Sunday 19 February 2023

Antahkarana - Cây cầu vồng đến vĩnh cửu




 

Nguồn: Monadic Media

Đường Antahkarana thường được gọi là cây cầu vồng hay cây cầu ánh sáng. Cầu Antahkarana được dịch theo nghĩa đen như một cơ quan nội tâm. Đó là một dòng chảy của năng lượng được thắp sáng, kết nối những phương diện cao nhất của hệ thống năng lượng của chúng ta với những phương diện thấp hơn.

Chỉ khi cầu Antahkarana được xây dựng, thì Tam Nguyên Tinh Thần và Chân Thần hay Tinh Thần con người mới có thể kết nối bình thường với tâm trí phàm ngã bình thường (hạ trí). 

Cầu Antahkarana được kiến tạo một cách khoa học. Xây dựng cầu Antahkarana là một trong những giai đoạn cao hơn của việc tham thiền. Tâm thức của phàm ngã có thể thăng lên vào những cõi giới cao hơn qua cầu Antahkarana. 

Ta kiến tạo cầu Antahkarana qua việc sử dụng tiêu điểm tập trung mãnh liệt, hình dung tưởng tượng và nghệ thuật phóng chiếu tăng cường một chùm ánh sáng qua cây cầu ánh sáng đã được tưởng tượng. 
Có sáu giai đoạn để xây dựng cầu Antahkarana. Và con người chúng ta phần lớn tập trung vào ba giai đoạn đầu: thiết lập ý định, hình dung, phóng chiếu. Những giai đoạn này dẫn tới việc đáp ứng lời thỉnh cầu từ sự sống cao cả. 

Trong dụ ngôn được kể từ Kinh Thánh, người con hoang đàng trở lại về nhà cha mình và người cha chạy tới để đón y. Sự đáp ứng thỉnh cầu của ánh sáng cao cả với lời khấn nguyện của người con hoang đàng. Người con hoang đàng thỉnh cầu cha mình - Phương diện tinh thần, qua quá trình khấn nguyện của công việc kiến tạo cầu Antahkarana.

 

“Con không thể đi trên Đường Đạo nếu con chưa trở thành chính Đường Đạo đó.” (Helena Blavatsky, “Tiếng Nói Vô Thinh”)

Lời giảng từ Kim Huấn Thư này chứa đựng một sự thật huyền linh bí ẩn và sâu sắc, "trước khi một người có thể bước trên Thánh Đạo, y phải trở thành chính Thánh Đạo đó."

Trên cõi trí, có một khoảng cách bên trong tâm thức con người vốn phân chia tâm thức phàm ngã với tâm thức linh hồn và sự sống chân thần. Đây là khoảng cách giữa hạ trí và thượng trí. Khoảng cách này cuối cùng phải được nối liền để con người có thể đạt được khai sáng và giác ngộ.

Đường nối liền đó là ANTAHKARANA, còn được gọi là “cây cầu vồng”, hay Thánh Đạo trong nội tâm.

Đây là con đường thực sự dẫn đến linh hồn và xa hơn thế nữa, đến chân thần. Trên con đường này, các phẩm chất của linh hồn sẽ dần được biểu hiện.

Trong bài chia sẻ này, chúng ta cùng tìm hiểu

➡ Cấu tạo đường Antahkarana - cây cầu vồng tâm thức

➡ Xây dựng đường Antahkarana

➡ Tác dụng của việc kiến tạo đường Antahkarana lên cuộc sống.

Link file pdf: https://tinyurl.com/antahkarana

Link Youtube: https://youtu.be/XyZpNuESN9E

Playlist: https://tinyurl.com/learningjourneyvn

Antahkarana chính là bạn và con đường chính là bạn. Bạn đang đi trên con đường của mình để đến với chính mình. Bạn là chính con đường. 

Cầu Antahkarana là Đường Đạo trong nội tâm, ở cuối con đường, ta có cả một đại dương tâm thức. Phần lớn chúng ta chỉ như là cá trong biển, không biết về cuộc sống trên đất liền hay trong không khí. Khi cây cầu được kiến tạo, con người sẽ hoạt động hữu thức trên tất cả các cấp độ, các cõi hiện hữu. 

Sinh mệnh tuyến, vốn là một phần của toàn bộ antahkarana, giống như một mạng nhện mở rộng và dần dần đồng bộ xung động của sự sống bên trong tất cả các tế bào và các nguyên tử trong vận cụ của nó. Nhiệm vụ đầu tiên của nó là neo giữ chính nó trong cõi dĩ thái, sau đó truyền đạt sự sống đến cõi hồng trần, rồi bao gồm cõi cảm dục và đến cõi trí và tích hợp chúng thành một hệ thống mà mỗi bộ phận đều nhạy cảm với nhau.

Nhưng đây không phải cái mà chúng ta gọi là quá trình liên tục tâm thức. Sự liên tục tâm thức bắt đầu khi linh hồn con người hay Chân Thần trở nên hữu thức trên cõi hồng trần, và sử dụng thể xác, thể cảm dục, và thể trí như những vận cụ biểu đạt và tiếp xúc.

Ký ức là dấu hiệu đầu tiên của cây cầu trên cõi hồng trần, qua đó con người có một sự liên tục tâm thức kết nối quá khứ với hiện tại. Ký ức dần dần bao gồm những hành động cảm tính và trí tuệ, nhưng ở đó vẫn chưa có liên tục tâm thức giữa bộ não hồng trần và các cõi cảm dục và cõi trí, cũng chưa có liên tục tâm thức giữa các cõi cá nhân và cõi hành tinh. Đây là lý do tại sao ta phải kiến tạo những đường truyền thông hữu thức giữa những khoảng cách này để phát triển sự liên tục tâm thức hoàn toàn.

Đường antahkarana phải được xây dựng thông qua cõi trí, trước khi sự liên tục tâm thức được thiết lập trên cõi cảm dục. Nhà kiến tạo cây cầu giữ chính mình bận rộn với việc xây dựng cây cầu giữa đơn vị hạ trí và trong thời gian đó thanh luyện bản chất cảm dục của mình. Khi đã đủ ý thức trí tuệ và sự liên tục tâm thức được thiết lập, thì việc kiến tạo cây cầu giữa cõi trí và cõi cảm dục diễn ra.

Những ai tiếp cận cõi cảm dục trước khi xây dựng cây cầu trí tuệ bị kẹt trong cõi cảm dục và những ảo cảm của nó, và họ không thể diễn dịch rõ ràng và thực tế những trải nghiệm của mình trên cõi cảm dục. Bất cứ thực thể nào trong cõi cảm dục có thể xuất hiện với họ như một Chân Sư hay người hướng dẫn và đánh lừa họ, hoặc đưa cho họ những thông điệp và thông tin lỗi thời hoặc sai lạc. Đây là trường hợp của nhiều đồng tử và người dẫn kênh.

Cấp độ cao nhất của mỗi cõi được gọi là cõi phụ nguyên tử. Một người chỉ có thể kiến tạo cầu Antahkarana khi đã phát triển một lượng đáng kể chất liệu nguyên tử trong các thể của mình. Khi chất liệu nguyên tử gia tăng, linh hồn con người được cung cấp nhiều chất liệu hơn để xây dựng cây cầu.

Điều này cũng có nghĩa rằng một người phải thanh luyện thể xác-dĩ thái, nâng cao thể cảm dục và chuyển hóa thể trí của mình. Mỗi vận cụ đều phải được phát triển đến mức độ thuần khiết, vẻ đẹp và ổn định cao nhất của nó để cung cấp chất liệu của cây cầu giữa các cõi giới.

Ở điểm tiến hóa của chúng ta, phần quan trọng nhất của đường antahkarana là trên cõi trí, và giữa cõi trí và cõi Trực Giác (cõi bồ đề). Thể trí không chỉ phải được phát triển mà còn phải được thanh luyện đủ để cung cấp chất liệu mà qua đó có thể xây dựng đường antahkarana.

Khi một người tiến bước trên đường đạo, y dần dần đưa chất liệu cao hơn vào đường antahkarana và mở rộng tâm thức y không chỉ từ hạ trí đến thượng trí mà còn giữa thượng trí và các cõi Bồ Đề, Niết Bàn (Atmic plane), Chân Thần (Monadic plane - Đại Niết Bàn), và Cõi Thiêng Liêng (Logoic plane, Divine plane - Tối Đại Niết Bàn). Tất cả các cõi này đều có tần số cao hơn và khác với các cõi thấp, và mỗi cõi cao này đều là kênh dẫn cho các ấn tượng cấp độ hành tinh, thái dương hệ và thiên hà.

Khi một người mở rộng đường antahkarana đến các cõi cao cả, y trở nên ý thức về những sự kiện diễn ra trên các thế giới cao cả đó. Y không cần đến các trung gian đồng tử hay những người soi tiền kiếp bởi vì khi y thâm nhập sâu hơn vào các cấp độ cao cả này, những bí ẩn và bí mật của tự nhiên tự hiển lộ cho y. Những bản ghi tiền kiếp của chúng ta được tìm thấy trong Hoa Sen trong cõi thượng trí. Những bí ẩn vĩ đại hơn có thể được tiếp xúc trên các cõi cao cả. Nói cách khác, khi chúng ta nâng tần số rung động của mình để tự kết nối với những trạm phát sóng cao cả, bạn tiếp xúc với những thực tại hiện hữu sâu sắc hơn.

Linh Hồn - Vị Thầy Nội Tâm của chúng ta ngự trên cõi thượng trí hay trên Cõi Trực Giác. Thông qua việc xây dựng cầu antahkarana, khi chúng ta tiếp xúc với Linh Hồn, chúng ta có thể tiếp xúc với tất cả những minh triết của Bản Thể Chân Thật của mình. Bởi vì Linh Hồn là thành phần của một Đạo Viện cụ thể và Thánh Đoàn, chúng ta sẽ ý thức về các sự kiện của thánh đoàn, của đạo viện và Thiên Cơ của Thánh Đoàn sẽ được hiển lộ cho chúng ta.

Tham thiền là sử dụng chất liệu cõi trí để kiến tạo hình tư tưởng và dẫn năng lượng qua chúng. Tham thiền là gửi những mũi tên các câu hỏi đến Vị Thầy Nội Tâm hoặc đến các cõi cao để thỉnh cầu những ý tưởng, linh thị và năng lượng. Tham thiền là thu rút bản thân khỏi cõi hồng trần và cảm dục và tiến tới hướng đến Cõi Trực Giác.

Tham thiền là thiết lập một mối quan hệ hữu thức giữa bản thân và các nguồn năng lượng cao cả, minh triết và cái đẹp. Tham thiền dẫn dắt bạn đến sự hợp nhất với các cõi cao cả bởi vì cuối cùng bạn trở thành con người mà bạn đang nỗ lực bản thân để vươn tới.

Cõi Trực Giác là một bước khác phải đạt tới. Trực giác được phát triển thông qua việc quan sát và nhìn thấy mọi thứ từ càng nhiều góc độ càng tốt. Tham thiền chuẩn bị nền tảng cho trực giác, và khi tham thiền chuyển thành việc đọc biểu tượng hay hình dung quán tưởng, thì trực giác bắt đầu phát triển. Trực giác là khả năng nhìn thấy mọi thứ như chúng là trong mối liên hệ với tất cả những gì hiện hữu.

Tham thiền mở rộng chân trời của bạn và khiến bạn có thể cuối cùng giải phóng bản thân khỏi những hình tư tưởng và tiến vào cõi giới của những ý tưởng và các bản thiết kế gốc.

Một khi bạn thâm nhập vào cấp độ trực giác, góc nhìn của bạn trở thành 360 độ. Bạn sống một cách toàn vẹn và bạn nhận ra rằng bạn thực sự là một phần của tất cả. Tâm thức của bạn sau cõi trí, được thay thế bằng nhận thức. Trong nhận thức, chúng ta có tri thức trực tiếp mà không cần định hình bởi chất trí.

Cây cầu giữa cõi trí và cõi Trực Giác đi qua những thung lũng sâu, và một người phải có nhiều kiếp sống phụng sự vì đại cuộc chung, vì đại nghĩa để kiến tạo nó. Cây cầu được kiến tạo khi bạn thanh luyện những động cơ của mình và phụng sự cho đến khi bản thể thuần khiết của bạn phát tỏa ra ngoài và làm sạch dấu vết cuối cùng của sợ hãi, tham lam, tức giận, và ghen tị.

Khi cây cầu được xây dựng, dòng chảy cảm hứng đầu tiên là ánh sáng, đến từ Tam Nguyên Tinh Thần qua nguyên tử trường tồn trí tuệ. Người đệ tử nhìn thấy ánh sáng, sống trong ánh sáng, tràn ngập bởi ánh sáng. Y bắt đầu nhìn thấy mọi sự như nó là. Y có những tầm nhìn mới, những thiên khải mới, những mục tiêu mới, những kế hoạch mới. Và nhờ sự tăng cường ánh sáng này, y giờ đây có thể nhìn thấy những đức hạnh và tật xấu của mình, những cản trở và những châu ngọc của mình. Y có những cuộc đối đầu mới với ảo cảm, ảo tưởng và ảo ảnh của mình.

Ánh sáng khiến chúng ta có thể thâm nhập vào đến các nguyên nhân của vấn đề và thường chúng ta có thể đau khổ bởi vì chúng ta chưa phát triển các cách thức và phương tiện để hữu ích và đáp ứng các yêu cầu của vấn đề.

Cây cầu đưa vào linh hồn nhân loại một lượng lớn bác ái từ các cấp độ trực giác cõi bồ đề. Bác ái tạo ra những người anh hùng trên mọi lĩnh vực. Bác ái mở rộng chân trời của linh hồn con người. Ta trở nên bao gồm hơn, thấu hiểu hơn, cho đi hơn. Khi bác ái tăng cường trong một người, y vượt qua những khủng hoảng nặng nề. 

Người kiến tạo cây cầu cảm nhận sức mạnh lớn hơn bên trong y, một quyền năng được cân bằng bởi bác ái và ánh sáng. Quyền năng này dẫn dắt y vào một đời sống hy sinh vĩ đại vì đại cuộc cho nhân loại. Sức sáng tạo của y giờ đây có vẻ đẹp của ánh sáng, sự thu hút từ tính và tính phổ quát đại đồng của bác ái, và quyền năng của Ý Chí có thể “dời non lấp bể”.

Cuối cùng, người kiến tạo cây cầu thăng lên và định vị bản thân mình ở trung tâm của Tam Nguyên Tinh Thần, và phát xạ Ánh Sáng, Bác Ái và Quyền Năng ra ngoài. Cảm hứng từ những nguồn cao cả này dần dần xuyên thấu vào xã hội. Những người phụng sự vĩ đại nhất của nhân loại là những người mang Chân Thiện Mỹ từ các nguồn cao cả và dẫn dắt mọi người đi vào tương lai huy hoàng. Những người như vậy ở trong nguồn cảm hứng liên tục, ở mọi điều kiện. Họ dường như đang rực cháy với một ngọn lửa thiêng, với nhiệt tình thiêng liêng.

Đường Antahkarana được xây dựng như thế nào?

1. Đường Antahkarana được xây dựng qua việc tham thiền liên tục, đều đặn. Tham thiền là tư duy thuần khiết. Khi bạn tư duy và làm hiển lộ bí mật về một sự kiện (tại sao nó xảy ra, nó xảy ra như thế nào, tính chất, mục đích và nguyên nhân của nó) thì bạn đang tham thiền.

2. Đường Antahkarana được xây dựng bằng việc nghiên cứu các chủ đề trừu tượng, suy ngẫm và tổng hợp mọi thứ.

3. Đường Antahkarana được xây dựng bằng việc phụng sự. Khi bạn tiến bộ trong công việc phụng sự, bạn tiến tới tiếp xúc với các cõi cao cả. 

Trong tất cả các mối quan hệ, thái độ, và suy nghĩ hàng ngày của bạn, hãy nuôi dưỡng một cảm giác khiêm tốn và khoan dung sâu sắc hơn. Ở khía cạnh xã hội, kiến tạo cầu Antahkarana có nghĩa là biểu đạt sự thấu hiểu, tình bạn, tình huynh đệ, sự tôn trọng, lòng biết ơn, sự chân thành, lòng khoan dung, trung thành… Khi quá trình kiến tạo cây cầu tiếp tục trên các cõi nội giới, tương ứng, tinh thần truyền thông và sự thấu hiểu sẽ gia tăng trong nhân loại. 

Chân Sư DK bảo chúng ta hãy quan tâm đến những vấn đề của nhân loại. Trong kỷ nguyên mới này, khi việc kiến tạo cây cầu Antahkarana sẽ nhanh chóng hơn bao giờ hết, không còn của tôi và của bạn; không còn gần hay xa. Mọi vấn đề của thế giới là vấn đề của chúng ta. Mỗi quốc gia hay dân tộc là một phần của gia đình thực sự của chúng ta. Những đường ranh giới chỉ được thấy trên bản đồ và trong tâm trí, chứ không phải trên thực tế.

Quá trình kiến tạo cây cầu ở hiện tại đang diễn ra bên trong các cá nhân, và trong tương lai gần, những cây cầu cá nhân sẽ nhiều đến nỗi chúng ta sẽ có một cầu vồng vĩ đại: một cầu Antahkarana tập thể kết nối nhân loại với Thánh Đoàn và Shamballa.

Khi cây cầu này trở nên mạnh mẽ hơn, ảnh hưởng của Bác Ái, Minh Triết và Quyền Năng sẽ tăng cường trên thế giới. Chúng ta sẽ có nhiều hơn những tiết lộ khoa học, nghệ thuật mà chúng ta chưa bao giờ mơ tới, và trật tự xã hội sẽ mang đến cho nhân loại niềm vui thực sự của sự hợp tác và tình huynh đệ. Việc kiến tạo cầu Antahkarana của nhân loại có nghĩa là kiến tạo một hệ thống “dây điện” mới mà qua đó sự sống của Vũ Trụ có thể luân chuyển, mang lại sức khỏe, hạnh phúc và dẫn dắt nhân loại đến những chiều kích cao cả hơn của sự sống.


Đấng Hóa Thân Bảo Bình

 

Chúng ta đang chứng kiến giai đoạn chuyển tiếp của Nhân loại từ kỷ nguyên Song Ngư sang kỷ nguyên Bảo Bình - Kỷ Nguyên Mới đang đến sẽ được dẫn dắt bởi Đấng Đang đến với nhiều danh xưng trong các tôn giáo khác nhau như Đức Christ của Thiên Chúa Giáo; Đức Maytreya (tiếng Sanskrit), Metteyya (tiếng Pali), Jampa (tiếng Tây Tạng) hay Di Lạc Bồ-tát của Phật giáo; là Đấng Hoá thân Kalki của Vishnu trong Ấn giáo; là Đức Imam Madhi của Hồi giáo; là Đức Sosiosh, Đấng Cứu thế của Hoả giáo;... Vì thế Ngài cũng được gọi là Đấng Hoá Thân Bảo Bình.

Video này được làm công phu bởi Monadic Media với nhiều hình ảnh biểu tượng huyền linh học cực kỳ sinh động và ấn tượng đáng kinh ngạc. Mục tiêu của tác giả nhằm xem xét các khả năng xuất hiện một vị Huấn Sư Thế Giới như đại diện cho toàn nhân loại. Một Huấn sư không thuộc về tôn giáo hay dân tộc riêng biệt nào, mà là của cả nhân loại. Điều này có thể được hiểu rõ hơn bằng cách nhận ra tính thiêng liêng bẩm sinh của chúng ta và công nhận rằng có nhiều người đã đi trước ta trong cuộc tiến hóa của nhân loại. Đức Phật, Đức Krishna và Đức Christ là những ví dụ điển hình cho tất cả chúng ta về quá trình tiến hóa của tâm thức cao hơn. 
-----------------------------
Nguồn video: kênh youtube Monadic Media



Monday 6 February 2023

Bản năng - Trí tuệ - Trực giác


Sự tiến hóa của nhân loại có thể được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, từ hoạt động của thể nguyên nhân và sự khai mở các cánh hoa sen chân ngã, hay từ hành trình qua các cuộc điểm đạo… Trong bài này, chúng ta xem xét sự tiến hóa tâm thức con người qua ba giai đoạn bản năng, trí tuệ và trực giác với hình ảnh ẩn dụ của chiếc đồng hồ cát. 

Bản năng

Bản năng có thể được hiểu như là một dạng nhận thức mang tính tập thể, rộng lớn được cảm nhận bởi cái toàn thể lớn hơn, chẳng hạn như các khuynh hướng bản năng của một loài đặc thù nào đó. Ví dụ hành xử của động vật trước một trận động đất, cả đàn sẽ nhận thức về thiên tai đang gần kề và sẽ chạy trốn khỏi khu vực đó trước khi động đất xảy ra. Nhận thức này không phụ thuộc vào trí tuệ hay lý trí, đúng hơn đó là một năng lực sẵn có trong tâm thức của loài. Mặc dù chúng ta đang nói về bản năng liên quan đến động vật, nhưng năng lực bản năng đều cố hữu như là nền tảng cơ bản của tâm thức trong mỗi con người chúng ta. 

Vì chúng ta là những con người đã được biệt ngã hóa với mầm tia sáng trí tuệ được gieo vào cách đây 18 triệu năm, bản năng dần dần được phủ bóng bởi khả năng ngày càng tăng trưởng về tư duy độc lập và lý luận. Dù vậy, tâm thức bản năng vẫn rất rõ ràng trong thế giới hiện đại của chúng ta, như là gốc rễ của tâm thức quần chúng ở con người. Chúng ta thấy nó hiện hữu trong những phản ứng cảm xúc theo thói quen với đời sống và hoàn cảnh. Quảng cáo trên truyền thông được định hướng để kích hoạt hồi đáp bản năng với những thôi thúc ham muốn của phàm ngã. 

Khi xem xét biểu tượng về chiếc đồng hồ cát, bản năng được xem như ma trận tâm thức dưới đáy, được cắm rễ trong quá khứ động vật của chúng tay. Nhận thức bản năng mang tính phi nhị nguyên (non-dual), có nghĩa là sự phân biệt giữa cái ngã và phi ngã tương đối mờ nhạt, đưa tới hành động tự phát với ít hoặc không có phân tích lý trí.

Lưu ý rằng có rất nhiều tương đồng giữa bản năng và trực giác, cả hai đều đại diện cho những dạng nhận thức rộng lớn và vi tế, tuy nhiên chúng cũng rất khác biệt nhau. 

Trí năng

Sự phát triển của trí tuệ là một trong những thành tựu đỉnh cao của sự sống tiến hóa qua giới nhân loại. Thực sự, phần lớn hành trình tiến hóa của con người được định hướng đặc biệt để tiến tới sự phát triển và trưởng thành về trí tuệ. Đó là khí cụ nhận thức mà ban đầu được phàm ngã sử dụng (và lạm dụng), và chỉ sau này mới trở thành một tài sản vô giá với linh hồn và mục đích sáng tạo của nó.

Là phần cổ của chiếc đồng hồ cát, trí tuệ có thể được hiểu như một quá trình nhận thức hẹp. Qua việc sử dụng nó, chúng ta có thể tinh luyện hiểu biết của mình về cái mà chúng ta nhận thức. Thay cho một thế giới quan bản năng rộng lớn, trí tuệ hạn chế nhận thức của chúng ta trong hiểu biết lý trí. Nó hỗ trợ khả năng phân biện ngày càng tăng và do đó, thể trí là một cấu trúc thiết yếu của tâm thức cần được phát triển và sử dụng. Nó là một khí cụ của tâm thức để vun bồi khả năng phân biện và phân biệt.

Theo nghĩa rộng hơn, trí tuệ có thể được hiểu như là nguyên khí tổ chức trong tâm thức con người. Chính trí tuệ cấu trúc tổ chức thông tin vốn được thể hiện bởi năm giác quan hay trực giác, thành các tư tưởng chuyển tải ánh sáng của sự hiểu biết. Về phương diện này, điều quan trọng là chúng ta cần nhận ra sự khác biệt giữa thể trí và nội dung của nó. Vì cái trí là nguyên khí tổ chức, nó sẽ sắp xếp chất liệu thông tuệ của cõi trí thành các hình tư tưởng. Thể trí của con người tương đối vô sắc tướng, trong khi đó các ý tưởng khởi sinh từ nó là các hình dạng (hình tư tưởng) cấu thành nội dung của nó.

Trực giác

Phần cao nhất của chiếc đồng hồ cát là trực giác thiêng liêng. Đó là một trường nhận thức siêu việt trí tuệ và được trải nghiệm như là cái biết vô sắc tướng. Thực sự, cõi trực giác (cõi bồ đề) được hiểu là một cõi vi tế của tri thức vô trú xứ (non-localized knowledge). Không giống như thể trí định hình cho thông tin thô (do đó định vị nó trong thể trí), minh triết chứa đựng trên cõi bồ đề được thấy ở khắp mọi nơi trong cõi này. Trực giác thực sự do đó vô sắc tướng và vô trú xứ (non-local).

Cõi bồ đề còn được gọi là cõi nguyên hình (archetypal plane). Nó là khu vực tâm thức mà Plato liên hệ đến khi nói về nguồn cội nguyên hình của các nguyên lý vĩnh cửu và các lý tưởng. Nó là một trường nhận thức nơi chứa đựng các chân lý phổ quát và nơi các lý tưởng trừu tượng có thể được hiện thực hóa. Với chiều sâu như vậy, các nhận thức trừu tượng mang tính phi không gian và phi thời gian, chúng đại diện cho nhận thức vô sắc tướng vốn chứa đựng những nguyên lý thiêng liêng và những sự thật vĩnh cửu siêu việt tất cả mọi thứ mà cái trí có thể nhận thức được. Khi những trực giác như vậy được ghi nhận, cái trí tạo ra nhận thức tức thì mà không cần sắp xếp trí tuệ. Trực giác cung cấp cho người đệ tử tri thức chính xác về Thực Tại mà không cần chức năng lý luận. Do đó, nó là nhận thức phi trình tự và tự do khỏi những vận động của tâm thức. 

Một lưu ý quan trọng liên quan đến thể trí và mối quan hệ của nó với trực giác đó là, thay vì hoạt động như một tác nhân kiến tạo, thể trí phục vụ như một khí cụ tiếp nhận. Trong chớp mắt, nó diễn dịch các trực giác vô sắc tướng thành những ý tưởng trí tuệ.

Trường trực giác là nhận thức đại đồng phổ quát. Nó giúp người đệ tử tiếp nhận những tri kiến tâm linh có tầm ứng dụng rộng lớn và mang tính tập thể, hỗ trợ nhận thức nhóm. Đó là cội nguồn của tất cả những ý tưởng chuyển hóa, nó bồi dưỡng tâm trí của vô số các đệ tử (thường là từ cùng một đạo viện) với cùng những chân lý nguyên mẫu cần thiết để mang ánh sáng và tình thương vào thế giới. Tuy nhiên, không giống như hạ trí, để ghi nhận đúng trực giác thì người đệ tử cần giữ một định hướng phi tập trung. Khi linh hồn phát xạ mầm mống trực giác của nó vào thượng trí đang chờ đợi, một người phải tự do khỏi bất kỳ cảm giác nào của Cái Tôi, vì khuynh hướng định hướng vào bản ngã (ahamkara – ngã mạn) luôn luôn phủ định trực giác gieo mầm một cách chính xác vào thể trí. 

Điều quan trọng cần hiểu đó là phần cổ hẹp của chiếc đồng hồ cát cũng biểu tượng cho việc phủ định nhận thức phi lý trí. Từ quan điểm của hạ trí, cả bản năng và trực giác đều được xem như là vô định hình, không có hình dạng rõ ràng hay các thông số trí tuệ để xác định giá trị hay sự thật. Do đó, không ngạc nhiên khi sự phát triển của trí tuệ thuần lý trí (phần nửa dưới của cổ đồng hồ cát) là giai đoạn có thể xuất hiện người vô thần hay bất khả tri. Bởi vì tâm thức hoàn toàn chỉ dựa vào suy nghĩ phân tích, thường sẽ từ chối bất cứ điều gì có vẻ như phi lý. Khả năng nhận ra trong nội tâm sự khác biệt giữa tư tưởng phi lý (irrational thought) và nhận thức siêu lý (super-rational perception, divine intuition – trực giác thiêng liêng) chưa có trong phạm vi nhận thức.

BẢN CHẤT CỦA TÂM TRÍ

Trước hết cần nhận ra rằng Nguyên Khí Trí Tuệ (Principle of Mind) là một đặc tính cơ bản của Sự Sống Duy Nhất (One Life) thấm nhuần toàn thể Tạo Hóa. Khả năng thể hiện sự thông tuệ có tổ chức (một đặc tính của cái trí) cũng là một phương diện nội tại của Thượng Đế như các năng lượng của bác ái và ý chí. Thượng Đế biểu thị ý chí và bác ái qua sức mạnh của Thiên Trí. Toàn bộ vũ trụ có thể được xem như biểu hiện bên ngoài của tư tưởng Thượng Đế.

Không có gì trong vũ trụ biểu hiện này có thể vượt thoát Thiên Trí bởi Thượng Đế là Tâm Trí, và toàn bộ vạn hữu. Mọi thứ đều được thấm nhuần với tâm trí. Điều này đúng cho dù chúng ta đang nói đến một cái cây hay một con người, hay một thiên hà. Tất cả đều đại diện cho những đơn vị sự sống có tâm trí như một thuộc tính nền tảng cố hữu.

Điều quan trọng cần hiểu đó là tâm trí được trải nghiệm từng bước một, và như một chức năng của tiến hóa. Mặc dù Nguyên Khí Trí Tuệ thấm nhập toàn bộ cấp độ sự sống trong Tạo Hóa, trải nghiệm về nó thay đổi tùy thuộc vào vị trí phát triển của đơn vị sự sống mà chúng ta xem xét. Ví dụ, một con người trải nghiệm tâm trí theo cách thức phát triển hơn nhiều so với một con vật hay một cái cây. Cái trí hay nguyên khí tâm thức hiện diện bên trong một cái cây (nếu không cái cây đã không hiện hữu), nhưng mối quan hệ của nó với cái trí vẫn còn phôi thai. Tương tự khi chúng ta xem xét tâm trí con người so với sự sống vĩ đại hơn như Thái Dương Thượng Đế (sự sống phú linh cho thái dương hệ của chúng ta). Từ góc độ của Thái Dương Thượng Đế, mối quan hệ của con người với tâm trí thì thô sơ như tâm trí của cái cây khi so với con người vậy. 

Điều quan trọng nữa là cần phân biệt giữa cái trí và nội dung của cái trí. Về cơ bản, cái trí là khí cụ nội tâm được thiết kế để tổ chức thông tin thành các hình tư tưởng có ý nghĩa. Như vậy, cái trí khác với những hình tư tưởng mà nó tạo ra. 

Cái trí như là quan năng phân biệt

Cái trí là mãnh lực để có thể phân biện cái này với cái khác, do đó nó là một tác nhân chia tách. Nhưng chính phương diện này của cái trí đôi khi có thể bất lợi cho sự phát triển tinh thần. “Cái trí là kẻ giết chết sự thật.” (The mind is the slayer of the real). Nhưng đây chỉ là một nửa sự thật, vì mới chỉ đề cập đến tính chia rẽ của hạ trí thuộc phàm ngã. Tuy nhiên, khi các khả năng trí tuệ của linh hồn (trí thái dương, thượng trí) cũng tham gia vào, thì lúc này cái trí sẽ là Cái Tiết Lộ Sự Thật (the Revealer of the Real). Điều này xảy ra khi cái trí vừa tập trung phân biệt, chính xác trong khả năng lý luận, đồng thời vừa trực cảm được tính nhất thể, trường thống nhất cơ bản của mọi thứ đang được phân biệt.

Khi cái trí được kết hợp đúng đắn với trái tim trực giác, nó sẽ trở thành cái tiết lộ sự thật và chân lý tinh thần. Cái trí là tác nhân mở ra cho người đệ tử đến những ý tưởng thiêng liêng phát ra từ đạo viện trên cõi nội giới. Nó là khí cụ nhận thức để có thể trải nghiệm minh triết và tạo ra những tư tưởng tâm hồn có sức mạnh chuyển hóa và nâng cao tinh thần. Do đó, mỗi người đệ tử phải làm chủ được việc sử dụng tâm trí và nghệ thuật xây dựng hình tư tưởng (như lý tác ý).

Cái trí như một nguyên khí tổ chức 

Về mặt huyền môn, cái trí là một phương diện tâm thức tổ chức và vận dụng thông tin thành các hình tư tưởng hữu ích. Như vậy, cái trí chịu ảnh hưởng bởi Nguyên Khí Tổ Chức. Nó có khả năng tổ chức dữ liệu theo cách thức để cho những hình tư tưởng mới xuất hiện vào tâm thức. Cái trí là quan năng giúp ta có thể cảm nhận mối quan hệ giữa một tư tưởng này với một tư tưởng khác. Trong một con người cũng như các đơn vị sự sống siêu nhân loại, cái trí tổ chức hình tư tưởng làm sáng tỏ về thực tại. Do đó, cái trí thiết lập trật tự để ý nghĩa có thể được hiển lộ.

Xét từ góc độ huyền thuật, cái trí tổ chức và tập hợp các tinh linh chất trí thành các hình tư tưởng phù hợp và có thể hiểu được. Mỗi tư tưởng mà chúng ta khởi sinh (cho dù được kích hoạt bởi cái trí của linh hồn hay cái trí của phàm ngã) đều là do khả năng tập hợp chất trí (các tinh linh) trong việc kiến tạo hình tư tưởng. Đây là nguyên lý nền tảng đằng sau quá trình huyền thuật – nghệ thuật kiến tạo hình tư tưởng.

Cái trí như tác nhân kiến tạo

Cái trí là tác nhân kiến tạo trong tâm thức con người. Nó là mãnh lực khởi xướng việc kiến tạo hình tướng, cho dù đó là hình hài thuộc cõi trí hay cõi cảm xúc hay cõi hồng trần. Khi ta có một ý tưởng mới, chính chức năng thiết kế và tập hợp của cái trí đã kiến tạo ý tưởng đó. Khi chúng ta có một cảm xúc nảy sinh trong nhận thức của mình, chính các đặc tính kiến tạo của cái trí đã thiết kế và tạo ra cảm xúc đó. Và khi ta kiến tạo cái gì đó trên cõi hồng trần, chính nguyên khí trí tuệ là cái cung cấp xung động để dựng lên nó. 

Cái trí cũng dẫn dắt cơ thể, nhất là khi chúng ta thấy sự kiến tạo mô mới trong việc chữa lành vết thương. Khi nhìn vào một bối cảnh lớn hơn, sự kiến tạo của hệ sinh thái là một biểu hiện của nguyên khí trí tuệ của Hành Tinh Thượng Đế (được biểu đạt qua Mẹ Thiên Nhiên). Và khi nhìn từ góc độ vũ trụ, Thái Dương Thượng Đế sử dụng trí tuệ vũ trụ để hỗ trợ sự biểu hiện thái dương hệ. 

Cái trí như là cái tạo ra sự gắn kết

Vì cái trí về cơ bản là một tác nhân kiến tạo trong tâm thức, nó có sức mạnh tạo nên sự gắn kết. Sử dụng tinh hoa chất, cái trí tạo ra các tập hợp những tinh linh chất trí như là các hình hài, thuộc trí tuệ hay cảm xúc hay hồng trần. Cái trí do đó có thể được hiểu như một khí cụ không chỉ kiến tạo hình hài mà còn kết nối chúng với nhau một cách từ tính.

Chính cái trí hòa nhập ba thể thấp của phàm ngã thành một toàn thể hoạt động tổng hợp. Kết quả cuối cùng của quá trình này là sự xuất hiện của một phàm ngã tích hợp. Ở một quy mô lớn hơn, chính cái trí của một thực thể lớn hơn phối kết tất cả các hệ thống trong tự nhiên thành một toàn thể hoạt động, dẫn tới cái mà chúng ta gọi là “những quy luật của tự nhiên”. 

Một ví dụ khác là bản chất được điều phối và gắn kết của bản năng được thấy trong giới động vật. Sự gắn kết này thúc đẩy con vật đến những hành xử bản năng bị chi phối bởi tâm thức giống loài của nó. 

Tất cả mọi sự gắn kết thấy được trong Tạo Hóa đều có nguồn gốc trong tâm trí của thực thể nào đó, lớn hoặc nhỏ. 

Cái trí như khí cụ của Ý Chí

Cái trí trong một con người luôn có một mối quan hệ cố hữu với ý chí con người. Có thể nói rằng cái trí là tác nhân thực thi ý định của một người, cho dù ý định đó là cao cả hay trần tục. Cho dù là ý chí tinh thần của linh hồn hay mục đích ích kỷ của phàm ngã, cả hai đều sử dụng cái trí như một khí cụ để hoàn thành các mục tiêu của nó. 

Linh hồn buộc cái trí kiến tạo hình hài hỗ trợ cho sự nâng cao tinh thần và giúp người khác sống tốt đẹp hơn, trong khi phàm ngã buộc cái trí kiến tạo hình tướng hữu dụng cho các nhu cầu thỏa mãn bản thân của nó. Trong cả hai trường hợp, năng lượng của ý chí kích hoạt các quá trình của cái trí.

Cái trí như một tác nhân hoàn thiện

Chức năng tiến hóa của cái trí là cho phép Chủ Thể Nội Tâm (linh hồn) học cách hoàn thiện mối quan hệ của nó với vật chất. Qua đó, Chủ Thể Nội Tâm tái khám phá bản chất cốt lõi của nó và siêu việt ảo tưởng. Vì thế, cái trí là khí cụ mà Chân Ngã sử dụng cho mục đích này. Ban đầu, sự dàn dựng này trên cõi trí được thực hiện một cách kém cỏi, và ảo tưởng về thực tại xuất hiện. Ở giai đoạn này, Chân Ngã sử dụng cái trí để kiến tạo hình tướng, nhưng làm vậy theo cách mà sự thật càng bị che khuất hơn. Tuy nhiên, qua vô lượng thời gian, Chân Ngã dần dần phát triển chức năng tổ chức chất trí thành các hình hài siêu việt ảo tưởng và tiết lộ sự thật và vẻ đẹp.

Bằng cách thiết lập mối quan hệ với chất liệu (trí tuệ, cảm xúc hay hồng trần), Chân Ngã có thể thực sự nhận thức và thấu hiểu Thực Tại. Điều này dần dần giúp một người trở nên nhận thức rằng tất cả là Một, đang biểu đạt chính mình qua vô số hình hài. Như vậy, sự tiến hóa của tâm thức có một mối quan hệ trực tiếp với khả năng của cái trí kiến tạo hình hài để hiển lộ rõ ràng Sự Thật, tránh khỏi biến dạng hay ảo tưởng. Bằng cách này, sự hoàn thiện dần dần được đạt tới và một Chân Sư được sinh ra.

Cái trí như khí cụ huyền thuật

Từ quan điểm người đệ tử, cái trí được hiểu như là một khí cụ thiết yếu trong quá trình biểu hiện sáng tạo. Những người hướng về tinh thần là những nhà huyền thuật tương lai, những người đang cố gắng đồng sáng tạo thuận theo thiên ý và ý định được thúc đẩy bởi chính linh hồn mình. Như vậy, linh hồn tìm cách sử dụng cái trí để kiến tạo các hình tư tưởng mà cuối cùng sẽ kết tụ thành các hiệu ứng bên ngoài có sức mạnh nâng cao tinh thần của toàn thể lớn hơn.

Có thể nói rằng định mệnh của mỗi người đệ tử là một tác nhân sáng tạo cho đại cuộc vượt ngoài bản thân mình. Điều này liên quan đến việc sử dụng khả năng kỳ diệu của cái trí để định hình các ý tưởng được truyền cảm hứng bởi ánh nhìn trực giác của linh hồn. Khi được thực hiện đúng đắn, các ý tưởng được tạo ra sẽ mang ánh sáng vào những nơi tăm tối, chuyên chở những mô hình tư tưởng mới cung cấp bước tiếp theo cho cuộc tiến hóa và nuôi dưỡng cho ý kiến quần chúng theo đường lối tiến bộ.

Nhân loại tiến hóa qua mối quan hệ của nó với các ý tưởng. Qua vô lượng thời gian, toàn thể nhân loại đã sản sinh những ý tưởng mới mẻ và tiến bộ. Rồi chúng ta dần tích hợp chúng vào thể chế xã hội và lối sống. Các hình tư tưởng cơ bản là mãnh lực thúc đẩy hỗ trợ các khuynh hướng tiến hóa của tâm thức con người. Đó là lý do tại sao người đệ tử phải tăng cường sử dụng cái trí như một khí cụ cho công việc phụng sự sáng tạo.

Tính nhị nguyên của cái trí – Thượng trí và hạ trí

Thể trí mang tính nhị nguyên ở chỗ trong bản chất của nó có chiều kích thấp và cao. Hạ trí là trí phân tích, vốn là đặc quyền của phàm ngã, trong khi thượng trí là trí tuệ của linh hồn. 

Hạ trí là phần trí tuệ mang tính cụ thể, chi tiết và tuyến tính, đặc biệt, nó chú ý đến các nguyên nhân và mô thức hệ quả để khẳng định thực tại và những gì mà nó tin là thực. Hạ trí thuần lý trí và có khuynh hướng phủ nhận giá trị của trực giác, xem trực giác như chỉ là sự tưởng tượng.

Tuy nhiên, khi xét đến thượng trí thì bản chất tổ chức của tâm thức hoạt động khá khác biệt. Thượng trí còn được gọi là trí trừu tượng, là nơi ngự của thể nguyên nhân. Đó là phần tâm thức nhận ra những mô thức rộng lớn hơn của sự thật nằm dưới thông tin chi tiết được tiết lộ bởi hạ trí. Mặc dù vẫn đại diện như một phần của cái cổ chiếc đồng hồ cát của tiến hóa, thượng trí là điểm bắt đầu mở rộng dẫn tới trực giác thiêng liêng. Như vậy, vai trò của thượng trí là khí cụ nhận thức có khả năng ghi nhận đúng đắn và tạo hình hài cho các trực giác vốn phi hình tướng giáng xuống từ đạo viện qua linh hồn.

Sự phân chia giữa thượng trí và hạ trí là quan trọng bởi vì nó đánh dấu ranh giới giữa cái trí của phàm ngã và cái trí của linh hồn. Phàm ngã bị chi phối phần lớn bởi nhận thức phân tích, trong khi linh hồn tham gia vào các cõi giới cao cả hơn của tâm trí để tạo ra những ý tưởng sáng tạo. Hạ trí bận rộn với thông tin cụ thể, trong khi thượng trí tiết lộ bối cảnh và những nguyên lý chi phối bên dưới những gì hạ trí tiết lộ.

Trước khi bước trên con đường tinh thần, hạ trí là kẻ thống trị. Điều này thường sẽ tạo ra một cái nhìn hơi nghi ngờ quá mức về trực giác. Tuy nhiên, khi thượng trí tham gia vào (trong sự hợp nhất với linh hồn), trực giác được hòa trộn với nó. Truyền thống Hindu đề cập điều này như là tâm thức buddhi-manas, một trạng thái ý thức mà người đệ tử nỗ lực đạt tới và giữ vững. Khi cái trí và trực giác hoạt động thống nhất với nhau, thì lúc này Đường Đạo sẵn sàng khai mở. Sự hợp nhất này chính là cuộc hôn nhân trên thiên đàng thực sự. 

Thượng trí – Trí tuệ của linh hồn – Trí Thái Dương – Con của Trí Tuệ 

Khía cạnh của cái trí tiết lộ minh triết của linh hồn đôi khi được gọi là trí thái dương hay con của trí tuệ bởi vì trí thái dương sinh ra từ thiên trí (universal mind) – trí tuệ và trái tim của Thái Dương Thượng Đế. Thông qua trí thái dương những tri kiến thiên khải khởi sinh trong tâm thức và được nhận biết như là minh triết và hướng dẫn bên trong. Thực sự, việc ngày càng tăng cường nhận thức và sử dụng dạng thượng trí này là nền tảng cho việc bước trên Đường Đạo. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là giảm giá trị của hạ trí. Trong lĩnh vực đời sống hàng ngày, khả năng phân tích và lý luận tốt là rất cần thiết. Nhưng khi tiến tới những khía cạnh sâu sắc hơn của đời sống, thì mục tiêu là cảm nhận được trong nội tâm minh triết của trí thái dương, và sử dụng hạ trí để hỗ trợ linh hồn ngoại hiện minh triết đó để phụng sự nhân loại.

Trí thái dương chuyển tải tâm thức linh hồn theo hai cách cơ bản. Thứ nhất, không giống như hạ trí vốn nhấn mạnh vào sự thâu đạt kiến thức, phần thượng trí này là tác nhân của minh triết. Minh triết trong bối cảnh này có thể được định nghĩa như là tri thức, hợp nhất với bác ái và được làm giàu bởi trải nghiệm. Như vậy, minh triết được chuyển tải bởi trí thái dương cần nỗ lực để có được. Bởi vì thể nguyên nhân là kho chứa của tất cả các bài học đã học được từ vô số kiếp sống. Linh hồn sử dụng minh triết có được này để định hình những hình tư tưởng cao cả trong tâm trí của người đệ tử.

Thứ hai, cấu tạo vi tế của trí thái dương khiến nó tiếp nhận với những vùng nhận thức siêu việt tâm thức con người bình thường. Trí thái dương là chiều kích tâm thức có thể ghi nhận chân lý siêu việt qua trực giác. Nó tổng hợp trí tuệ và trực giác thiêng liêng thành tri kiến thông thái cao cả.

Ba dạng trí tuệ 

Chúng ta đã xem xét cái trí từ góc nhìn nhị nguyên với thượng trí như cái trí của linh hồn (trí thái dương), và hạ trí như cái trí của phàm ngã. Tuy nhiên, khi nhìn từ góc độ huyền linh thì trí tuệ con người thực sự được xem như gồm ba dạng, bởi vì thượng trí gồm hai phần đó là trí thái dương và phần thượng trí độc lập với linh hồn hay thể nguyên nhân, mà thường được gọi là trí trừu tượng. 

Nhìn vào cấu tạo con người, ta thấy cả hai trí thái dương và trí trừu tượng đều tập trung trên cõi thượng trí, còn hạ trí có điểm tích hợp của nó tập trung trên cõi hạ trí.

Khi ở trên Đường Đạo, điều quan trọng đối với người đệ tử là học cách phân biện ba dạng trí tuệ này và các loại hình tư tưởng đặc thù mà mỗi dạng sinh ra.

Trí cụ thể 

Hạ trí tương đối dễ nhận biết nhất trong ba dạng trí tuệ bởi vì nó tạo ra những hình tư tưởng cụ thể. Bản chất của nó là lý luận bằng tư tưởng tuyến tính, và nhấn mạnh các dữ kiện. Nó mang tính logic và hướng đến chi tiết, và luôn sử dụng các phương thức nhân – quả để hỗ trợ lý luận của nó. Trước khi thức tỉnh với linh hồn, hạ trí thống trị đời sống của phàm ngã tích hợp. Nhưng khi đã xuất hiện phần nào sự hợp nhất linh hồn – phàm ngã, trí thái dương dần nắm quyền.

Trí trừu tượng

Cả hai trí trừu tượng và trí thái dương đều là những chiều kích tư tưởng bắt nguồn trên cõi thượng trí và đều tạo ra những tư tưởng có phần trừu tượng. Tiêu điểm của trí trừu tượng là kiến tạo hình tư tưởng tiết lộ những mô thức rộng lớn của sự hiểu biết và chân lý. Đây là phần thượng trí tạo nên các tư tưởng triết lý và lý thuyết. Như vậy, nó cung cấp các bản thiết kế gốc trừu tượng mà dựa vào đó tư tưởng cụ thể có thể được kiến tạo sau này. 

Trí thái dương

Trí thái dương đơn giản đề cập đến trí tuệ của linh hồn. Nó đại diện cho minh triết đã tích lũy mà linh hồn đã tập hợp qua vô số kiếp sống. Tương tự như trí trừu tượng, các hình tư tưởng được tạo ra bởi trí thái dương cũng có tính trừu tượng. Tuy nhiên, sự khác biệt với trí trừu tượng là ở khả năng thấm nhuần các ý tưởng của trí thái dương với phẩm tính của lòng bác ái vô kỷ, cộng với trải nghiệm nhập thế. Thực sự, đây là những thành phần làm phát sinh minh triết. Đây là cái mà trí trừu tượng không thể tự nó làm được.

Nuôi dưỡng trí thái dương

Trở nên hữu thức về linh hồn là trở nên ngày càng đồng nhất với các hình tư tưởng được tạo ra bởi vận cụ bên trong này của linh hồn. Linh hồn càng thấm nhuần bác ái và minh triết của nó vào thể trí của phàm ngã thì trí thái dương càng có thể được tiếp cận, sử dụng và biểu đạt nhiều hơn.

Phàm ngã càng được tinh luyện và thanh lọc thì quyền năng chuyển hóa của trí thái dương càng mạnh. Những cảm xúc không lành mạnh trong thể cảm dục, cũng như những hình tư tưởng chia rẽ và ích kỷ trong hạ trí ngăn cản linh hồn thấm nhập sâu hơn.

Phần lớn (nhưng không phải là tất cả) công việc thanh luyện xuất hiện trên con đường dự bị – giai đoạn phát triển đưa tới cuộc điểm đạo đầu tiên. Giai đoạn này còn được gọi là con đường thanh luyện. Kết quả của sự thanh luyện dần dần này là Thái Dương Thiên Thần ngày càng chú ý hơn đến phàm ngã. Thiên thần dẫn dắt này sẽ trở nên ý thức rằng cái trí của phàm ngã đang hữu thức tự chuẩn bị cho sự hợp nhất với linh hồn. Linh hồn bắt đầu nhìn xuống, và kết quả là sự tăng tốc quá trình tiến hóa diễn ra. Khi phàm ngã thanh luyện hướng lên mong mỏi tiến tới mối quan hệ hòa hợp với linh hồn đang nhìn xuống, nhịp độ phát triển của người đệ tử sẽ gia tăng đáng kể.

Khi mối quan hệ hợp tác giữa trí thái dương và hạ trí tiếp tục, thôi thúc phụng sự trở nên ngày càng rõ ràng trong trái tim người đệ tử. Một thôi thúc mong muốn góp phần nâng cao phúc lợi cho toàn thể ngày càng lớn dần trong tâm thức người đệ tử. Thực sự, thái độ phụng sự của linh hồn luôn xuất hiện khi trí thái dương bắt đầu chỉ đạo những sự vụ của phàm ngã. Như vậy, cố gắng hữu thức để nuôi dưỡng một thái độ phụng sự vô kỷ sẽ hỗ trợ linh hồn trong phương diện này.

TRỰC GIÁC VÀ PHẢN ÁNH THẤP CỦA NÓ – BẢN NĂNG

Chiếc đồng hồ cát là một ẩn dụ đại diện cho những bước phát triển trong sự tiến hóa của tâm thức con người. Như có thể dễ dàng nhận thấy, phần đáy và trên của nó tương tự nhau, cho thấy rằng cả bản năng và trực giác đều là những trường nhận thức rộng lớn. Bản năng rộng lớn ở chỗ nó có tính chất phổ quát đại đồng, là cấp độ tâm thức bẩm sinh mà mọi người đều có. 

Trực giác cũng có thể được hiểu như một trường nhận thức rộng lớn nhưng ở cấp độ cao hơn của xoắn ốc. Bản chất cốt lõi của trực giác mang tính nguyên mẫu, và do đó có một tiềm năng thông tin đến cho tất cả những ai có khả năng chạm đến nó trong nội tâm. Cũng giống như bản năng, trực giác là trường nhận thức phổ quát. Nó chứa đựng những chân lý có ứng dụng tập thể cho tất cả mọi người và mọi bối cảnh văn hóa. Trực giác thật sự là cái chuyên chở các nguyên lý tinh thần cần được tăng cường để dẫn dắt nhân loại trên hành trình tiến hóa của nó. Sự phân biệt giữa trực giác và bản năng do đó có tầm quan trọng lớn lao. Trong khi cả hai đều là các dạng nhận thức rộng lớn và phi nhị nguyên, bản năng không hỗ trợ trí tuệ trong khi trực giác thì có. Bản năng là cấp độ tâm thức tiền trí tuệ, trong khi trực giác thì siêu việt trí tuệ.

Người vẫn còn bị dẫn dắt bởi nhận thức bản năng (thường được tin tưởng một cách sai lầm là trực giác) thường chưa có tính minh mẫn sắc bén đã phát triển của trí tuệ, do đó thiếu tư tưởng phân biện. Trong khi lĩnh vực của trực giác siêu việt cái trí, dù vậy nó vẫn sử dụng cái trí như một phương tiện để đưa ra hiểu biết trí tuệ cho trực giác. Như vậy, nhận thức tinh thần cần một trí tuệ đã phát triển tốt. Thực tế, phần lớn các nhà ngoại cảm (nhưng không phải tất cả) không tin tưởng vào cái trí vì cho rằng nó là “kẻ giết chết sự thật” (slayer of the real). Tuy nhiên, khi một người đã phát triển tốt thể trí, và cùng lúc chỉnh hợp nội tâm và nhạy cảm với những ấn tượng trực giác, thì cái trí thực sự là “cái tiết lộ sự thật” (Revealer of the real). 

Dưới đây là những yếu tố khác nhau có thể giúp chúng ta phân biệt giữa cảm nhận bản năng với cảm nhận trực giác.

Từ góc độ bí truyền, rõ ràng trí tuệ quan trọng như một chức năng của sự tiến hóa, bởi vì cái trí là nguyên khí tổ chức bên trong tâm thức con người. Nó tổ chức hình hài cho các trực giác đến từ trên cao. 

Tất nhiên, nhân loại ngày nay không ai là đang hoạt động hoàn toàn từ cấp độ bản năng, điều này chỉ đúng với các chân thần ngự trong giới động vật. Trí tuệ đang được vun bồi và trưởng thành trong mỗi con người chúng ta. Tuy nhiên, mức độ tâm thức bản năng so với chức năng trí tuệ khác biệt giữa người này với người khác, và đây là một trong những thước đo vị trí một người trên con đường tiến hóa. 

Các đặc tính của trực giác thực sự 

Các đặc tính từ những định nghĩa dưới đây cho thấy rằng trực giác thực sự (chứ không phải là bản năng) là một trải nghiệm tương đối hiếm hoi.

  1. Trực giác vốn phi nhị nguyên (non-dualistic)

Ở cấp độ cao nhất của nó, trực giác tinh thần là một nhận thức không có bất kỳ cảm giác nào về nhị nguyên hay chia rẽ. Xét về mặt huyền linh, nội môn, tất cả mọi thứ đều là một. Ở cấp độ trực giác (cõi bồ đề), tính Nhất Thể (Oneness) này không đơn thuần quan sát thấy được, bởi vì có một cảm giác về sự tham dự hoàn toàn trong sự Nhất Thể này. Không có cảm giác về việc vươn tới cái nào khác. Người quan sát, việc quan sát, và cái được nhìn thấy, không thể chia tách được. Như thể tất cả vạn hữu đều nằm bên trong bản thể, trạng thái “nhận thức không phân biệt”.

  1. Trực giác được biểu đạt qua sự hình thành các ý tưởng

Các tư tưởng và cảm xúc vốn có hình tướng, trong khi trực giác thì không. Vì được xem như là vô sắc tướng (formless), một người không thể trải nghiệm trực giác một cách trực tiếp mà chỉ gián tiếp qua việc hình thành một ý tưởng hay nhận ra một cảm xúc.

  1. Trực giác là một ấn tượng tự do khỏi sự kiến tạo của chất trí

Khi chúng ta vận dụng cái trí để tạo ra các suy nghĩ, một sự tập hợp xảy ra. Một suy nghĩ hay tư tưởng là sản phẩm của một quá trình tổ chức và kiến tạo trong cái trí. Các ý tưởng sinh ra bởi cái trí về cơ bản là các sự kiến tạo. Tuy nhiên, khi cái trí tĩnh lặng, trực giác sẽ “gây ấn tượng” lên nó, một cảm giác hiểu biết mà không cần sự kiến tạo (construction). Lối vào cõi trực giác (cõi bồ đề) đòi hỏi tất cả các chuyển động của tâm thức cần được tạm thời treo lại. Khi điều này xảy ra, cái trí hoạt động như một khí cụ tiếp nhận hơn là phát sinh ý tưởng. Phát triển năng lực này là mục tiêu tinh thần của tất cả mọi người trên Đường Đạo. Thực sự, đây là một trong nhiều điều kiện tiên quyết để đạt tới khai sáng giác ngộ.

  1. Trực giác tự do khỏi ham muốn hay dục vọng

Cõi bồ đề là thuần khiết, không bị nhuốm màu ham muốn của con người, bởi vì dục vọng chỉ khởi sinh từ phàm ngã chứ không phải từ linh hồn. Khi ham muốn đan xen với cái xuất hiện có vẻ như là một ấn tượng trực giác, thì chắc chắn rằng đó không phải là trực giác thực sự mà đúng hơn là kết quả của cảm dục quang (astral light, ánh sáng cõi trung giới), một ấn tượng thông linh (psychic impression). Cảm dục quang là phản chiếu của trực giác cõi bồ đề trong cõi cảm dục. Mặc dù những ấn tượng này có thể có giá trị, nhưng chúng không thực sự mang tính tinh thần. Mục đích thực sự của chúng (mang tính vô thức với chúng ta) là thỏa mãn những ham muốn của phàm ngã.

  1. Trực giác giúp nhìn thấy bức tranh lớn

Trực giác thực sự luôn mang tính rộng lớn và bao gồm. Nó truyền đạt cho người đệ tử tính phổ quát của vạn hữu. Khả năng nhìn xa trông rộng những hình mẫu của chân lý là chức năng của thượng trí (trí trừu tượng), là cái tiếp nhận đúng đắn ánh nhìn trực giác của linh hồn. Khi thượng trí được phát triển tốt, khả năng nhận thức và diễn giải các trực giác đang gây ấn tượng lên nó gia tăng, cùng với việc nhận ra khả năng ứng dụng chúng trong bối cảnh đời sống rộng lớn hơn.

  1. Trực giác không theo trình tự và siêu việt thời gian

Vì trực giác là nhận thức về sự thật không qua suy luận logic, nó không theo tuần tự mà sẽ có tính chất phi thời gian. Đó là bởi vì thời gian được dựa trên nhận thức về trình tự do tính chất tuyến tính vốn cố hữu trong quá trình suy luận, trong khi trực giác siêu việt trường thời gian và các nhận thức theo trình tự nảy sinh từ đó.

  1. Trực giác được nhận ra qua hai sự mở rộng

Thể cảm dục có khuynh hướng là phần đầu tiên của phàm ngã nhận ra trực giác. Tuy nhiên, khi cái trí chưa trở thành khí cụ tiếp nhận trực giác thì trực giác sẽ ngắn ngủi và không được diễn dịch đúng đắn. Định mệnh của mỗi người là tiến hóa tâm thức y đến mức mà cả hai thể trí và thể cảm dục đều ghi nhận các thông điệp trực giác được truyền tải qua linh hồn. Lúc đó, thể cảm xúc ghi nhận cảm giác của trực giác trong khi thể trí là khí cụ diễn dịch đúng đắn nó.

  1. Trực giác đưa đến hiểu biết tổng hợp

Tâm thức đang tiến hóa từ một nhận thức chia rẽ hướng đến một tầm nhìn tổng hợp mang tính nhất thể. Chính trực giác làm cho người đệ tử biết đến cảm giác về tính nhất thể trong nội tâm. Những gì xuất hiện bên ngoài có vẻ như tách biệt được nhận ra như là những thành phần đang xuất hiện từ một toàn thể tổng hợp. Để nhận thức này khai mở trong tâm thức, linh hồn phải có thể nhìn vào hai chiều hướng cùng lúc – hướng đến chân thần và hướng đến phàm ngã đã chỉnh hợp.

  1. Trực giác bắt nguồn từ Tình Yêu Phổ Quát (Tình Thương Đại Đồng – Universal Love)

Cõi trực giác – cõi bồ đề được gọi là Cõi của Tình Yêu của Thượng Đế (Plane of God’s Love) hay Cõi của Christ (Plane of Christ). Không giống như tình yêu của con người, bác ái thiêng liêng không liên quan đến cảm xúc tình cảm, hay yêu thích. Được cảm nhận bởi người đệ tử hay người điểm đạo đồ, trực giác như một sự hấp thụ vào tính nhất thể và sống động của vạn hữu. Trạng thái này được gọi là Huyền Đồng (Identification). Bác ái thiêng liêng tuôn chảy từ nhận thức rằng tất cả vạn vật đều là một trong Tinh Thần.

  1. Trực giác đòi hỏi tính vô ngã (decentralization)

Khi linh hồn phát xạ mầm mống trực giác của nó, sự ghi nhận đúng đắn chỉ có thể xảy ra khi cái trí tự do khỏi cảm giác về bản ngã – cái tôi. Bởi vì sự tập trung vào bản ngã – cái tôi khiến trực giác bị biến dạng khi đi vào thể trí. Trực giác đến từ đạo viện nội giới đòi hỏi một cái nhìn hoàn toàn vô ngã. Về cơ bản, đó là nhận thức về chân lý siêu việt đời sống phàm ngã.

  1. Trực giác tiết lộ tính Giản Dị

Trực giác tự hiển lộ qua các mô thức chân lý rộng lớn (được ghi nhận trong thượng trí). Những mô thức minh triết này rộng lớn và bao gồm, do đó, chúng thể hiện một sự giản dị sâu sắc, nhờ vào sự phát triển của thượng trí. Chân lý tinh thần vốn đơn giản, nhưng đó là tính đơn giản có được từ sự thấu hiểu trí tuệ về tính phức tạp, chứ không phải từ sự thiếu trí tuệ. Do đó, tính giản dị tinh thần không nên bị nhầm lẫn với tư duy đơn giản.

  1. Trực giác chịu ảnh hưởng bởi dạng Cung năng lượng

Chúng ta biết rằng trong triết học nội môn, có bảy dạng linh hồn, mỗi dạng được xác định bởi một trong Bảy Cung của biểu hiện thiêng liêng, do đó có liên hệ một cách khác nhau với cõi bồ đề. Ví dụ, linh hồn cung ba sẽ có khuynh hướng truyền tải các chân lý trực giác để hỗ trợ sự tiến hóa của kinh tế thế giới, trong khi đó linh hồn cung năm sẽ có khuynh hướng truyền tải trực giác để hỗ trợ các tri kiến khoa học.

  1. Trực giác là một cơ quan nhận thức nhóm

Cõi bồ đề (trực giác) là nơi chốn của các đạo viện và các Chân Sư. Tri thức vô sắc tướng (formless knowledge) chứa đựng trên cõi này đại diện cho minh triết của các Chân Sư và tâm thức của đạo viện mà các Ngài dẫn dắt. Như vậy, trực giác thực sự mang tính tập thể chứ không tập trung vào cá nhân. Thông tin thấy được trên cõi bồ đề chủ yếu cung cấp các tri kiến và minh triết mà nhân loại cần để tiến hóa như một toàn thể.

Thông qua việc sử dụng trực giác vô sắc tướng, đạo viện nội giới tìm cách giao tiếp với người đệ tử vì đạo viện được thấy trên cõi bồ đề. Phần lớn công việc của người đệ tử phụng sự là chỉnh hợp thượng trí để nó có thể thỉnh nguyện dòng giáng hạ của Ánh Sáng Siêu Nhiên. Khi trực giác này tiến tới từ đạo viện nội giới, thể nguyên nhân của người đệ tử tức thì đúc khuôn chất liệu cõi trí quanh nó – đưa tới nhận thức về một tư tưởng mới mẻ và tiến bộ tự phát trong thể trí. 

  1. Trực giác mang đến nhiều ứng dụng đa dạng

Vì trực giác (khi được ghi nhận trong trí) vốn rộng lớn và bao gồm, chân lý mà chúng chứa đựng sẽ có ứng dụng trên nhiều lĩnh vực của đời sống cá nhân, đến cộng đồng lớn hơn và đến cả nhân loại như một toàn thể. Thực sự, trực giác của linh hồn có thể soi sáng và giúp thấu hiểu những vấn đề mà trước đây dường như là rời rạc và không liên quan bằng việc tiết lộ những nguyên lý chung hay hình mẫu minh triết vốn là nền tảng của tất cả chúng.

Link Youtube: https://youtu.be/QvZ4mlUWrM0

TÀI LIỆU THAM KHẢO

William Meader, Supernal Light, “The Hourglass of Evolution” & “The Nature of Mind”
Alice Bailey, Từ Trí Tuệ đến Trực Giác
Alice Bailey, Ánh Sáng của Linh Hồn
Alice Bailey, Tâm Lý Học Nội Môn
Trực giác: phungsutheosophia.org 
Intuition research: www.heartmath.org
Quyền năng thông linh cao và thấp:
www.minhtrietmoi.org


Bảo Bình và Thời Đại Bảo Bình

Thầy Lâm Văn Kiệt chia sẻ tại buổi họp nhóm MFVN ngày 05.02.2023.

Link chuỗi các bài giảng của Thầy trên Youtube: https://tinyurl.com/baigiangThayLamVanKiet





Bảo Bình và Phụng Sự

Hoàng Quốc Khánh chia sẻ tại buổi họp nhóm MFVN ngày 05.02.2023.





Chia sẻ liên hệ bản thân của nhóm Bảo Bình

BẢO BÌNH - ĐIỂM MỌC MỤC ĐÍCH LINH HỒN, MẶT TRỜI PHÀM NGÃ VÀ MẶT TRĂNG MÀN CHE ẢO CẢM

Chia sẻ của Hồng Chương, Anh Tuấn, Mai Yến và Trinh Lan tại buổi họp nhóm MFVN tháng Bảo Bình, ngày 05.02.2023