Bảy màu sắc và âm thanh của các cung cho chúng ta một cách tiếp cận trực giác để hiểu chúng. Ví dụ như, Cung 7 tương ứng với nốt Sol và màu tím, tùy thuộc vào quãng tám được sử dụng. Chúng ta biết rằng cả âm thanh và màu sắc cũng được đo lường theo khả năng rung động của chúng.

Nghiên cứu cung năng lượng giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về bản thân mình và những người khác. Các cung mà chúng ta biểu đạt một cách cá nhân thể hiện trong nhiều mặt của đời sống như điều làm chúng ta thấy vui, cách chúng ta hành xử... Thông qua năng lượng này, chúng ta biểu đạt bản thể cá nhân, độc đáo của riêng mình. Hơn nữa, các cung năng lượng cũng được thể hiện qua các thế mạnh và điểm yếu (mặt tối) của chúng ta.

Mỗi cung có phẩm chất, năng lượng và rung động riêng của nó. Các cung chi phối hình tướng biểu đạt năng lượng của nó. Phẩm chất hay năng lượng của một cung cũng có thể được trải nghiệm bằng cách bước vào một căn phòng màu đỏ, cảm nhận năng lượng của nó, và rồi bước vào một căn phòng màu xanh và cảm nhận năng lượng của nó. Ta thấy được sự khác biệt trong tính chất hay rung động của một cung. Tương tự khi chúng ta trải nghiệm năng lượng khác nhau trong màu sắc của căn phòng, chúng ta trải nghiệm biểu đạt khác nhau của các cung của những người mà chúng ta sống và làm việc cùng với họ.

Khi chúng ta trân trọng bản thân về mặt biểu đạt Cung, chúng ta bắt đầu nhận thức nó trong những người khác. Qua đó, chúng ta mở ra con đường để thấu hiểu sâu sắc hơn và hợp tác. Chúng ta bắt đầu hiểu những điểm mạnh và điểm yếu của mình, và cả cách chúng ta bổ túc (hay đối nghịch) với những người chúng ta sống và làm việc cùng. Qua sự thấu hiểu về biểu đạt Cung, chúng ta cải thiện cuộc sống của mình trong gia đình, ở nơi làm việc, và trong hầu như mọi mối quan hệ.

Thức tỉnh và hành trình của người hùng 


“Cô là ai?” con sâu bướm hỏi Alice. "Alice ở Xứ Sở Thần Tiên" là những câu chuyện về Alice, một cô bé đang chìm trong một giấc mơ và cố gắng thức tỉnh. Bạn biết không, Louis Carroll, tác giả câu chuyện, là một nhà Thần Triết (Theosophist).

Khi bạn bắt đầu trên một hành trình mới, bạn phải có cảm thức về mình là ai, nếu không, bạn sẽ bối rối và không biết đi đường nào. Vì thế, trên hành trình này, bạn sẽ cần thường xuyên đặt câu hỏi “Tôi là ai?”

Ban đầu, Phàm ngã hoạt động như một thực thể riêng biệt, biểu đạt “cái Tôi” của nó trong tất cả những gì nó làm. Nó chưa được tích hợp hay ảnh hưởng bởi Linh Hồn và vẫn còn đồng nhất mạnh mẽ với các thể thấp, bị điều khiển bởi dục vọng vật chất và phản ứng cảm tính. Thông qua cái gọi là Thôi Thúc của Linh Hồn, Phàm ngã tỉnh thức về tinh thần. Bạn nhận ra rằng bạn sẽ muốn tìm kiếm và hiểu biết những chân lý cao cả về bản thân mình, và bản chất chân thật của riêng mình. Kết quả là, bạn trở thành một “người chí nguyện”. Đây là khởi đầu của Con Đường Giải Thoát! Sau khi tham thiền một thời gian và qua nhận thức mở rộng của chính người chí nguyện, cuối cùng anh ta đặt mình trên con đường hướng đến sự hợp tác trọn vẹn với Thiên Ý và Thiên Cơ Tiến Hóa. Mục tiêu ban đầu trong công việc tinh thần của bạn đó là tạo ra một “phàm ngã được tích hợp với Linh Hồn.” 

HÀNH TRÌNH CỦA NGƯỜI HÙNG (The Hero's Journey) 

Theo Joseph Campbell, chúng ta sẽ thấy qua văn học và truyền thuyết huyền thoại một kiểu mẫu “Hành trình của Người Hùng” [Hercules, Frodo trong Chúa Tể những Chiếc Nhẫn, Harry Potter, Pinocchio, Dế Mèn Phiêu Lưu Ký...]. Hành trình này tương ứng với con đường giải thoát hay hành trình của Linh Hồn. Các đặc trưng chính của hành trình cho người hùng đó là:

- Tiếng gọi phiêu lưu. Đây là một định mệnh đã triệu hồi người hùng và thay đổi trọng tâm tinh thần và đưa anh ta đến một nơi vô định. Ví dụ như Siddhartha (Đức Phật) đã rời bỏ sự an toàn trong lâu đài để phiêu lưu đi vào thế giới vô định.

- Con Đường Thử Thách là một loạt những thử thách, nhiệm vụ mà một cá nhân phải thực hiện để bắt đầu chuyển hóa. Điều nhấn mạnh ở đây đó là người tìm đạo học cách siêu việt những giới hạn của tư duy và cảm xúc trong tâm thức làm cản trở sự tiến triển tinh thần của anh ta. Anh ta học cách quan sát và lắng nghe với những giác quan của mình, và thông qua sự thanh luyện, cuối cùng anh trở thành người phụng sự Thiên Cơ.

- Người hùng hy sinh phàm ngã - bản ngã thấp kém, để sống trong Tinh Thần cao cả hơn, chuyển đến trạng thái của tình thương thiêng liêng, từ bi và minh triết. Trở về với phần thưởng, trưởng thành hơn. Anh ta chia sẻ minh triết của mình với mọi người, vì ích lợi của nhân loại như một hành động phụng sự. 

CHUẨN BỊ CHO THÁNH ĐẠO - THANH LUYỆN VÀ LẬP HẠNH 

Công việc tinh thần để chuyển hóa tâm thức đã được các Chân Sư như Đức Phật và Đức Christ và những người khác nữa, thực hiện từ rất lâu. Các Đấng cao cả đã làm cho con đường giải thoát dễ dàng hơn khi các Ngài vượt qua những giới hạn trong chính tâm thức của mình, đưa đến tầm nhìn lớn hơn về Con Đường Đạo và chúng ta, những con người, thực sự là ai.

Có lẽ, di sản vĩ đại nhất mà các Ngài trao cho chúng ta là những Giá Trị Tinh Thần. Những Giá Trị Tinh Thần là những năng lượng vi tế ảnh hưởng cách một người hành xử và tác động đến đạo đức cơ bản trong các lĩnh vực tôn giáo, chính trị, hoạt động xã hội, và trong mọi ngành của tư duy con người. Về cơ bản, chúng mô tả một con đường hướng đến việc sống đúng đắn.

Những ví dụ về các giá trị này bao gồm: hợp tác, thiện chí, bao dung, bao hàm, cảm thức  về trách nhiệm cá nhân, công bằng xã hội và tính vô tổn hại. Thông qua việc thực hành những giá trị này, những người tìm đạo thúc đẩy sự khai mở tinh thần của chính mình và trở thành hình mẫu cho những người khác.

Khi ngày càng nhiều người trân trọng và sống với những giá trị này thì cuối cùng những giá trị tinh thần này sẽ đưa đến một sự chuyển dịch mô thức trong tâm thức, lúc đó nhân loại sẽ được tái định hướng từ phản ứng cảm tính đến một sự thấu hiểu với lý trí và trí tuệ hơn. Và kết quả là nhân loại hướng đến việc thực hành những mối quan hệ con người đúng đắn. Nói cách khác, đó là biểu đạt tình thương và minh triết trong tất cả mọi hoạt động và tương tác của bạn.

Lược dịch bài giảng của Thầy David Hopper, trường nội môn Morya Federation https://moryafederation.com. Toàn bộ bài giảng của Thầy có thể được xem tại https://www.makara.us/portal/?page_id=838. Hình ảnh lấy từ trang https://www.minhtrietmoi.org

Bài viết về 7 cung có lược dịch thêm từ nguồn:

https://soulbridging.com/lesson/seven-rays-introduction/ 

Tìm hiểu thêm về 7 cung qua Tâm Lý Học Nội Môn:

https://www.minhtrietmoi.org/WPress/tam-ly-hoc-noi-mon-1

https://www.minhtrietmoi.org/WPress/tam-ly-hoc-noi-mon-2  

https://www.minhtrietmoi.org/WPress/tam-ly-hoc-noi-mon-3-thiep-lap-bieu-cung