Monday 22 April 2024

Thiên khải tinh thần

Câu chuyện về tâm thức con người là câu chuyện về chủ đề ánh sáng. Thông thường, chúng ta hay nghĩ về ánh sáng trong biểu đạt vật lý rõ ràng của nó. Tuy nhiên, khi được xem xét rộng hơn, và với con mắt nội môn, chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra rằng ánh sáng là một chủ đề rộng lớn hơn nhiều. Khi được nhìn từ một góc độ tinh thần, có nhiều dạng ánh sáng phải được xem xét. Có ánh sáng của tình thương, ánh sáng của tri thức và ánh sáng của vẻ đẹp, đấy là mới chỉ một số trong nhiều biểu đạt của ánh sáng. Mỗi ánh sáng có sức mạnh làm hiển lộ để hỗ trợ sự tiến hóa của tâm thức con người.

“Ánh sáng được biết đến bởi những gì mà nó làm hiển lộ” (Light is known by what it reveals).  Trong câu nói đơn giản này ta thấy có một sự thật với tầm quan trọng sâu sắc. Chúng ta thường nói rằng chúng ta tìm cách để “soi sáng” về một vấn đề với ý nghĩa của sự xuất hiện tri kiến hay hiểu biết mới. Mọi biểu đạt của ánh sáng, khi được nhận thức trong nội tại, đều mở tâm thức con người ra với những tầm nhìn mới mẻ của sự thấu hiểu và minh triết. Khi được thành tựu hoàn toàn, sự khai sáng - giác ngộ chắc chắn là một phần thưởng. Ánh sáng soi chiếu những lĩnh vực chưa được biết tới của bản thể, do đó làm hiển lộ ngày càng nhiều hơn thiên tính của chính chúng ta. Như vậy, ánh sáng và sự thiên khải là không thể tách rời. Ánh sáng là nguyên nhân, trong khi sự thiên khải là kết quả của nó.

Ánh sáng siêu nhiên củng cố và là nền tảng cho mọi thứ hiện hữu. Từ đó, tất cả mọi hình tướng khởi sinh bên trong Sự Sáng Tạo. Thực tế, mỗi người đệ tử là một tác nhân của ánh sáng. Vai trò của người đệ tử là mang ánh sáng vào những nơi tăm tối, và đưa mầm mống của những ý tưởng mới mẻ vào trường tư tưởng tập thể của nhân loại. Công việc huyền thuật của người đệ tử là mang khái niệm phôi thai vào hiện hữu bên ngoài, đánh thức chánh tư duy, và bằng cách này vun bồi và nuôi dưỡng ý thức của đại chúng. Dưới đây là danh sách một vài trong số nhiều dạng ánh sáng mà người đệ tử được kêu gọi mang tới cho thế giới.

Thiên khải và tiến hóa gắn bó chặt chẽ với nhau. Thiên khải đơn giản là một cách mô tả những tác động liên tục của ánh sáng lên tâm trí con người. Theo nghĩa rộng nhất, sự tiến hóa của tâm thức nhân loại không gì khác ngoài một sự thiên khải liên tục khai mở diễn ra qua thời gian dài rộng. Thiên khải và tiến hóa song hành cùng nhau bởi chúng là hai mặt của cùng một đồng xu.

Từ đó, ta có thể thấy rằng thiên khải và con đường đệ tử là những chủ đề đồng hành cùng nhau. Thực tế, thiên khải là đặc quyền chính yếu của người đệ tử tinh tấn nỗ lực. Qua sức mạnh thiên khải của trí tuệ, nhiệm vụ của tất cả những người đệ tử là đóng vai trò như những tác nhân sáng tạo để hỗ trợ sự tiến hóa của nhân loại hướng tới một phương cách hiện hữu minh triết hơn. 

Tại sao như vậy? Câu trả lời đến khi chúng ta mở rộng quan điểm của mình để bao gồm mối quan hệ của nhân loại với Hành Tinh Thượng Đế, sinh mệnh phú linh cho Trái Đất và toàn bộ chúng sinh trên đó. Khi Hành Tinh Thượng Đế tiến hóa thì chúng ta cũng tiến hóa. Thực sự, tâm thức tập thể của giới nhân loại đại diện cho luân xa cổ họng của Hành Tinh Thượng Đế.

Luân xa cổ họng có vai trò như lối ra sáng tạo mà qua đó linh hồn tìm cách biểu đạt. Cho dù nói đến điều này trong mối quan hệ với một cá nhân con người hay Hành Tinh Thượng Đế thì qua chính luân xa cổ họng mà các nguyên mẫu thiêng liêng được ghi nhận và định hình vào biểu đạt sáng tạo. Luân xa cổ họng do đó là luân xa chính yếu được sử dụng trong công việc sáng tạo của cả người đệ tử và Thượng Đế.

Nếu toàn thể nhân loại là luân xa cổ họng đối với Hành Tinh Thượng Đế thì điều này có ý nghĩa gì về định mệnh và mục đích của giới nhân loại? Điều đó có nghĩa là về mặt tập thể, chúng ta là những tác nhân truyền tải hỗ trợ cho những ý tưởng sáng tạo được thúc đẩy bởi Hành Tinh Thượng Đế. Những rung động cao cả này được ghi nhận bên trong tâm trí người đệ tử như là ánh sáng của những ý tưởng mới mẻ và cấp tiến. Theo nghĩa chân thực nhất, đây chính là sự thiên khải. Đó là hành động (một cách cá nhân và tập thể) như một cơ quan biểu đạt cho Sự Sống Vĩ Đại hơn, Hành Tinh Thượng Đế.

Có hai phạm trù thiên khải rộng. Đôi khi được gọi là các thiên khải sơ cấp và thứ cấp, cả hai đều truyền tải những tri kiến có tác dụng nâng đỡ tinh thần và chuyển hóa. Về cơ bản, cả hai đều làm hiển lộ Ánh Sáng Siêu Nhiên, hoặc trực tiếp (các thiên khải sơ cấp) hoặc gián tiếp (các thiên khải thứ cấp). Đối với những người chí nguyện và đệ tử, chính các thiên khải thứ cấp là cái có khả năng liên quan nhiều đến cái trí nhất. Các thiên khải này mang tính cá nhân hơn, thường liên quan đến sự phát triển tinh thần hay công việc phụng sự của người đệ tử trong thế giới. Các thiên khải thứ cấp thường có thể rút giảm thành lời, và cũng có thể có những ngụ ý hướng dẫn trong công việc nhóm. Các thiên khải thứ cấp thường được khởi phát từ cõi bồ đề, nhưng được lọc qua minh triết của phàm ngã được chứa trong thể nguyên nhân của một người. Đó là lý do tại sao những thiên khải như vậy dường như có một cảm giác mang tính cá nhân đối với họ.

Mặt khác, các thiên khải sơ cấp hoàn toàn vô tư (impersonal, vô ngã), không mang tính cá nhân. Những tri kiến được cảm nhận qua ánh sáng như thế thường về những chu kỳ thời gian rộng lớn và áp dụng cho toàn thể nhân loại. Bởi vì chúng có xung lực từ cõi bồ đề vô sắc và vượt ngoài đó, chúng được cảm nhận trong nội tâm như những hiểu biết vô sắc tướng, chúng không bị lọc qua nội dung của thể nguyên nhân. Những thiên khải sơ cấp hiếm khi được trải nghiệm, và chỉ có thể xảy ra với những người ít nhất đã thành tựu cấp bậc Điểm Đạo Đồ trên Đường Đạo.

Những thiên khải sơ cấp tất nhiên liên quan đến các công việc của Đạo Viện nội giới, và Thiên Cơ trong sự khai mở toàn cầu về dài hạn. Ngược lại, những thiên khải thứ cấp liên quan đến biểu hiện của những yếu tố khác nhau của Thiên Cơ hơn khi được đưa vào thế giới bên ngoài bởi những cá nhân đệ tử và các nhóm làm việc. Thiên khải sơ cấp do đó tiết lộ bản thiết kế gốc của cái sẽ là, trong khi thiên khải thứ cấp cung cấp tri kiến cụ thể cho việc thực thi nó.

Lưu ý rằng thiên khải chỉ có thể tiết lộ cái luôn hiện diện. “Không có điều gì mới mẻ dưới ánh mặt trời”. (There is nothing new under the sun). Cho dù ta đang xét tới thiên khải sơ cấp hay thứ cấp, nguồn cội của chúng luôn là lĩnh vực của Tam Nguyên Tinh Thần, nhất là cõi bồ đề. Như nhà hiền triết Ấn Độ Patanjali gọi đó là “đám mây mưa của những điều khả tri” (the raincloud of knowable things), cõi bồ đề chứa đựng những nguyên mẫu của cái đã và sẽ luôn hiện hữu. Việc chúng ta không thể ghi nhận bằng trực giác những nguyên mẫu này đơn giản biểu thị cho khả năng hạn chế của chúng ta để cảm nhận điều đã luôn tồn tại.

Thiên khải khai mở trong tâm thức người đệ tử như thế nào? Theo nghĩa rộng nhất, có ba yếu tố cơ bản của quá trình thiên khải. Ba yếu tố này có thể gọi đơn giản là - thâm nhập, phân cực hóa và kết tụ. Chúng tạo thành ma trận nền tảng cho quá trình thiên khải.

Thâm nhập (Penetration)

Yếu tố đầu tiên trong ma trận thiên khải được gọi là thâm nhập. Người đệ tử phải bắt đầu bằng việc tham thiền phóng chiếu một khía cạnh của chính y vào những chiều sâu nội tâm vượt ngoài vùng nhận thức thông thường của y. Đó là một quá trình dịch chuyển vào một chiều kích vô sắc tướng và vi tế sâu thẳm bên trong, đôi khi được gọi là một sự tiến nhập vào khoảng trống. Để thực hiện điều này một cách đúng đắn, hành giả cần tạo ra một vòng giới hạn (a ring-pass-not) trong khi tham thiền. Một vòng giới hạn ngụ ý việc giữ tâm trí sao cho ngăn chặn sự xao lãng trong khi tham thiền. Đó là tạo ra trong nội tâm một vòng bao quanh (bên trong tâm trí) không cho phép sự can thiệp tiến nhập để giúp duy trì một cảm thức tập trung vào tiêu điểm.

Để tạo được vòng giới hạn này thành công, hành giả cần vận dụng ý chí, vì ý chí là năng lượng xác định mục đích và thiết lập âm điệu cho tiêu điểm nhất tâm. Một khi đã được thiết lập, hành giả sau đó chủ động phóng chiếu một đường ánh sáng và sức mạnh vào những vùng nhận thức vi tế nhất mà y có thể tiến nhập vào trong nội tâm, và đó chính là sự xâm nhập, xuyên thấu. 

Lưu ý rằng độ sâu của sự thâm nhập đạt được (mà không sử dụng trí tưởng tượng) sẽ thay đổi tùy theo vị trí của người đó trên Đường Đạo. Đối với người đệ tử, mục tiêu thâm nhập là thể nguyên nhân, trong khi đối với điểm đạo đồ, mục tiêu thâm nhập là cõi bồ đề và Đạo Viện bên trong đó.

Phân cực hóa (Polarization) 

Yếu tố thứ hai trong ma trận thiên khải là sự phân cực hóa. Khi giai đoạn đầu (thâm nhập) đã đạt được thành công, tâm thức thiền giả giờ đây được phân cực hóa. Có nghĩa là có hai khía cạnh tâm thức khác biệt có thể được nhận ra trong nội tâm - điểm tập trung của nhận thức bên trong tâm trí, và vùng nhận thức được nâng cao được chạm tới và được giữ vững như là kết quả của quá trình phóng chiếu.

Lưu ý rằng trong thuật ngữ nội môn, “phân cực hóa” có nghĩa là có một mối quan hệ không bị cản trở giữa hai chiều tâm thức được trải nghiệm bởi thiền giả. Xét về mặt tinh thần, người đệ tử có trải nghiệm về việc hiện hữu ở hai nơi cùng một lúc. Đó là cả cao và thấp cùng một lúc; nhận thức đại đồng phổ quát đồng thời cảm nhận bản thân được neo bên trong những đặc thù của cái trí. Đó là trải nghiệm bản thể như Toàn Thể, đồng thời nghịch lý thay, biết bằng bản thể chỉ là một phần trong Toàn Thể.

Kết tụ (Precipitation)

Khi sự phân cực hóa có thể được giữ trong một thời gian, yếu tố thứ ba trong ma trận thiên khải trở nên hoạt động. Đó là sự kết tụ. Điểm cao của tâm thức đã phân cực hóa của người đệ tử bắt đầu kết tụ minh triết của linh hồn (hay các trực giác từ Đạo Viện) vào thể trí tiếp nhận.

Cõi bồ đề (cõi trực giác) liên quan đến nguyên tố khí nên không ngạc nhiên khi nó được gọi là đám mây mưa của những điều khả tri. Đám mây mưa trên cõi nội giới bắt đầu kết tụ những tri kiến của nó vào thể trí đang chờ đợi của người đệ tử giữ tâm trí ổn định. Giống như nhà nông học có thể gieo mầm những đám mây vào bầu trời để hỗ trợ việc làm mưa, tương tự, người đệ tử gieo mầm đám mây mưa bên trong những chiều sâu tâm thức. Nhờ thế mà thiên khải xuất hiện, và những ý tưởng mới mẻ và cấp tiến bắt đầu tuôn mưa xuống thể trí tiếp nhận của người đệ tử.

CÁC GIAI ĐOẠN THIÊN KHẢI

Có những giai đoạn đặc trưng cho những thiên khải soi sáng tâm trí con người.

Giai đoạn 1 - Nhận biết (Recognition)

Dấu ấn của giai đoạn thiên khải đầu tiên là sự thức tỉnh của cái trí và trái tim trước sự hiện diện của nó. Điều này thường được trải nghiệm như là một khoảnh khắc “aha”, và được đặc trưng bởi tính mở rộng trong những hiệu ứng của nó. Bởi vì những thiên khải tinh thần thực sự liên quan đến trí tuệ và trái tim, cảm thức mở rộng sự thấu hiểu này thường đi kèm với một cảm thức hân hoan, thậm chí ngất ngây.

Giai đoạn 2 - Bóng tối (Darkness)

Theo sau nhận thức về thiên khải là một giai đoạn bóng tối. Linh thị mờ dần khỏi cái trí của người đệ tử, dường như mất đi và không thể phục hồi lại được. Tất cả những gì còn lại chỉ là một phác thảo rộng (nét chính đại cương) của những gì đã được tiết lộ. Trải nghiệm thoáng qua này đôi khi có thể khiến người đệ tử rơi vào một trạng thái tuyệt vọng và không chắc chắn, tự hỏi liệu những gì đã được hình dung có phải chỉ là tưởng tượng. Mặc dù tâm thức thông thường giờ đây đã tái xuất hiện trọn vẹn, một hạt giống trực giác dù vậy đã được gieo vào sâu kín bên trong tâm trí người đệ tử. Về cơ bản, đây là giai đoạn nảy mầm cũng như là thời gian thử thách. Nó đòi hỏi người đệ tử phải tiến tới mà không cần kích thích thiên khải. Tại thời điểm này, sẽ khôn ngoan khi người đệ tử nhận ra điều này, tin tưởng rằng cuối cùng mọi thứ sẽ rõ ràng hơn. 

Giai đoạn 3 - Thể hiện (Embodiment)

Giai đoạn cuối cùng là giai đoạn người đệ tử áp dụng linh thị thiên khải. Nó trở thành một khía cạnh được tích hợp vào cách y hiện hữu và sống trong thế giới. Linh thị trở thành một kiểu mẫu nhận thức đã phát triển trọn vẹn trong tâm thức người đệ tử. Nó hoạt động như một lăng kính nhìn vào thế giới, và nó sẽ tự hiển lộ trong công việc phụng sự được kết xuất từ đó. Ánh sáng thiên khải không chỉ còn là một ý tưởng được nhận ra và nảy mầm trong tâm trí, vì giờ đây nó đã được tổng hợp vào bản sắc linh hồn. Cần nhớ rằng cách hiệu quả nhất để mang ánh sáng vào thế giới là trở thành hiện thân tỏa rạng của nó.

THIÊN KHẢI VÀ ĐIỂM NHẤT TÂM 

Thiết lập điểm nhất tâm là điều kiện tiên quyết cơ bản cho thiên khải xuất hiện một cách đúng đắn. Khi đó, tâm thức người đệ tử được đặt vào một trạng thái tiếp nhận tích cực sẵn sàng cho ánh sáng thiên khải từ linh hồn và đạo viện nội giới tiến vào.

Qua việc sử dụng điểm nhất tâm, người đệ tử trong tham thiền được đưa vào một sự chỉnh hợp theo chiều dọc với cái nhìn thiên khải của linh hồn. Bằng cách này, thiên khải có thể xảy ra. Điều này gợi ý rằng cần phải giữ vững một cảm thức nội tâm về ý chí tinh thần và phóng chiếu ý chí đó vào những chiều sâu của tâm thức. Sau đó người đệ tử xướng linh từ OM tại điểm nội tâm cao nhất mà y có thể đạt đến trong khi giữ tâm trí ổn định, không lay chuyển. Đó là sử dụng ý chí để giữ cho cái trí cố định và yên tĩnh, nhờ đó cho phép trực giác vô sắc tướng bắt đầu làm cho những ý tưởng thiên khải tiến vào tâm thức tiếp nhận của người đệ tử.

Việc nuôi dưỡng và sử dụng điểm nhất tâm để hỗ trợ thiên khải không dễ dàng. Đó là công việc được phát triển từ từ, đầu tiên một cách vô thức và sau đó với ý thức trọn vẹn. Sự phát triển như vậy chỉ có thể được khi phàm ngã được định hướng theo 3 cách.

(1) Nó phải hoàn toàn cam kết chỉnh hợp với linh hồn. Linh hồn cần một phàm ngã tích hợp và dâng hiến mong mỏi hướng thượng để tiếp nhận ánh sáng thiên khải của nó. Điều này đòi hỏi sự đầu tư trọn vẹn của phàm ngã trong bản chất tam phân của nó. Hạ trí cụ thể phải ở trong một trạng thái tĩnh lặng tiếp nhận, cảm xúc phải yên tĩnh ấm áp, và thể xác sẵn sàng hành động khi linh hồn đưa ra xung động để thực thi thiên khải vào thế giới bên ngoài.

(2) Nó phải dâng hiến cho việc phụng sự nhân loại. Chắc chắn phải có một khoảng thời gian (thường là vài kiếp sống) mà trong đó Định Luật Phụng Sự (định luật thứ ba của linh hồn) đã tắm phàm ngã với cảm thức trách nhiệm vì phúc lợi của nhân loại và sự nâng đỡ nhân loại. Sau đó, việc nhìn thấy đời sống qua lăng kính phụng sự tinh thần là một cam kết được xây dựng vào trong tâm thức của phàm ngã.

(3) Nó phải biết vai trò của mình như là kẻ thực thi ánh sáng thiên khải. Khi xem xét cấu tạo con người tam phân (chân thần, linh hồn và phàm ngã), phàm ngã đại diện cho khía cạnh thứ ba. Đây là khí cạnh thiêng liêng liên quan đến hoạt động thông tuệ bên ngoài. Như vậy, phàm ngã phải biểu hiện ánh sáng thiên khải này với một thái độ chủ động.

Điều quan trọng là nhận ra rằng thực sự có hai điểm nhất tâm, một cái liên quan đến đời sống nội tâm của người đệ tử và cái kia liên quan đến công việc phụng sự bên ngoài của y. Cái đầu tiên là điểm nhất tâm theo chiều dọc, trong khi cái thứ hai là điểm nhất tâm theo chiều ngang. Không giống như điểm nhất tâm chiều dọc liên quan đến sự chỉnh hợp của phàm ngã với linh hồn, dạng thứ hai liên quan đến những hoàn cảnh trong đời sống bên ngoài mà người đệ tử được kêu gọi đến để phụng sự. Y phải học cách giữ một cảm thức về ý định mục đích trong nội tâm tương phản với những hoàn cảnh trong thế giới bên ngoài đang cần nâng đỡ.

Việc thiết lập điểm nhất tâm, trong cả hai dạng, đều quan trọng đối với việc mang ánh sáng thiên khải vào thế giới một cách hiệu quả. Thực sự, biểu tượng chiều dọc và chiều ngang ở đây khá hữu ích về phương diện này. Vì người đệ tử phải học cách sống đời sống theo chiều dọc, trong khi chiều ngang thể hiện minh triết tràn đầy ánh sáng của y cho thế giới đang cần tới. Đây là một cách hiểu khác về biểu tượng Cơ Đốc về Thập Giá. Thực sự, đó là một thập giá nội tâm liên quan nhiều nhất đến con đường đệ tử thời hiện đại.

Antahkarana và Điểm Nhất Tâm 

Antahkarana là đường dẫn mà qua đó linh hồn tìm cách ảnh hưởng những tư tưởng và hành động của phàm ngã. Chính qua sợi dây tâm thức của cầu antahkarana mà minh triết của linh hồn đi vào đời sống của chúng ta. Mức độ cầu antahkarana được xây dựng sẽ xác định tính rõ ràng và sự diễn giải đúng đắn linh thị thiên khải của linh hồn. Và bởi vì antahkarana là một cấu trúc chiều dọc (về mặt biểu tượng) giữa phàm ngã, linh hồn và chân thần, nó tương ứng với điểm nhất tâm được xác định theo chiều dọc mà chúng ta đang nói tới.

Khi tham thiền, người đệ tử phải học cách sử dụng ý chí để phóng chiếu bản thân vào các cõi giới vô sắc tướng sâu thẳm bên trong. Bằng cách làm như thế, điểm nhất tâm chiều dọc được thiết lập (dù ban đầu còn mong manh). Con đường của sự phóng chiếu này chính là bản thân cầu antahkarana. Thực sự, cầu antahkarana được kiến tạo một phần như là hệ quả của quá trình phóng chiếu tham thiền. Có một mối quan hệ mật thiết và tương thuộc lẫn nhau giữa cầu antahkarana và điểm nhất tâm chiều dọc.

Đó là lý do tại sao điều quan trọng là thiết lập một điểm nhất tâm trong thực hành tham thiền. Làm như thế cuối cùng đưa người đệ tử vào mối quan hệ với linh hồn và Đạo Viện. Nhưng nó cũng hỗ trợ quá trình kiến tạo tiếp tục cầu antahkarana. Quỹ đạo của của sự phóng chiếu chiều dọc (được thực hiện qua tham thiền) cung cấp đường đi cho cầu antahkarana được kiến tạo và duy trì. Mỗi nỗ lực thành công trong việc đẩy bản thân vào những chiều sâu mang cùng với nó một sợi dây của chất liệu thông tuệ, nhờ đó thêm vào việc kiến tạo cây cầu nội tâm này.

Giữ tâm trí ổn định trong ánh sáng 

Khi trên đường Đạo, một trong những kỷ luật quan trọng cần được vun bồi là giữ tâm trí ổn định trong ánh sáng. Cái trí cần được yên tĩnh và đặt vào một trạng thái sẵn sàng để ghi nhận đúng đắn những thì thầm vô sắc tướng từ linh hồn, hoặc thậm chí từ Đạo Viện. Kỹ năng như vậy được vun bồi và cuối cùng thành thạo thông qua tham thiền huyền linh. Chúng ta phải học cách làm tĩnh lặng cái trí để vượt lên trên sự bận rộn và những chuyển động không kiểm soát của nó. Chắc chắn điều đó không hề dễ dàng vì thể trí có thể đôi khi dường như nó có một tâm trí của riêng chính nó vậy.

Thực sự, thiên khải không bị sai lạc chỉ có thể xuất hiện khi người đệ tử có thể giữ tâm trí ổn định trong ánh sáng. Điều này đòi hỏi vòng giới hạn được thiết lập để từ chối tất cả những tiếp xúc đến từ phàm ngã và những phiền nhiễu của thế giới bên ngoài. Khi như vậy, và điểm nhất tâm đã được thiết lập, tâm thức người đệ tử thoát khỏi sự giam cầm của phàm ngã và bắt đầu đồng nhất bản thân nó với linh hồn, hoặc với những người đang tiến gần đến giác ngộ, với chân thần.

Một khi đạt đến sự chỉnh hợp và định hướng này, người đệ tử bắt đầu cảm nhận rằng y đang được hấp thụ vào và hợp nhất với Sự Sống Vĩ Đại hơn (Thượng Đế). Y được đưa vào cõi trời thứ ba (như Thánh Paul đã mô tả, Kinh Thánh 2 Corinthians 12:2-4) nơi linh thị phúc lạc của Thực Tại được chiêm nghiệm sâu sắc. Sự phân chia chủ thể/khách thể được siêu việt, và Chân Lý vô sắc tướng được trực cảm vượt ngoài chức năng lý luận của cái trí. Trong khi điều này đang diễn ra bên trong những tầng nhận thức cao hơn, cái trí tiếp tục được giữ ổn định trong ánh sáng.

Rõ ràng rằng để giữ tâm trí ổn định cần:

Tạo ra một vòng giới hạn như là một phương tiện đẩy lùi những rung động gây nhiễu.

Thiết lập một điểm nhất tâm tại nơi sâu nhất (vi tế nhất) mà một người có thể chạm tới.

Một giai đoạn tiếp nhận tĩnh lặng hỗ trợ sự kết tụ.

Mặc dù chúng ta đã đang thảo luận về những thành phần cần thiết để kiến tạo cầu antahkarana qua tham thiền, điều đó cuối cùng sẽ có những hiệu ứng tàn dư trong suốt những giai đoạn không tham thiền trong ngày. Trên thực tế, sự phát triển của một điểm nhất tâm cuối cùng sẽ mang lại điều gì đó tương tự vào tâm thức hàng ngày của một người. Đây là ý nghĩa của từ kiểu mẫu đời sống song đôi. Nó gợi ý rằng công việc tham thiền của người đệ tử đã đạt tới một điểm phát triển nơi y trở nên ý thức về tâm thức cao hơn của mình trong khi hoàn toàn tham gia vào những hoạt động của đời sống bên ngoài.

Việc nuôi dưỡng điểm nhất tâm có một tác động giá trị khác nữa. Nó có thể làm cho người đệ tử dễ dàng có được những tri kiến hay hiểu được những ý tưởng khác nhau (những chủng tử tư tưởng, tư tưởng gốc/hạt giống) cần suy ngẫm thêm, thậm chí khi không tham thiền chính thức. Việc hiểu biết đúng đắn một ý tưởng hay tư tưởng gốc có thể đạt được khi ta có thể giữ nó “đằng sau của cái trí”. Được nhét vào nơi sâu thẳm của tâm trí, ý tưởng được giữ nhẹ nhàng, trong khi cái trí hữu thức vẫn tiếp tục cách thông thường của nó.

Sau đó, những gì đã được lưu trữ ở đằng sau cái trí được đưa lên hàng đầu trong suy nghĩ, chỉ để khám phá ra rằng một hiểu biết sâu sắc hơn về nó giờ đây được nhận ra. Trong khi được giữ ở đằng sau cái trí, tư tưởng hạt giống tiếp tục nảy mầm, thậm chí mặc dù cái trí cụ thể tương đối không chú ý đến nó. Vì người đệ tử đã liên tục kiến tạo một mối quan hệ theo chiều dọc với linh hồn, sử dụng điểm nhất tâm, khả năng này được nâng cao rất nhiều. Những nhận thức phát sinh từ đó khá sâu sắc, và có một tác động định hình lên đời sống bên ngoài và tính hữu dụng của một người đối với Đạo Viện. Đây là một ứng dụng khác của kiểu mẫu đời sống song đôi.

Con mắt thứ ba - Tác nhân thiên khải của linh hồn

Như được khắc ở Đền Apollo tại Delphi, câu cách ngôn “Hãy Tự Biết Mình” đại diện cho điểm khởi đầu đối với người đệ tử trên Con Đường Hướng Thượng. Thánh đạo bắt nguồn từ cuộc tìm kiếm nội tâm để cảm nhận được Ánh Sáng của Linh Hồn, và hơn thế nữa, là Ánh Sáng của Chân Thần. Cùng với Ánh Sáng của Phàm Ngã, chúng chuyên chở những dạng ánh sáng khác nhau, và mỗi ánh sáng lại có một tác động khác biệt lên tâm thức của người đệ tử. Con đường giác ngộ là một hành trình từ phàm ngã đến ánh sáng tỏa rạng của linh hồn, theo sau đó là nhận thức về ánh sáng vĩ đại nhất (dù vi tế nhất) bên trong cấu tạo mỗi người - ánh sáng chân thần. 

Ánh sáng của Phàm Ngã

Đây là ánh sáng xuất hiện qua tâm thức gắn chặt với hình tướng, vốn là cái mà phàm ngã đại diện. Các vận cụ thể xác, thể cảm dục và thể trí mỗi cái đều góp ánh sáng vào nhận thức của phàm ngã. Chẳng hạn như, những tư tưởng cụ thể hàng ngày không gì khác mà chính là nhận thức về ánh sáng thiên khải nội tại bên trong chất liệu của thể trí; cảm nhận là trải nghiệm ánh sáng tỏa chiếu bên trong vận cụ cảm xúc, thường biểu đạt như là ánh sáng của ham muốn; trong khi năm giác quan được thiết kế để làm hiển lộ ánh sáng nội tại bên trong thể xác và thế giới hình tướng bên ngoài. Hãy nhớ rằng, ánh sáng được biết đến bởi những gì mà nó làm hiển lộ. Chúng ta biết đến ánh sáng của phàm ngã bởi những nhận thức xuất hiện qua tư duy cụ thể, những thèm muốn cảm xúc, và những giác quan hồng trần mà chúng ta trải nghiệm.

Ngoài ánh sáng của dục vọng và ánh sáng của hình tướng, còn có những ánh sáng phụ khác liên hệ với phàm ngã. Một trong những ánh sáng quan trọng nhất đó là ánh sáng của tri thức. Được xem như một trong những biểu đạt vĩ đại đầu tiên của sự phát triển tiến hóa, nó đã trợ giúp nhân loại trong sự phát triển trí tuệ, nhất là trí cụ thể. Bản tóm tắt tri thức nhân loại là sản phẩm của ánh sáng này, và là nền tảng của những hệ thống giáo dục trong xã hội hiện đại. Thú vị thay, khi một người bắt đầu thức tỉnh với linh hồn, ánh sáng của tri thức được cảm nhận trên một vòng xoáy cao hơn của xoắn ốc. Đó là bởi vì thể trí đang từ từ trở thành kênh tiếp nhận cho một dạng thông tuệ mang tính chất tinh thần nhiều hơn - trí tuệ của linh hồn.

Ánh sáng của Linh Hồn

Từ ánh sáng tâm linh này, linh hồn hữu thức được nhận ra trong trái tim và tâm trí của người đệ tử. Qua đó, minh triết của các thời đại xuất hiện bên trong tâm thức. Hỗ trợ cho việc này là ánh sáng của tình thương, vốn có bản chất và biểu đạt như tính chất của tâm thức Christ. Ở đây chúng ta đang không nói đến dạng tình yêu của phàm ngã. Tình thương của linh hồn mang tính vô ngã hơn nhiều. Đó là một dạng bác ái cao cả và được nhận ra khi chúng ta trải nghiệm tình thương dành cho toàn thể lớn hơn, như là tình thương với Mẹ Thiên Nhiên, hay tình thương dành cho toàn thể nhân loại.

Ánh sáng của linh hồn luôn mang theo cùng nó một nhấn mạnh vào bức tranh rộng lớn hơn. Nó làm cho tư duy rộng mở. Những chi tiết của đời sống vẫn quan trọng, nhưng qua ánh sáng này, chúng được hiểu trong một trường ý nghĩa rộng lớn hơn. Ánh sáng của linh hồn khiến cho một người có thể nhận ra rằng bối cảnh mang lại ý nghĩa cho nội dung. Trong khi phàm ngã bận rộn với nội dung và những chi tiết cụ thể, linh hồn soi sáng cái trí với minh triết dựa trên những thấu hiểu về bối cảnh.

Nhận thức như thế có được qua việc sử dụng con mắt thứ ba. Đôi khi được gọi là Con Mắt của Linh Thị (the Eye of Vision), đó là khí cụ nhận thức cần thiết để ghi nhận những tri kiến soi sáng của linh hồn. Điều này có thể biểu hiện theo nhiều cách. Chẳng hạn, nó có thể mang tới khả năng cảm nhận một sự hợp nhất sâu sắc ẩn kín, nhìn thấy đó như một sự thật được nhận ra vốn là nền tảng cho những hình tướng bên ngoài. Cái nhìn như thế làm thức tỉnh trong người đệ tử hiểu biết rằng những hình tướng mà chúng ta trải nghiệm (về mặt trí tuệ, cảm xúc và thể chất) che giấu một sự nhất thể thiêng liêng đằng sau chúng. Con mắt thứ ba cũng giúp một người cảm nhận được linh hồn ngự bên trong mọi thứ, cũng như tạo ra tính nhạy cảm cao với vẻ đẹp siêu việt.

Bên cạnh đó, ánh sáng của linh hồn còn sinh ra một cảm thức về trách nhiệm để tạo ra một sự đóng góp nâng cao tinh thần cho cái gì đó vượt ngoài bản thân, như là phụng sự vô kỷ. Cam kết mang ánh sáng vào thế giới trở thành phương châm và động lực cho đời sống. Khi ánh sáng linh hồn bắt đầu được nhận thức, điều đó biểu thị rằng ánh sáng kém hơn của phàm ngã bắt đầu mờ dần. Thực sự, đó chính là bản chất của chính cuộc tiến hóa. Ánh sáng kém hơn cuối cùng phải nhường chỗ cho ánh sáng lớn lao hơn - tia sáng phải nhường chỗ cho ngọn lửa.

Ánh sáng của hợp nhất và ánh sáng của phụng sự là những phát tỏa phụ để hỗ trợ linh hồn. Thêm vào đó, ánh sáng của minh triết trở nên hoạt động ngày càng tăng ở cấp độ phát triển này. Thực sự, thể nguyên nhân là kho chứa minh triết mà một người thu thập qua vô số kiếp sống. Minh triết do đó có thể được định nghĩa như là sự dung hợp của tri thức và bác ái, cộng với ánh sáng của trải nghiệm rút ra từ những kiếp sống quá khứ. Bản thân tri thức là đặc quyền của phàm ngã tích hợp, trong khi linh hồn là vị bảo trợ cho ánh sáng của minh triết. Dù vậy, minh triết không nên được xem như cái gì đó hoàn toàn xa rời với tri thức, bởi trên thực tế, minh triết đứng trên vai của tri thức.

Qua nhiều kiếp sống, ánh sáng của linh hồn ngày càng gia tăng sức ảnh hưởng dẫn dắt. Đồng thời, một cảm thức về hy sinh bắt đầu xuất hiện trong nội tâm. Ban đầu yếu ớt nhưng từ từ lớn dần lên khi linh hồn ngày càng nắm được quyền thống trị phàm ngã, ánh sáng hy sinh trở thành một hình mẫu dẫn dắt trong những nhận thức và quyết định của người đệ tử. Nó dần dần tỏa sáng giải phóng người đệ tử khỏi những khuynh hướng của phàm ngã muốn chiếm hữu. Nó đại diện cho sự hy sinh của cái thấp kém hơn nhân danh lời kêu gọi cao cả hơn của linh hồn. Nó là sự thu rút lại những ham muốn của phàm ngã vì những nhu cầu vô kỷ cao cả hơn của toàn thể. Về bản chất, ánh sáng linh hồn này thúc đẩy sự hy sinh cái tạm thời, vô thường cho cái vĩnh cửu, trường tồn.

Có lẽ điều quan trọng nhất đó là qua ánh sáng linh hồn mà Thiên Cơ dành cho nhân loại dần dần được cảm nhận. Linh hồn là tác nhân chuyên chở một mục đích sâu sắc hơn (mục đích cuộc đời của một người), và mục đích đó là một phần trong Cơ tiến hóa rộng lớn hơn. Ở một mức độ nào đó thì việc cảm nhận ánh sáng của linh hồn là để cảm nhận ánh sáng của Thiên Cơ như được chuyển tải bởi các Huyền Viện trên cõi nội giới.

Ánh sáng của Chân Thần

Ánh sáng này xuất hiện qua trực giác tinh thần (buddhi, bồ đề hay spiritual intuition) và sử dụng thể nguyên nhân (vận cụ của linh hồn) như là cửa ngõ ghi nhận của nó. Thật khó để có thể nói rõ ràng bản chất của ánh sáng chân thần và ảnh hưởng soi sáng của nó. Đó là một dạng phát tỏa khởi sinh từ những cõi vô sắc tướng (formless) vượt ngoài linh hồn, và do đó cực kỳ vi tế để có thể phát hiện. Hơn nữa, khi nói đến ánh sáng siêu việt linh hồn, càng khó hơn để tìm ngôn ngữ diễn tả được nó.

Ánh sáng chân thần tiết lộ những nguyên mẫu của chân lý và kiểu mẫu của mọi thứ hiện hữu. Cấp độ ánh sáng này được nhận ra như là sự hiểu biết vô sắc tướng và mục đích thiêng liêng. Đó là nhìn thấy tất cả mọi thứ như thể bên trong chính mình, mà không có cảm giác về bản ngã (I-ness) trong nhận thức đó. Như thế, người nhận thức và cái đang được nhận thức được thấy như là một và giống nhau. Sự phân biệt giữa Bản Thể - Cái Ngã và cái phi ngã trở nên ít rõ ràng hơn nhiều. Nói cách khác, sự phân chia chủ thể/khách thể mờ dần khi tâm thức tiến vào trường phổ quát đại đồng. Trong khi ánh sáng của linh hồn mang đến cho người đệ tử một cảm giác về Nhất Thể nền tảng, ánh sáng của chân thần thức tỉnh con người với nhận thức rằng y chính là Nhất Thể đó. Trong ngôn ngữ nội môn, điều này được liên hệ đến như là Giai Đoạn Đồng Nhất (Stage of Identification). Đó là giai đoạn tiến hóa liên quan đến sự hiện hữu được khai sáng dẫn tới khả năng đồng nhất với Sự Sống Duy Nhất (the One), cũng như với tất cả những biểu đạt của đời sống được chứa đựng bên trong Nhất Thể đó.

Cần nhắc ở đây rằng trải nghiệm về dạng ánh sáng nội tâm này thuần khiết đến nỗi nhận thức mà nó tạo ra hoàn toàn vô ngã, đồng thời mang tính bao gồm sâu sắc. Về cơ bản, đó là một dạng Ánh Sáng Siêu Nhiên, và nó chuyển tải Ý Chí của Thượng Đế trên đôi cánh của mình. Nó tiết lộ Cõi giới của Bản Thể (the Realm of Being), vốn vượt ngoài quá trình tiến hóa của sự trở thành. Ánh sáng của chân thần cung cấp một cấp độ nhận thức ngang với nhận thức của một Chân Sư Minh Triết. Sống trọn vẹn bên trong ánh sáng này là một biểu thị của sự giác ngộ và Bản thể chân thực (Hiện hữu chân thực, true Beingness). 

Khi người đệ tử ngày càng tăng sự hợp nhất tâm thức linh hồn với tâm thức của phàm ngã thì y có thể nhận được một chớp lóe thoáng qua của ánh sáng chân thần tuyệt vời này. Nếu khoảnh khắc hiển linh này thực sự xảy ra, nó báo trước sự hiện hữu tương lai của người đó bên trong Cõi giới của Bản Thể.

Con mắt thứ ba - Tác nhân thiên khải của linh hồn

Con mắt thứ ba là cơ quan thiên khải cho linh hồn. Khi mở ra (ít nhất một phần nào) người đệ tử bắt đầu nhận thức một thực tại sâu sắc hơn vượt ngoài những gì năm giác quan có thể cung cấp. Đó là một dạng nhìn thấy vượt ngoài nhận thức về hình tướng. Thay vào đó, nó cung cấp một cái nhìn vào năng lượng, sự thật hay kiểu mẫu bên dưới hình tướng.  Con mắt thứ ba chuyển tải cái nhìn nội tâm vào những cõi giới vi tế của đời sống. Không giống cái nhìn thông thường của chúng ta, nó nhìn thấy bản chất sâu sắc hơn của mọi sự.

Nhìn vào hai hướng

Khi con mắt thứ ba thức tỉnh, người chí nguyện bắt đầu định hướng tâm thức mình theo hai hướng - trong nội tâm tập trung hướng đến linh hồn, và bên ngoài chú tâm hướng đến những năng lượng đang hiển lộ ra qua hình tướng. Khi hướng vào bên trong, con mắt thứ ba được đặt trong một trạng thái tiếp nhận với linh hồn và đạo viện. Bằng cách làm như thế, những thôi thúc trực giác từ linh hồn có thể được ghi nhận bên trong tâm trí, đặc biệt khi thiền giả có thể giữ tâm trí ổn định trong ánh sáng. Đây là một trong nhiều lợi ích của tham thiền huyền linh. Thông qua thực hành nó, định hướng vào bên trong của con mắt thứ ba được vun bồi, vì thế người đệ tử sẵn sàng tiếp nhận ánh nhìn hướng xuống của linh hồn.

Để hiểu định hướng ra ngoài của con mắt thứ ba, chúng ta phải nhớ rằng các hình tướng chỉ đơn thuần là những biểu hiện của những phẩm tính năng lượng khác nhau. Các năng lượng như bác ái, thông tuệ, vẻ đẹp và dâng hiến chỉ là một vài trong số nhiều phẩm tính tinh thần bên dưới hình tướng. Những phẩm tính này đại diện cho linh hồn ẩn sâu bên trong hình tướng, và chính Con Mắt của Linh Thị (the Eye of Vision) hay con mắt thứ ba có thể cảm nhận sự hiện diện của chúng. Mỗi một vật thể, con người, nơi chốn hay sự kiện đều là một biểu đạt của hình tướng và đều có những phẩm tính vi tế bên dưới chúng. Cùng một phẩm tính nhưng hình tướng nó biểu hiện có thể khác biệt nhiều. Trong khi con mắt trần nhìn thấy hình tướng, thì con mắt thứ ba cảm nhận được phẩm tính tìm cách biểu đạt qua hình tướng.

Sự tiến hóa của con mắt thứ ba

Những thiên khải được chuyên chở bởi con mắt thứ ba không nhất thiết là hình ảnh. Trong khi cái nhìn thông thường cung cấp hình ảnh của hình tướng, linh thị của linh hồn cung cấp một ấn tượng vượt ngoài hình tướng và tương đối mang tính vô sắc tướng. Phần lớn nó thường được trải nghiệm như một nhận thức trực giác bên trong tâm trí và trái tim. Đó là một dạng nhìn thấy siêu việt hình tướng, và được nhận thức trong tâm trí như một hiểu biết sâu sắc hoặc cái biết mang tính tinh thần. Con người càng phát triển tâm thức (về mặt tinh thần) thì con mắt thứ ba càng khai mở.  Như vậy, con mắt của linh hồn cũng tiến hóa theo thời gian.

Người ta thường nghĩ rằng con mắt thứ ba về bản chất là mở ra hoàn toàn. Điều này chỉ đúng với người đang ở gần Cánh Cổng Giác Ngộ - một chuyện thật sự hiếm hoi. Đối với những người cam kết với sự phát triển tinh thần của chính mình và thức tỉnh với linh hồn, con mắt thứ ba này chỉ mở một phần. Nhưng con mắt thứ ba đã mở một phần vẫn có giá trị thiên khải. Mặc dù quyền năng của nó chưa chín mùi hoàn toàn, nó vẫn cung cấp cho người đệ tử một hiểu biết sâu sắc về chiều kích tinh thần của đời sống và hoàn cảnh. Đối với đa số quần chúng chưa thức tỉnh với linh hồn, những thiên khải được đưa ra bởi con mắt thứ ba vẫn còn ngủ ngầm như một tiềm năng tương lai. Do đó, sẽ hữu ích khi nhớ rằng có một vài con mắt liên quan đến sự tiến hóa tâm thức của con người. Khi xét trong một ý nghĩa rộng nhất, cái thấy của con người tiến hóa qua ba cấp độ khi trên con đường hướng tới giác ngộ. Ba cấp độ nhìn này tương ứng với ba vận cụ của con người mà qua đó đời sống con người tiến hóa qua dài rộng thời gian (phàm ngã, linh hồn, chân thần). Cấp độ cái thấy lớn hơn luôn bao gồm cái nhỏ hơn.

Ba cấp độ của cái thấy


Đôi mắt của Phàm Ngã

Qua hai mắt của chúng ta, và kích thích thần kinh khởi phát từ chúng, trải nghiệm thị giác của chúng ta về đời sống xuất hiện. Vì đôi mắt hiện hữu về vật chất, nên trải nghiệm nhận thức mà chúng cung cấp sẽ tương tự mang tính hồng trần. Do đó, cái thấy phát sinh từ tâm thức phàm ngã phần lớn bị chi phối bởi đôi mắt trần của chúng ta. Chúng cung cấp hiểu biết thông qua tương phản, và tương quan với khía cạnh thứ ba hoạt động thông tuệ. Cái thấy thuộc hồng trần mang tính nhị nguyên, ở chỗ luôn có người nhìn và cái được nhìn thấy. Đó là lý do tại sao đôi mắt trần đôi khi còn được gọi là đôi mắt nhìn hướng ra ngoài từ đây sang đó (the eyes that look out from here to there).

Con Mắt của Linh Hồn

Đây là cách nói nội môn về con mắt thứ ba. Đôi khi còn được gọi là Con Mắt của Linh Thị (Eye of Vision), đó là một cơ quan tinh thần của nhận thức hỗ trợ linh thị siêu việt. Qua nó, người đệ tử có khả năng cảm nhận tính hợp nhất cơ bản và những phẩm tính nền tảng của sự đa dạng của những hình tướng bên ngoài. Nó làm điều này qua mối liên hệ mật thiết giữa nó với rung động của bác ái và minh triết được phát ra bởi linh hồn. Con Mắt Linh Hồn do đó liên quan mật thiết với khía cạnh thứ hai. Cũng chính qua con mắt nội tâm này mà linh hồn truyền thông hướng dẫn cho người đệ tử.

Con Mắt của Chân Thần

Qua con mắt này, chân thần có thể vận dụng ý chí thiêng liêng của nó để hỗ trợ mục đích của đạo viện và Hành Tinh Thượng Đế. Trong khi Con Mắt của Linh Hồn xuất hiện qua con mắt thứ ba được mở một phần, thì Con Mắt của Chân Thần (cũng được gọi là Con Mắt của Shiva) biểu thị rằng nó giờ đây đã mở ra trọn vẹn. Nhờ đó, nó có quyền năng vận dụng năng lượng hủy diệt đễ hỗ trợ những kiến tạo mới mẻ và tiến hóa. Nó cũng làm cho vị điểm đạo đồ (hay chân sư) nhìn thấy sâu sắc hơn vào hình tướng, không chỉ cảm nhận những phẩm tính đang tìm cách biểu đạt thông qua nó, mà còn để nhận thức một cách lý trí. Trong khi cả hai Đôi Mắt của Phàm Ngã và Con Mắt của Linh Hồn đều hỗ trợ sự tiến hóa của tâm thức (thấp hơn và cao hơn tương ứng), Con Mắt của Chân Thần siêu việt tâm thức. Về cơ bản, nó là tác nhân của chính bản thân Sự Sống và tương ứng với khía cạnh thứ nhất trong cấu tạo con người.

Con Mắt Thứ Ba - Tác Nhân Điều Hướng của Linh Hồn

Một trong những vai trò quan trọng nhất của con mắt thứ ba đó là nó hoạt động như chiếc đèn hiệu dẫn đường trong đời sống. Khi một người thực sự nỗ lực sống với những thúc đẩy của linh hồn, lúc đó sẽ xuất hiện một cảm giác rằng cuộc sống phải được định hướng khác đi. Thường thì nó dựa trên một nhận thức ngày càng tăng rằng những động cơ được xã hội ủng hộ không còn hấp dẫn nữa. Những động cơ này thường mang tính vật chất và chủ yếu hấp dẫn với phàm ngã. Nhưng, được dẫn dắt bởi linh hồn có nghĩa là sống cuộc đời theo những cách mà thường có vẻ như đi ngược lại với những gì xã hội khuyến khích. Nói một cách ẩn dụ là giống như bơi ngược dòng. Khi con mắt thứ ba bắt đầu thức tỉnh khỏi giấc ngủ lịch sử của nó, tầm nhìn và ý nghĩa cuộc sống bắt đầu tái định hướng theo lối này.

Chẳng hạn như, ham muốn giàu có, thỏa mãn cá nhân, quyền lực và danh vọng là những động lực chủ chốt định hình nền văn hóa và thái độ của đa số về đời sống. Tuy nhiên, khi con mắt thứ ba bắt đầu mở ra, sức mạnh lôi kéo của những thúc đẩy xã hội này bắt đầu suy yếu. Sống cuộc đời theo một cách khác trở thành một thôi thúc mạnh mẽ. Một cảm thức về trách nhiệm vì phúc lợi của toàn thể rộng lớn (hơn là chỉ nghe theo những cám dỗ của phàm ngã) trở thành động cơ cao quý hơn điều khiển đời sống một người. Trong quá trình này, những ham muốn của phàm ngã nhường chỗ cho tầm nhìn thiên khải và mục đích cao cả hơn được truyền tải bởi linh hồn. 

Làm sống động các luân xa cho nỗ lực sáng tạo

Con mắt thứ ba hỗ trợ nhiều khía cạnh chương trình sáng tạo của linh hồn. Bên cạnh việc hỗ trợ người đệ tử cảm nhận đúng đắn định hướng cho những nỗ lực sáng tạo của mình, nó cũng cung cấp năng lượng cho các luân xa cần thiết để làm điều này. Nói cách khác, dưới sự hướng dẫn của linh hồn, con mắt thứ ba có thể kích thích đúng đắn về mặt năng lượng các luân xa đặc thù cần để mang tới những ý tưởng sáng tạo của nó. Chẳng hạn như, nếu biểu hiện bên ngoài của minh triết linh hồn đòi hỏi một sự nâng cao phẩm tính của tình thương như thiên tính Christ, dưới sự định hướng của linh hồn, con mắt thứ ba hướng đến luân xa tim. Bằng cách làm như vậy, nó thổi sự sống và sức sống mới mẻ vào luân xa tim, nhờ đó khơi dậy sự phát tỏa của luân xa này.

Nhận thức về tính nhị nguyên

Những thiên khải được chuyển tải bởi linh hồn qua con mắt thứ ba trình bày cho người đệ tử một bức tranh rộng lớn hơn và sâu sắc hơn về đời sống và những sự kiện bên ngoài. Chúng mang đến một góc nhìn rộng lớn hơn về chính cuộc tiến hóa và giúp chúng ta nhận ra rằng tất cả những gì chúng ta nhận thức đang tiến hóa. Cho dù chúng ta đang nói tới một con người, một hệ thống xã hội hay một giới trong tự nhiên, mỗi thực thể đều đang nỗ lực hướng đến một trạng thái hiện hữu cao hơn. Nhờ linh thị của con mắt thứ ba, mọi thứ được nhận ra trong bản chất nhị nguyên của chúng - bên trong và bên ngoài, vi tế và thô trược. Mọi thứ bắt đầu được nhìn thấy như là một hòa trộn giữa ánh sáng và bóng tối, giữa linh hồn trong mối quan hệ với những khuynh hướng của phàm ngã. Ở đây ta thấy chìa khóa cho hiểu biết về cách con mắt thứ ba định hình nhận thức. Nó tiết lộ cho người đệ tử sự khác biệt giữa hình tướng được biểu hiện và năng lượng thiêng liêng tìm cách biểu đạt qua hình tướng. Cuối cùng thì, mọi thứ được nhận ra như là Sự Sống đang nỗ lực tự biểu đạt qua hình tướng, và làm vậy ở những cấp độ thay đổi khác nhau của sự thuần khiết và sự biến dạng.

Nhìn với đôi mắt dịu dàng

Qua ánh nhìn của con mắt thứ ba, người đệ tử có thể nhìn vượt ngoài hình tướng để cảm nhận những năng lượng sống động làm sinh động nó. Trong khi đôi mắt trần của phàm ngã chỉ nhìn thấy hình tướng và sự kiện (và bị thu hút hay đẩy lùi bởi chúng), thì linh hồn nhìn thấy tính thiêng liêng ẩn giấu bên trong mọi hình tướng và hoàn cảnh. Nhưng linh hồn chỉ có thể thành công khi nó có thể thuyết phục phàm ngã ngừng phán xét, vì phàm ngã có khuynh hướng chia rẽ nên nó dễ phán xét những gì nó nhìn thấy. Khuynh hướng này cản trở cái thấy vi tế (được truyền tải bởi con mắt thứ ba) được ghi nhận bên trong tâm trí.

Một trong những cản trở lớn nhất đối với linh hồn là khuynh hướng của phàm ngã hay phán xét quá sớm điều gì đó là tốt hay xấu, đúng hay sai. Hành vi này ngăn chặn cái thấy sâu sắc hơn của con mắt thứ ba. Về cơ bản, linh thị của linh hồn biến mất khi phàm ngã nhanh chóng đưa ra sắc lệnh phán xét của nó. Thay đổi điều này chắc chắn thật khó khăn. Nó liên quan đến việc từ từ thuyết phục phàm ngã rằng nó không bao giờ nhìn thấy sự thật trọn vẹn mà chỉ là một mảnh của sự thật. Thêm vào đó, việc nuôi dưỡng một trái tim yêu thương và tha thứ cũng hữu ích để làm giảm bớt thôi thúc phán xét của phàm ngã. Qua thời gian, cả hai cách tiếp cận này có thể cung cấp cho phàm ngã một cảm thức khiêm tốn cần thiết. Nói một cách ẩn dụ, con mắt thứ ba hoạt động khi chúng ta nhìn cuộc đời với ánh mắt dịu dàng.

Con mắt thứ ba và nhận thức về thời gian

Khi con mắt thứ ba hoạt động, một mối quan hệ với thời gian cũng bắt đầu quy định tâm thức một người. Từ quan điểm nội môn, nhận thức thời gian của chúng ta được tạo ra bởi những thay đổi từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác diễn ra trong tâm thức. Ở mỗi khoảnh khắc vi mô, tâm thức ở trong một cấu hình khác biệt chút ít. Kết quả của điều này là nhận thức về thời gian. Tuy vậy, khi linh hồn đang góp phần vào trải nghiệm trí tuệ của một người, nó thấm nhuần cái trí với một kiểu mẫu nhận thức khác biệt liên quan đến thời gian. Ta bắt đầu nhìn thời gian theo những đơn vị lâu dài hơn. Trong khi phàm ngã có thể bận rộn với điều đang diễn ra trong vài ngày, vài tuần hay vài tháng tới, cái thấy của linh hồn dẫn dắt chúng ta suy tư trên phương diện nhiều năm, nhiều thập kỷ, và thậm chí hàng thế kỷ.

Con mắt thứ ba thêm chiều sâu vào nhận thức con người, do đó hỗ trợ những thiên khải đến từ linh hồn hay Đạo Viện sâu thẳm bên trong. Nó mang tri kiến thiên khải vào sự thật nằm sau hậu trường. Cái thấy của linh hồn là cái hướng dẫn chúng ta sống một dạng đời sống mới mẻ và khác biệt. Nó giúp chúng ta nhận thức những sự kiện thế giới trong một ánh sáng mới, và với minh triết lớn lao hơn. Thông qua cái nhìn của nó, tính nhất thể của nhân loại có thể được nhìn thấy, và từ cái thấy đó, một cam kết phụng sự cho toàn thể rộng lớn hơn xuất hiện. Người phụng sự cho việc nâng đỡ nhân loại tiến bước tới.

Nguồn tài liệu: William A. Meader, Supernal Light, A Compendium of Esoteric Thought, Emergent Light, 2022

Link file pdf: https://tinyurl.com/thienkhaitt




Sunday 21 April 2024

Hội nghị MFVN - Wesak 2024

CÁC BÀI CHIA SẺ TẠI CHƯƠNG TRÌNH HỌP LỄ WESAK 2024 MFVN ngày 21/04/2024

Playlist: https://tinyurl.com/MFVNWesaklist2024

Link các bài trình bày (pdf): https://tinyurl.com/MFVNWesak2024
 

1. GIỚI THIỆU VỀ LỄ WESAK

Người trình bày: Nguyễn Dạ Trinh Lan

Wesak là khoảng thời gian thiêng liêng nhất trong năm, thời gian khi mà ta có thể cảm thấy ở dưới mọi hiện tượng là sự hội tụ các năng lượng vĩ đại của các hành tinh, các Cung, của chòm sao Taurus, cũng như của các mãnh lực giác ngộ lớn mang lại sự khai ngộ ngày càng tăng cho Nhân loại. Vì vậy, đây là cơ hội chính cho mỗi cá nhân có khuynh hướng tinh thần, và với sự cảm nhận của năng lượng ngày càng tăng, tất cả chúng ta đều hi vọng làm sâu sắc hơn tâm thức thiêng liêng.

Chân sư D.K nhấn mạnh vào tầm quan trọng của Lễ hội này không chỉ với riêng cá nhân trên con đường tự hoàn thiện hữu thức mà còn đối với công việc phụng sự chung của những người học Đạo để góp phần mang ánh sáng xuống trần gian.

Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về Lễ Wesak để có thể tham gia một cách hữu thức vào hồng ân trăng tròn. Điều này sẽ giúp chúng ta kết nối năng lượng nhóm và đón nhận nguồn cảm hứng tinh thần để tiến bước trên đường Đạo trong nguồn ánh sáng linh thiêng của lễ Wesak.

2. GIỚI THIỆU VỀ ĐẠI KHẤN NGUYỆN
Trình bày: Nhóm Kim Ngưu (Cô Bùi Thị Kim Thư, Nguyễn Ngọc Khánh, Vũ Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Điệp, Nguyễn Quang Vũ, Nguyễn Thùy Linh, Thái Thị Tú Anh)

Lời Đại Khấn Nguyện III (The Great Invocation) hoàn chỉnh như ta thấy ngày nay được Chân sư D.K. giới thiệu cho toàn thể nhân loại từ năm 1945. Ngày nay nó đã được dịch ra 70 tiếng trên thế giới, và hằng ngày có hằng triệu người sử dụng nó trong các buổi tham thiền. Nếu Bạn sử dụng nó Bạn đang góp phần đắc lực cho việc thể hiện Thiên Cơ trên thế gian.

Bài trình bày nêu rõ Nguồn gốc và thời điểm trao truyền ĐKN, ý nghĩa và hiệu ứng của ĐKN. Thày Hiệu trưởng M.D.R. nhắc chúng ta rằng ”…và Đại Khấn Nguyện chỉ có hiệu quả nếu được dùng trên cõi trí và với sức mạnh của thể trí được kiểm soát – được tập trung vào ý định và ý nghĩa của chúng – đằng sau nỗ lực xướng ra. Bấy giờ, chúng trở nên mạnh mẽ. Khi được thốt ra với sức mạnh của linh hồn cũng như với sự chú ý có định hướng của thể trí, chúng tự động trở nên có hiệu quả mạnh mẽ.”

3. CHIA SẺ VỀ ĐỨC PHẬT

Chú Trân Châu chia sẻ

Trong mấy ngàn năm qua, hai Đấng cao cả, Đức Phật và Đức Christ, là những tấm gương sáng chói ở cả Đông và Tây. Vào kỳ Lễ Wesak, điều hữu ích là nêu lên một số bài học từ cuộc đời Đức Phật, để những người chí nguyện có thể nghiên cứu, chiêm nghiệm và áp dụng được ngay.

4. KỸ THUẬT TÍCH HỢP CUNG 1
Thầy Lâm Văn Kiệt giảng

Tiếp nối bài trình bày của tháng trước về Kỹ thuật tích hợp cung 1 (ACRLI)

Giới thiệu về Ashoka Đại Đế (A Dục vương) – một nhân vật lịch sử – người có linh hồn cung 1. Ông là vị vua thứ ba của vương triều Ma-gát-đa, trị vì Ấn Độ từ năm 273 đến 232 trước CN. Là một trong những hoàng đế kiệt xuất trong lịch sử Ấn Độ, Ashoka đã toàn thắng trong loạt các cuộc chinh phạt và cai trị phần lớn vùng Nam Á, từ Afghanistan cho đến Bengal hiện nay và đi sâu đến miền Nam tận Mysore. Về sau ông đã quy y Tam bảo và hoằng dương giáo pháp nhà Phật ra khắp châu Á. Ông cũng thiết lập các di tích đánh dấu nhiều địa danh quan trọng trong cuộc đời truyền pháp của Phật tổ Thích-ca Mâu-ni.(Wikipedia)

5. THIÊN KHẢI TINH THẦN (Spiritual Revelation)
Trình bày: Phạm Thùy Dương

Thiên khải tinh thần và sự tiến hóa song hành cùng nhau theo thời gian, như hai mặt của một đồng xu. Sự tiến hóa của tâm thức con người không gì khác hơn chính là một sự thiên khải liên tục khai mở diễn ra qua thời gian dài rộng. Câu chuyện về tâm thức con người là câu chuyện về ánh sáng. Chúng ta tìm cách “soi sáng” một vấn đề để tìm kiếm tri kiến hay hiểu biết mới. Mọi biểu đạt của ánh sáng đều mở tâm thức con người ra với những tầm nhìn mới mẻ của sự thấu hiểu và minh triết. Ánh sáng soi chiếu những lĩnh vực chưa được biết tới của bản thể, do đó làm hiển lộ ngày càng nhiều hơn thiên tính của chính chúng ta. Như vậy, ánh sáng và sự thiên khải là không thể tách rời. Ánh sáng là nguyên nhân, trong khi sự thiên khải là kết quả của nó.

Trong bài chia sẻ này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những dạng ánh sáng thiên khải, các giai đoạn thiên khải, và con mắt thứ ba như là tác nhân thiên khải của linh hồn.

6. DỤC VỌNG – NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ BIỂU LỘ
Trình bày: Lê Hoàng Quốc Khánh

Dục vọng là những trạng thái tinh thần được thể hiện bằng những thuật ngữ như “ham muốn”, “ao ước” hay “khao khát”(Wikipedia). Trong Minh triết, dục vọng được hiểu như là đặc tính cơ bản nhất của thể cảm dục của con người. Trong những giai đoạn thấp, dục vọng giúp cho sự khai mở của thể cảm dục và giúp chúng đạt đến sự hoàn chỉnh với những trạng thái cảm xúc tinh tế. Nhưng sau đó, trên con đường tiến hóa, khi con người học cách vượt qua thể cảm dục để trụ lại trong bản chất trí tuệ, dục vọng của phàm ngã cần được thay thế bởi những khát vọng tinh thần.

Bài trình bày này sẽ tập trung vào hai khía cạnh là Bản chất của dục vọng và Các giai đoạn của dục vọng trong quá trình tiến hóa.

THIỀN VỀ LỄ WESAK CỦA NHÓM TRỊ LIỆU NỘI MÔN 
Cô Nicole giảng và dẫn thiền (phiên dịch song song)



Friday 19 April 2024

Nhận biết và khắc phục ảo cảm - Buổi 18. Thư Chân Sư D.K. gửi đệ tử W.D.B

Host: Trần Thị Mai Yến

Ngày 18.04.2024

---

Các buổi học nhóm chủ đề "Nhận biết và khắc phục ảo cảm" được record và cập nhật tại playlist: http://tinyurl.com/ndkpaocamlist

Folder chứa files các bài trình bày: http://tinyurl.com/ndkpaocam

Tài liệu tham khảo chính: Tiểu luận QU1 của Đoàn Thu Nguyệt: https://www.minhtrietmoi.org/WPress/nhan-biet-va-khac-phuc-ao-cam-noi-nguoi-chi-nguyen-de-tu/

Link chuỗi các bài giảng của Thầy Lâm Văn Kiệt về Ảo Cảm trên Youtube: https://tinyurl.com/baigiangThayLamVanKiet




Thursday 18 April 2024

Xua tan ảo cảm và ảo tưởng (Buổi 3)

Loạt chuyên đề "Xua tan Ảo cảm và Ảo tưởng" do Cô Jo Walz giảng cho nhóm học viên Việt Nam tại trường Morya Federation.

Link playlist: https://tinyurl.com/playlistdgdi

Link file (pdf): https://tinyurl.com/DGDI2024



Tuesday 16 April 2024

Các Căn Chủng - Lịch sử tiến hóa tâm thức nhân loại

Trái đất của chúng ta có một lịch sử lâu dài, và một tương lai tinh thần rộng lớn. 

Ẩn sâu trong ký ức hay tâm thức tập thể của nhân loại là những truyền thuyết và huyền thoại về các vùng đất và lục địa đã từng tồn tại, như là Lemuria và Atlantis với nền văn minh đã vươn lên những tầm cao vĩ đại và sau đó lại rơi vào cát bụi của lịch sử. Nhân loại đã trải qua nhiều nền văn minh khác nhau trong quá khứ và sẽ xây dựng nhiều nền văn minh khác trong tương lai. 

Với những công cụ hạn chế của khoa học hiện đại, lịch sử đã bị rút gọn thành một dải hẹp không đủ giải thích những khoảng thời gian rộng lớn cần thiết để phát triển hình tướng và tâm thức loài người. Khoa học hiện đại giải thích sự xuất hiện của loài người là kết quả của các sự kiện hóa học và đột biến ngẫu nhiên. Khả năng xảy ra điều này rất mong manh đến nỗi các nhà khoa học coi sự tiến hóa của loài người không khác gì một phép lạ. Ngược lại, các giáo lý bí truyền cho rằng “phép lạ” này thực sự là công việc của các lực lượng tự nhiên với sự hỗ trợ của những sinh mệnh trí tuệ. Những trí thông minh hướng dẫn quá trình tiến hóa này đã được công nhận trong tất cả các truyền thống tôn giáo trong quá khứ như là các vị thần, thiên thần, chư thiên, v.v. 

Mặc dù chấp nhận sự tham gia của thần linh nhưng triết học nội môn không ủng hộ quan điểm thuyết sáng tạo. Nó đồng ý với thuyết tiến hóa, mở rộng nó ra ngoài thế giới vật chất vào các lĩnh vực trí tuệ và tinh thần. Tuy nhiên, sự tiến hóa này không phải là mù quáng, ngẫu nhiên hay không có mục đích mà có những mục tiêu rõ ràng và những sinh mệnh thông minh hướng dẫn cuộc tiến hóa không phải hoàn hảo mà bản thân họ cũng đang tiến hóa. Chủ đề nội môn này liên quan đến những giai đoạn phát triển các đặc tính tâm thức trải qua hàng triệu năm. 

Giáo lý minh triết ngàn đời (the Ageless Wisdom) nói rằng nhân loại phát triển thông qua bảy chu kỳ tiến hóa vĩ đại, được gọi là “7 căn chủng”. Mỗi thời kỳ này nhân loại phát triển trên các lục địa khác nhau. Vào cuối mỗi căn chủng, có một biến động địa chất toàn cầu làm thay đổi bề mặt trái đất. Vì những thay đổi lục địa này, phần lớn tàn tích của các căn chủng trước đây hiện đang ở dưới đại dương.

Nhân loại có nhận thức đầu tiên giống như những gì chúng ta biết ngày nay là căn chủng thứ ba, bắt đầu từ hơn 18 triệu năm trước. Các Căn Chủng đại diện cho 7 giai đoạn chính trong sự tiến hóa tâm thức của nhân loại. Tâm thức biểu hiện qua hình tướng đã tiến hóa để mang những thay đổi trong trạng thái nhận thức. 

Các giai đoạn chi phối sự tiến hóa chịu ảnh hưởng bởi con số 7. Mỗi chu kỳ căn chủng (rootrace) của nhân loại lại được phân thành 7 phân chủng hay phụ chủng (subrace). Mỗi phụ chủng lại được tiếp tục phân chia thành 7 chi chủng hay nhánh dân (branchrace), và các nhóm theo quốc gia xuất phát từ đó. 

Hai căn chủng đầu tiên hoàn toàn ở cõi nội giới, biểu hiện cho tiến trình giáng xuống của những khía cạnh định hình trí tuệ con người. Toàn thể nhân loại đang tiến triển qua chu kỳ hay giai đoạn thành tựu thứ 5 của nó (hoặc là thứ 3 từ góc độ ngoại hiện hồng trần), đó là Căn Chủng Aryan. Mầm mống phôi thai của phụ chủng thứ 6 đang dần xuất hiện. Các ghi chép nhân chủng học, lịch sử và thậm chí cả thời tiền sử, đều thuộc về căn chủng hiện tại của chúng ta, tức là căn chủng thứ 5. Đồng thời, những người mang những đặc tính của Căn Chủng thứ 6 sẽ xuất hiện trong kỷ nguyên mới phía trước. Căn Chủng thứ 7 còn quá xa vời trong tương lai để xem xét về những đặc tính của nó.

Vì con số 5 liên quan đến cõi trí và sự phát triển của thể trí, chúng ta thấy rằng sự nhấn mạnh chính của Căn Chủng Aryan là vào sự phát triển trí tuệ, trong khi phụ chủng thứ 6 sẽ phát triển chủ yếu nhận thức bồ đề. 

Ba Căn chủng đầu tiên chúng ta đi xuống vào vật chất. Căn chủng đầu tiên đánh dấu sự khởi đầu cuộc hành trình của chúng ta trên Trái đất, nơi chúng ta bắt đầu với tư cách là những sinh vật dĩ thái. Trong căn chủng thứ 2 và thứ 3 Lemuria, chúng ta trở nên gắn bó hơn với Trái đất và đời sống vật chất. Mục tiêu tiến hóa của 3 căn chủng đầu tiên là sự neo giữ vào cõi hồng trần và điều hợp thể xác. 

Căn chủng thứ 4 Atlantis là bước ngoặt ở giữa với sự tách biệt mạnh mẽ nhất. Chính tại đây, sự tiến hóa giáng hạ và thăng thượng, Tinh thần và Vật chất, Thiện và Ác, cùng tất cả các nhị nguyên khác tranh giành quyền thống trị với sức mạnh ngang ngửa. Mục tiêu tiến hóa của căn chủng thứ Atlantis là phát triển thể cảm dục.

Mục tiêu phát triển của căn chủng thứ 5 Aryan là trí tuệ. 

Mục tiêu phát triển của căn chủng thứ 6 là trực giác.

Mục tiêu phát triển của căn chủng thứ 7 là ý chí tinh thần.

Ba Căn chủng cuối cùng là phía thăng thượng tiến hóa, theo hướng Tinh thần, kết thúc với nền văn minh của căn chủng thứ 7, nơi chúng ta sẽ trở lại trạng thái dĩ thái hơn—giống như chúng ta đã bắt đầu. 

"Các biến cố có bản chất rộng khắp thế gian sẽ xảy ra trong khoảng 1.000 năm sắp tới; các lục địa sẽ bị rung chuyển; đất đai sẽ được nâng lên và chìm xuống, cao điểm của tai ương cõi hồng trần nặng nề sẽ xảy ra trên thế gian vào cuối chi chủng thứ 4 của phân chủng thứ 6 [5.6.4]. Điều này sẽ khai sinh ra căn chủng thứ 6."

~ Chân Sư D.K qua Alice Bailey, Luận về Lửa Vũ Trụ, 467 

“Năm nhóm Linh Hồn trên trái đất

1. Các Chân Ngã Lemuria - Nhân Loại Địa Cầu thật sự của chúng ta.

2. Các Chân Ngã đã đến ở thời kỳ Atlantis.

3. Các Chân Ngã của dãy Nguyệt Cầu từ mặt trăng.

4. Các Chân Ngã từ các hành tinh khác.

5. Các Chân Ngã hiếm có và cao cấp đang chờ lâm phàm.”

~ Chân Sư D.K qua Alice Bailey, Tâm lý học nội môn 2, 201 

Tài liệu tham khảo và file trình bày (pdf): https://tinyurl.com/rootraces 

Link playlist: https://tinyurl.com/learningjourneyvn













Sunday 7 April 2024

Nhận biết và khắc phục ảo cảm - Buổi 17. Thư Chân Sư D.K. gửi đệ tử D.A.O

 

Host: Nguyễn Thùy Linh

Ngày 06.04.2024

---

Các buổi học nhóm chủ đề "Nhận biết và khắc phục ảo cảm" được record và cập nhật tại playlist: http://tinyurl.com/ndkpaocamlist

Folder chứa files các bài trình bày: http://tinyurl.com/ndkpaocam

Tài liệu tham khảo chính: Tiểu luận QU1 của Đoàn Thu Nguyệt: https://www.minhtrietmoi.org/WPress/nhan-biet-va-khac-phuc-ao-cam-noi-nguoi-chi-nguyen-de-tu/

Link chuỗi các bài giảng của Thầy Lâm Văn Kiệt về Ảo Cảm trên Youtube: https://tinyurl.com/baigiangThayLamVanKiet





Wednesday 3 April 2024

Khoa Học về các Mối Quan Hệ - Buổi 3

Loạt chuyên đề "Khoa Học về các Mối Quan Hệ - Nền Tảng của Khoa Chiêm Tinh Học Mới" do Cô Jo Walz giới thiệu cho nhóm học viên Việt Nam tại trường Morya Federation.

Link folder các slides: https://tinyurl.com/SciRel2024

Link playlist của chuỗi chuyên đề "The Science of Relations": http://tinyurl.com/9relations