Tuesday 10 May 2022

Tấm Thảm của Thượng Đế


Nhóm học viên Việt Nam hân hạnh giới thiệu với các bạn bản dịch các chương đầu sách Tấm Thảm Của Thượng Đế (Tapestry of the Gods) của tác giả Giáo sư Michael D. Robbins, Hiệu trưởng trường Nội môn Morya Federation. Cuốn sách này được ví như sách giáo khoa về 7 cung dành cho các sinh viên muốn đi sâu nghiên cứu về tâm lý học nội môn và huyền linh học. 

Bộ sách “Tấm Thảm của Thượng Đế” nhằm giúp các học viên của Minh Triết Ngàn Đời khám phá và truyền tải được bản sắc tinh thần thực sự của mình. Môn khoa học sâu sắc về tâm lý học nội môn này truyền tải một thông điệp tuyệt vời và súc tích về giá trị nền tảng cho tất cả những ai khao khát sống một cuộc sống hoà nhập với linh hồn:

HÃY LÀ CHÍNH MÌNH

Hai tập đầu tiên của sách “Tấm Thảm của Thượng Đế” gồm bảy phần, nhằm cung cấp cho học viên hai phương pháp tiếp cận—lý thuyết và thực tiễn—đối với khoa học về Bảy Cung.

BẢY CUNG: MỘT CHÌA KHOÁ NỘI MÔN ĐỂ HIỂU VỀ BẢN CHẤT CON NGƯỜI

Mỗi chúng ta đều có một mục đích sống độc nhất. Có một điều gì đó chúng ta phải là, một điều gì đó chúng ta phải làm. Mỗi người trong chúng ta đều có (hay đúng hơn là) một nguyên mẫu tinh thần phải được thể hiện trong thời gian và không gian nếu thiết kế nguyên mẫu tuyệt đẹp và không diễn tả nổi này do “Kiến Trúc Sư Vĩ Đại Của Vũ Trụ” tạo nên được biểu hiện như chủ đích thiêng liêng. Tất cả chúng ta đều là những bộ phận hợp thành và không thể tách rời của một THỰC THỂ vĩ đại bao gồm tất cả, và đều có mục đích hợp tác trong các mục đích sáng tạo của NÓ bằng cách thể hiện bản chất nguyên mẫu của chúng ta.

Tuy nhiên, ở giai đoạn tiến hóa hiện tại, chúng ta dễ dàng quên rằng mỗi chúng ta, về cơ bản, làmột nguyên mẫu tinh thần. Những thế giới cao hơn không dễ dàng tiếp cận với tâm thức được điều hòa bởi não bộ, và ngay cả trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của chúng ta, chúng ta cũng dễ dàng nghĩ đến việc có một nguyên mẫu tinh thần hơn là chính nguyên mẫu ấy. Mặc dù sự khác biệt này rất cần thiết về mặt triết học, chúng ta không cần quá lo về nó miễn là chúng ta học cách nhận biết và biểu hiện nguyên mẫu tinh thần đó.

Trong tất cả các mục đích mang lại sức sống cho con người, mục đích sâu xa nhất là thể hiện nguyên mẫu tinh thần của chúng ta. Về mặt nội môn, nguyên mẫu tinh thần đó (là bản sắc thực sự, mang tính cá nhân, dù không phải là tối thượng của chúng ta), có thể được coi là một kiểu mẫu tinh tế của các năng lượng khác biệt (mà theo Truyền thống Minh triết Ngàn Đời, trong “Thế Giới Trở Thành,” [bao gồm tất cả các chiều không gian hay các “cõi” mà tâm thức của con người tiến hóa hiện nay có thể nhận thức được,] không có gì ngoài năng lượng, và tất cả mọi thứ đều là một kiểu mẫu của năng lượng đó trong vô số sự khác biệt và kết hợp của nó). Kiểu mẫu nguyên mẫu, tinh thần, cá nhân của chúng ta là một phần của Kiểu mẫu Thiêng Liêng đang trong quá trình biểu lộ thông qua các phương tiện nằm trong Kế Hoạch Thiêng Liêng.

Mặc dù nhiệm vụ khám phá cội nguồn vũ trụ tối cao về bản sắc và mục đích cá nhân của chúng ta bao gồm nhiều suy nghĩ trừu tượng về những cân nhắc sâu xa (và thực sự vượt xa khả năng hiện tại của chúng ta), nhiệm vụ trước mắt của mỗi chúng ta rất đơn giản để hiểu, nhưng có thể khó hoàn thành. Chúng ta cần ý thức một cách đơn giản về kiểu mẫu năng lượng riêng biệt của mình, sống đúng với kiểu mẫu đó, rồi chính thức trở thành nó trong thực tế, con người và những gì mà chúng ta thực sự là từ trong bản chất.

Niềm vui và trách nhiệm tinh thần lớn nhất của chúng ta là trở về với con người thật của chính mình, nghĩa là thể hiện đầy đủ nguyên mẫu tinh thần của chúng ta — kiểu mẫu tinh thần của chúng ta, bản sắc tinh thần của chúng ta. Các nhà tâm lý học nội môn (là những người học và người thực hành khoa học về linh hồn) cũng có thể áp dụng một câu mantram thiết yếu sẽ có giá trị mạnh mẽ đối với tất cả các học viên và khách hàng của họ: Hãy Là Chính Mình.

Thật không may, phần lớn chúng ta, ngay cả khi chúng ta tương đối thông minh, không nhận ra kiểu mẫu thực sự của bản sắc tinh thần của mình, cũng như không thực sự nhận ra vị trí và nhiệm vụ của mình trong hệ thống lớn hơn của vạn vật. Chúng ta thường thậm chí không nhận ra kiểu mẫu về bản sắc cá nhân của mình (là kiểu mẫu nhỏ hơn phải được áp đặt lên bởi kiểu mẫu tinh thần). Do đó, cảm giác thông thường của chúng ta về vấn đề bản sắc này là vô cùng hạn chế. Tên, chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo, hoàn cảnh gia đình, một vài mối quan hệ cá nhân và nhóm, cũng như thiên hướng và sở thích của chúng ta trên cuộc đời này thường định hình giới hạn quan niệm về bản thân mình. Nếu chúng ta làm việc dưới sự hạn chế của tâm thức như vậy, câu trả lời cho câu hỏi muôn thưở — “Tôi là ai?” — sẽ không chính xác và gây nhầm lẫn.

Theo một nghĩa nào đó, nếu chúng ta có tư duy triết học, chúng ta đã biết mình là ai: chúng ta là CÁI DUY NHẤT, vì không có gì khác, và không có bản sắc nào khác ngoài BẢN SẮC đó. Nhưng trong giai đoạn “thở ra” của Manvantara, bản sắc được cá nhân hóa (có thể được gọi là ‘bản sắc cụ thể‘) thực sự tồn tại và (cho tất cả các mục đích thực tế) phải được coi là bản sắc thực sự của bất kỳ thực thể nào — đích thực, ít nhất là trong thời gian và không gian.

Để đạt được ý tưởng chính xác hơn về con người thực sự của mỗi cá nhân, chúng ta phải hiểu chính bản thân chúng ta về mặt năng lượng (không có nghĩa là, theo định nghĩa thông thường về năng lượng mang tính vật chất). Rất khó để đi đến bất kỳ định nghĩa cuối cùng nào về năng lượng. Theo một nghĩa cuối cùng, khái niệm năng lượng có liên quan mật thiết với khái niệm hiện hữu, một khái niệm rất cơ bản, khó có thể hiểu hết được, và gần như không thể định nghĩa được. Hiện hữu là Sự sống cốt yếu, và Sự sống vượt qua mọi sự phân chia và ngăn cách, và do đó nó đi ngược lại định nghĩa (vì định nghĩa dựa trên quá trình tạo ra sự khác biệt về mặt tinh thần—cũng là sự ngăn cách). Tuy nhiên, đối với các mục tiêu thực tiễn, có một số cách hiểu về năng lượng rất có ý nghĩa về mặt triết học — những cách có thể có giá trị đối với nhà tâm lý học nội môn.

***

Tấm thảm của Thượng Đế được dự định gồm 10 tập. Tập I và II được dành trọn cho việc nghiên cứu kỹ lưỡng các hàm ý về tâm lý của khoa học bảy cung. Tất nhiên, vẫn còn có nhiều khía cạnh về các hành tinh, thái dương hệ, vũ trụ đối với khoa học bảy cung nằm ngoài phạm vi tâm lý con người. Có lẽ sẽ thật sáng suốt khi bắt đầu từ con người, cố gắng tìm hiểu bảy cung theo phương diện con người, và áp dụng chúng vào các vấn đề của con người — đặc biệt là các vấn đề về tri thức/sự nhận biết Chân ngã và phát triển tinh thần. Nhân loại đang khát khao đạt được những hiểu biết về Chân Ngã (những kiến thức về linh hồn và mối quan hệ của nó với phàm ngã). Kiến thức này phụ thuộc vào sự thông hiểu về bảy cung. Và khi kiến ​​thức về bảy cung được phổ biến rộng rãi hơn, những người nam và nữ có tư duy sẽ sẵn sàng nhanh chóng đạt được tiến bộ trên Con đường Tinh thần.

Tập III và IV, với chủ đề về chiêm tinh học nội môn, sẽ vừa đơn giản hơn mà cũng vừa phức tạp hơn: đơn giản hơn, bởi vì các chòm sao và hành tinh là các nguồn ảnh hưởng năng lượng được xác định và định vị, và vị trí của chúng trong biểu đồ chiêm tinh có thể được xác định bằng các phương pháp toán học. Một cá nhân có thể dựng lá số chiêm tinh của mình một cách chính xác, miễn là biết chính xác thời gian và nơi sinh. Những tác động của thiên văn tại thời điểm sinh ra là không thể bàn cãi, các bản đồ thiên văn tiết lộ những ảnh hưởng này một cách chuẩn xác.

Tập V sẽ hoàn toàn thực tế và được biên tập như một cuốn cẩm nang dành cho các nhà tâm lý học/chiêm tinh học nội môn. Lịch sử của các trường hợp được nghiên cứu sẽ được nêu ra, và lý thuyết về cung và chiêm tinh sẽ được minh họa để ứng dụng trực tiếp vào cuộc sống của những người đang ở các giai đoạn khác nhau của quá trình chuyển hoá tâm lý và khai mở tinh thần. Nhiều cách thức mà những kiến thức về chiêm tinh và cung giúp cải thiện chất lượng của hai quá trình chuyển hóa và khai mở trên cũng sẽ được thảo luận một cách thấu đáo.

Từ lúc bộ sách Tấm thảm của Thượng đế này được lên ý tưởng vào năm 1986 thì quy mô của nó đã ngày càng mở rộng so với dự tính. 

Từ năm 1990, Thầy Michael Robbins đã viết, sáng tác (cùng với các học viên của mình) và thực hiện các bộ phim về nghi lễ âm nhạc dựa trên lịch sử và sự tiến hóa linh hồn của mười hai dấu hiệu hoàng đạo. Những tác phẩm này vừa mang âm hưởng thính phòng, vừa hàohùng, vừa có tính thiền mà vẫn mang tính nghi lễ đem đến cho người tham gia cơ hội tương tác về mặt thẩm mỹ với các năng lượng cung, hoàng đạo và hành tinh. Kết quả mang lại là một trải nghiệm trực tiếp và hấp dẫn về các năng lượng vi tế được gọi là các cung, dấu hiệu hoàng đạo và hành tinh.

Tập VII của Tấm thảm của Thượng Đế (gần hoàn thành vào tháng 1 năm 1996) mang tính triết học cao và được viết theo đường lối của Cung Ba và Cung Một. Chuyên luận nghiên cứu thấu đáo về bản chất của Thực tại và Bản sắc, cố gắng đưa Triết học Vệ Đà đến những kết luận logic và cấp tiến một cách đáng ngạc nhiên. Tập VII khám phá tính tất yếu hợp lý của nghịch lý, sẽ là mối quan tâm sâu sắc với những ai muốn đưa tư tưởng “chạm đến giới hạn” để theo đuổi cái bất sinh, bất diệt, và vô hạn. Lời dạy của Nhà Hiền Triết Sankaracharya (nhiều người ở Ấn Độ cho rằng ông là ‘hóa thân’ của thần Shiva) đã là nguồn cảm hứng cho cuốn sách này.

Tập VIII, IX và X.

Các Câu Hỏi và Trả Lời trong Huyền Bí Học Triết Học

Lời nói đầu: https://www.minhtrietmoi.org/WPress/tam-tham-cua-thuong-de-tap-i-loi-noi-dau/

Các chương của cuốn sách đang được cập nhật dần tại link: https://www.minhtrietmoi.org/WPress/

Link đến bản gốc tiếng Anh của bộ sách Tapestry of the Gods: http://www.makara.us/portal/?page_id=203



No comments:

Post a Comment