Sunday, 6 December 2020

Các giai đoạn của đường đạo - Con đường giải thoát

 



“Đừng nói rằng tôi đã tìm thấy con đường của Linh Hồn. Hãy nói, đúng hơn là, tôi đã tìm thấy Linh Hồn đang đi trên con đường của tôi.

Bởi vì Linh Hồn đi trên tất cả mọi con đường. 

Linh Hồn không đi trên một đường tuyến, cũng không mọc lên như một ngọn lau. Linh Hồn tự khai mở chính mình, như một bông hoa sen với vô số cánh hoa.”  

“Say not, I have found the path of the Soul.  Say rather, I have found the Soul walking upon my path.

For the Soul walks upon all paths.

The Soul walks not upon a line, neither does it grow like a reed. The Soul unfolds itself, like a lotus of countless petals.”

~ Kahlil Gibran

Khi bạn bước đi trên Đường Đạo một cách ý thức để khám phá bản chất thật sự của mình là ai, bạn phải bỏ đi tất cả những chướng ngại và phân tâm khiến bạn không nhìn thấy và hiểu biết rõ ràng. Đối với người tìm đạo trên con đường giải thoát, bạn sẽ đi qua những giai đoạn tiến hóa sau:

1. Con đường Thần Bí: con đường sùng tín, tận hiến với một người hay một lý tưởng, hoặc cả hai.

2. Con đường Dự Bị: con đường thanh luyện, thanh lọc tất cả những gì không phải thuộc Linh Hồn (Chân Ngã).

3. Các Giai Đoạn của Con Đường Đệ Tử: đại diện cho một cột mốc đối với người tìm đạo khi anh ta quyết tâm cam kết mạnh mẽ đi trên đường đạo của sự chuyển hóa nội tâm.

4. Giai Đoạn Điểm Đạo: đây là những sự kiện hiếm hoi xảy ra đối với một cá nhân khi anh ta phải đối mặt với một bước ngoặt (khủng hoảng) và phải chuyển dịch mô thức đến một cấp độ tâm thức mở rộng mới.

1. CON ĐƯỜNG THẦN BÍ - SÙNG TÍN (Mystical Path)

Con đường Thần Bí là con đường của chí nguyện và sùng tín với một người hay một lý tưởng. Chúng ta có thể thấy họ nhiều trong những tín đồ tôn giáo và họ có thể ở trong vị trí này qua nhiều kiếp sống. Họ cũng có thể là những nghệ sĩ, nhà thơ, kiến trúc sư. 

Các đặc điểm chính của một nhà thần bí đó là:

- Họ nhìn thấy viễn cảnh, có thể đạt tới những cõi cao cả hơn của tâm thức, nhưng không nhất thiết biết cách diễn đạt nó như thế nào, làm sao để quay trở lại với nó và không nhất thiết muốn biết nó là cái gì.

- Họ thường tập trung vào cảm xúc, cảm tính hơn là lý trí.

Cuối cùng thì một kiếp sống sẽ đến khi mà nhà thần bí muốn mở rộng tâm thức của mình và muốn biết về con đường của mình. Điều này sẽ thu hút anh ta vào trên Con Đường Dự Bị - con đường của sự thanh luyện. 

2. CON ĐƯỜNG DỰ BỊ (TẬP SỰ) - THANH LUYỆN & LẬP HẠNH 

“Dự bị - tập sự” ở đây mang ý nghĩa là Chân Ngã (Linh Hồn) của bạn có thể xem xét, đánh giá và dẫn dắt sự phát triển của bạn. Từ góc độ nội môn, đây chắc chắn là tiến trình khó khăn nhất phải đi qua. 

Trong giai đoạn này, Linh Hồn muốn phàm ngã phát triển và mở rộng. Người tìm đạo sẽ bước những bước nghiêm túc đầu tiên trên Con Đường Tinh Thần bằng cách bắt đầu thể hiện việc làm chủ những khuynh hướng cơ bản của bản chất cảm xúc và ham muốn vật chất. 

Qua thôi thúc của linh hồn (qua những ấn tượng và giấc mơ) người đi trên con đường dự bị có thiên hướng đưa mình ra ngoài vùng an toàn của bản thân, và mạo hiểm, như là vượt qua một thói quen gây nghiện hay đối mặt với một nỗi sợ trong nỗ lực để phát triển tinh thần. Đây là biểu thị của trách nhiệm học tập và thực hành tự chủ về suy nghĩ, cảm xúc và hành động, mở đường chuẩn bị cho những sự mở rộng lớn hơn nữa của tâm thức và công việc phụng sự. Làm chủ những khuynh hướng thấp như vượt qua những ảo cảm là một tiến trình thanh luyện liên tục có thể kéo dài qua nhiều kiếp sống.

Trong thời gian này, người môn sinh cũng bắt đầu nghiên cứu tinh thần và thiền. Thiền định sẽ giúp cân bằng và tích hợp tâm trí vào việc biểu đạt các phẩm tính của Linh Hồn và “suy nghĩ đúng đắn” (chánh tư duy - right thinking). 

Như vậy, cốt lõi là, Con Đường Dự Bị là giai đoạn thanh luyện để thiết lập một sự điềm tĩnh trong các thể thấp và bắt đầu thể hiện sự làm chủ:

- Thể trí - những suy nghĩ, tư tưởng và xác định động cơ của mình

- Thể cảm dục - bao gồm những ham muốn cảm xúc, phản ứng từ chối và thôi thúc

- Thể xác - loại bỏ chứng tham ăn, uống rượu hay bất cứ chất gây nghiện nào.

Thanh Luyện trên Con Đường Dự Bị là một khái niệm quan trọng trong hành trình tinh thần. Nó là một quá trình liên tục mà bạn sẽ phải tham dự vào cho đến tận Bậc Điểm Đạo thứ 4. Trong thời gian này, bạn sẽ đối mặt với những suy nghĩ và khuynh hướng tiêu cực khi chúng xuất hiện trong tâm thức của bạn… bởi vì sau tất cả, bạn đang thanh luyện tâm trí và thể cảm dục của mình khỏi bất cứ những gì KHÔNG thuộc về bản chất của Linh Hồn (Chân Ngã), bao gồm những ảo cảm và ảo tưởng.

Cụ thể là sẽ có những năng lượng hạn chế hay những khuynh hướng vô thức như nóng giận, ích kỷ và sợ hãi khiến bạn có thể gây tổn hại hay ngăn bạn không trải nghiệm được sự Nhất Thể (Oneness) và một sự chỉnh hợp hay tích hợp trọn vẹn với Linh Hồn.

Những năng lượng giới hạn này kết hợp với nhau tạo thành khuynh hướng gây tổn hại đến người khác và môi trường. Đây không chỉ là những phương tiện gây hại trực tiếp mà là những thứ vi tế như lòng tham, hành xử ích kỷ, thái độ gây hấn thụ động (passive-aggressive), lừa dối, thiếu tử tế hay lòng trắc ẩn, chỉ nghĩ đến bản thân “tôi” thôi, chỉ có “gia đình tôi”, “đảng phái chính trị của tôi”, “quốc gia, dân tộc của tôi”, v.v… Đó là những ví dụ của phàm ngã hành động tách rời với tâm thức của Chân Ngã (Linh Hồn).

Như một người chí nguyện trên con đường Dự Bị, phàm ngã đang làm việc trong những cõi vi tế để giúp bù lại những năng lượng gây tổn thương bằng năng lượng đối cực, ví dụ tính ích kỷ được thay thế bằng sự hợp tác, thiện chí hay tính vô tổn hại. 

Như một người chí nguyện trên con đường Dự Bị, bạn đang xây dựng nhân cách (character building - lập hạnh) và có một cảm thức trách nhiệm mới. Đây là một trong những minh chứng đầu tiên của sự tiếp xúc với Chân Ngã/Linh Hồn. Bạn thực hành tự chủ suy nghĩ, cảm xúc và hành động dọn đường cho những sự mở rộng vĩ đại hơn của tâm thức và công việc phụng sự. 

Lập Hạnh bao gồm:

- Học cách làm chủ Bản Thân trong suy nghĩ và hành động, ví dụ như vượt qua các chứng nghiện và thuần hóa bản chất phản ứng vô thức.

- Trở nên ý thức về các mãnh lực/năng lượng xung quanh bạn và hoạt động có trách nhiệm với chúng.

- Phát triển tính nhạy cảm với thế giới nội tại và những cõi giới cao cả, nghe theo những xung động từ Linh Hồn. 

- Bắt đầu theo dấu truy nguyên những lo lắng sâu xa như những nỗi sợ và cơn giận.

Con đường Dự Bị kết thúc vào khoảng thời gian được gọi là Bậc Điểm Đạo lần thứ 1. Bậc điểm đạo này liên quan đến sự khởi sinh tình yêu thương cho nhân loại trong trái tim. 

3. CON ĐƯỜNG ĐỆ TỬ NỘI MÔN (HUYỀN MÔN - ESOTERICISM)

Trên con đường Dự Bị, người chí nguyện đã bắt đầu tiến trình thanh luyện bản chất tam phân, ba thể thấp của mình (thể xác, thể cảm dục và hạ trí). Người chí nguyện sẽ tiếp tục quá trình thanh luyện, nhưng anh ta sẽ học cách làm chủ với ý chí những năng lượng lạc lối của mình. Anh ta sẽ vẫn còn bị lôi kéo bởi các mãnh lực và năng lượng như tức giận, ham muốn và ích kỷ (những thứ khó khăn để kiểm soát và thường không biết được gốc rễ sâu xa của chúng), nhưng anh ta đang học cách làm ổn định tâm thức của mình.  

Chú ý rằng, cho đến tận lần Điểm Đạo bậc 3, một người vẫn đang phân cực (trụ nhiều) ở cõi cảm dục, chứ không phải là cõi trí, có nghĩa là phàm ngã có nhiều động lực cá nhân cần phải cân bằng. 

Trên con đường Đệ Tử, cá nhân cam kết nghiêm túc và làm sâu sắc hơn công việc tinh thần Tích Hợp Linh Hồn. Lưu ý rằng, người đệ tử phải gom hết can đảm để đối diện và chuyển hóa những năng lượng thấp của chính mình. 

Phàm ngã của người đệ tử đang tiến hóa và bước vào một trường nhận thức, các mối quan hệ, các trách nhiệm và tầm ảnh hưởng mới mẻ và rộng lớn hơn.

Cuộc sống của anh ta được đặc trưng bởi một sự chuyển dịch từ việc phân cực trụ vào cảm xúc trong hạ trí đến một tiêu điểm tỉnh thức chú tâm trí tuệ (a mental-mindful focus). Ở giai đoạn này, một phương thức kiểm soát đáng kể các khuynh hướng cảm xúc và phản ứng được thiết lập.

Bằng cách nào? Thông qua tham thiền và cho phép năng lượng Bồ Đề (Buddhi) thay thế các năng lượng phản ứng của thể cảm dục.

Trên con đường Đệ Tử, người đệ tử học cách tập trung vào các cấp độ trí tuệ. Khi tập trung vào cõi trí như vậy, đường Antahkarana được xây dựng, tạo thành một chiếc cầu sẽ kết nối Hạ Trí Cụ Thể với Tam Nguyên Tinh Thần. Người đệ tử học cách sáng tạo và biểu đạt các hình tư tưởng với mục đích và ý định. Anh ta học cách mở rộng tâm trí mình, sử dụng các kỹ thuật trí tuệ.      

Người đệ tử sẽ nghiên cứu sâu sắc hơn về tinh thần để hiểu biết tốt hơn về Bản Thể nội tại. Sự phát triển trực giác, phân biện và phân biệt trong tâm thức vẫn tiếp diễn. Chân Sư D.K liệt kê 6 giai đoạn khác nhau trên con đường Đệ Tử, để đạt được đỉnh cao của việc mở rộng tâm thức.

Một mục tiêu tinh thần chính yếu đối với người đệ tử là bậc điểm đạo lần thứ 2, khi anh ta học cách làm chủ và kiểm soát được bằng ý chí tất cả những ham muốn và khuynh hướng thấp kém của mình. 

Tóm tắt về con đường Đệ Tử:

- Bạn thực hành sâu sắc hơn để là hiện thân của những giá trị Linh Hồn như hợp tác, thiện chí, bác ái - minh triết và tính vô tổn hại. Đây là việc thấu hiểu ý nghĩa và sự khác biệt giữa yêu thương và Ý Chí yêu thương. Nó giống như việc kết nối trái tim và tâm trí cùng với nhau để phụng sự.

- Năng lượng Bồ Đề dần dần thay thế bản chất phản ứng cảm tính của thể cảm dục.

- Dựa trên thành công của công việc trong các cõi nội tại của bạn và sự thanh luyện của chính mình, bạn cũng có thể được các Chân Sư/những Người Hướng Dẫn công nhận bạn là một phần của một nhóm trên các cõi nội tại tinh thần hay Đạo Viện của Chân Sư để thực hiện Thiên Cơ.

Các giai đoạn tích hợp phàm ngã

Trước khi một người nhận những bậc điểm đạo cao hơn với Linh Hồn và đạt được giải thoát, anh ta phải thành tựu ít nhất, những điều kiện sau trong tâm thức:

- Đưa các thể hạ trí, thể cảm dục và thể xác vào chỉnh hợp với Linh Hồn - như một toàn thể hợp nhất.

- Chất liệu của ba thể thấp được thay thế với những năng lượng tương ứng cao hơn từ Tam Nguyên Tinh Thần (Bồ Đề + Trí Tuệ).

Tỉ lệ chất liệu thay thế và sự Hợp Nhất Linh hồn của 3 thể thấp:

 Điểm đạo bậc 1 là 25%

 Điểm đạo bậc 2 là 50%

 Điểm đạo bậc 3 là 75%

4. CON ĐƯỜNG ĐIỂM ĐẠO

Các giai đoạn cuối của con đường tinh thần 

Trong những giai đoạn cuối của con đường tinh thần, người đệ tử trở thành Điểm Đạo Đồ khi tâm trí và ba hạ thể đã được kết nối và chi phối chủ yếu bởi Linh Hồn.

Trước đây, anh ta cân bằng các năng lượng phản ứng cảm tính trong thể cảm dục. Giờ đây, anh ta phải đối mặt trực tiếp với ảo tưởng, và giải quyết chúng trong thể trí của mình. Những thứ này đại diện cho những chướng ngại cuối cùng mà anh ta phải vượt qua trong tâm trí mình để tiến triển trên Đường Đạo.

Chính Linh Hồn trên cõi riêng của nó hòa giải các cặp đối lập liên quan đến ảo tưởng. Để điều này xảy ra, phàm ngã phải được phát triển và tích hợp với Linh Hồn. Tâm trí trở thành chiến trường và trận địa cho sự chuyển hóa. 

Với hai “phe” chiến đấu trong tâm trí, người đệ tử nhận ra trận chiến là giữa chính ý chí ích kỷ của mình với Ý Chí Thiêng Liêng cao cả. Anh ta chọn đứng trong bản thể tinh thần với Ý Chí của Bản Thể Cao Hơn. Ở giai đoạn này, có lẽ anh ta đã đang cảm nhận lực kéo của Chân Thần và phải sử dụng sự phân biện và điềm nhiên trong tâm trí để kiểm soát tất cả ảo tưởng.

Anh ta ý thức về Kẻ Chặn Ngõ (Dweller on the Threshold/Kẻ ngụ trên ngưỡng/Tổng Quả Báo: là phần mặt tối, gồm toàn thể các mãnh lực của bản chất thấp trong phàm ngã dưới dạng một hình tư tưởng được truyền sinh lực). Anh ta vẫn bị thu hút bởi vật chất và hình tướng, nhưng anh ta nhận ra sức kéo của cả hai, và rằng anh ta đứng trong tâm thức giữa hai mãnh lực lớn. 

Bởi vì người đệ tử đã qua thời gian tham thiền, sự hòa giải các cặp đối lập được gia tốc bởi sự tiếp xúc bởi Linh Hồn anh ta với năng lượng Bồ Đề (Tuệ Giác) khi nó thay thế chất liệu thể cảm dục.

Để tiến bước trên đường đạo 

Hãy ghi nhớ rằng, người đệ tử đang phát triển một định hướng trí tuệ và trở thành Người Quan Sát những suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác của chính mình.

Một khi anh ta nhận ra một năng lượng cần thay đổi, một sự chuyển hóa hay điểm đạo (khởi đầu - initiation) trong tâm thức có thể diễn ra trong một thời gian tương đối ngắn. Điều này tùy thuộc và sự sẵn sàng buông bỏ năng lượng cũ của anh ta.

Trân trọng khủng hoảng - Khủng hoảng là cơ hội

Ai đó từng nói rằng: “Nếu bạn không có khủng hoảng nào trong cuộc đời mình thì hãy tìm một cái!” Nghe qua thì có vẻ khá lạ, bởi vì chúng ta đều muốn tìm bình an trong đời sống chứ không phải khủng hoảng. Trên thực tế, người đệ tử không đi tìm kiếm khủng hoảng mà anh ta tự thu hút nó vào mình (qua Linh Hồn) như là điều gì đó mà anh ta phải vượt qua và chuyển hóa bên trong chính mình.

Trước khi nói về khái niệm nội môn của Điểm Đạo, hãy nhìn vào một số định nghĩa về khủng hoảng:

Một điểm hay tình huống quyết định, quan trọng then chốt, một bước ngoặt.

Một tình trạng không ổn định như trong các sự vụ chính trị, xã hội hay kinh tế, liên quan đến một thay đổi mang tính quyết định.

Một điểm trong câu chuyện khi một mâu thuẫn đạt căng thẳng cao nhất và phải được giải quyết.

Như vậy, với khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng trong đời mình, liệu anh ta có thực sự học được gì từ chúng? Anh ta sẽ được kiểm tra để đồng bộ trải nghiệm/tri thức trong tâm thức điều mà anh đã học được. Kết quả tích cực sẽ là nhiều tỏa chiếu từ Linh Hồn hơn và trải nghiệm học được sẽ được lưu chứa trong Bản Thể của anh (Thể Nguyên Nhân + những Nguyên Tử Thường Tồn).

Thể Nguyên Nhân là Cơ Thể của Linh Hồn (linh hồn thể) và kho chứa của minh triết được tích lũy từ nhiều kiếp sống. Nó lưu chứa 5 Nguyên Tử Thường Tồn hiện hữu trên phân cảnh (cõi phụ) thứ nhất của 5 cõi trong Cấu Tạo Con Người.

Link video về Thể Nguyên Nhân: https://youtu.be/vEe9IJtPpcc

Khi con người bắt đầu hướng đến hành trình chỉnh hợp hoàn toàn Phàm Ngã của mình với Linh Hồn, anh ta sẽ phải thanh lọc và chuyển hóa mọi thứ trong tâm thức của mình, những gì cản trở anh nhận biết trực tiếp thượng trí hay Thiêng Liêng trong bản chất của chính mình. Trong quan điểm nội môn, chúng ta xem khủng hoảng như một cơ hội để thay đổi và chuyển hóa trong tâm thức. 

Vậy cái gì được chuyển hóa? Phần lớn đó là những kiểu mẫu tư tưởng thâm căn cố đế trong tâm thức ngăn chặn bạn không nhìn thấy được rõ ràng và nhận biết được trực tiếp. Nó đã ở với bạn suốt cuộc đời và rất nhiều khả năng từ những kiếp sống trước nữa. 

Việc thanh luyện vẫn tiếp tục khi bạn muốn cuối cùng trở thành Bản Thể Cao Hơn (Chân Ngã).

Vào thời điểm khủng hoảng, Điểm Đạo Đồ trở thành, hay hiện thân trong tâm thức các phẩm chất của Tam Nguyên Tinh Thần trong tâm trí mình. Hành động “hữu thức” này góp phần hướng đến điểm đạo thực sự hay sự mở rộng nhận thức.

Lưu ý rằng trong suốt con đường giải thoát và các tiến trình điểm đạo, vô số kiếp sống có thể đã trải qua trước khi Điểm Đạo Đồ thành tựu được việc làm chủ các cõi giới thấp.

Con Đường Điểm Đạo

Giai đoạn cuối của hành trình tinh thần là Con Đường Điểm Đạo.

Nhiều hệ thống nội môn từ Ai Cập cổ đại đến Rosicrucians và Hội Tam điểm có những nghi lễ khởi đầu (initiation/điểm đạo). Nhưng khởi đầu (điểm đạo) của cái gì hay đi vào cái gì?

Đó là đi vào một sự hiểu biết mới hay mở rộng về Bản Thể thực sự” Bất cứ dạng phát triển nào dành cho cá nhân cũng có thể được áp dụng hướng đến tập thể (nhóm), ví dụ như công ty hay quốc gia. Điểm đạo là một tiến trình phát triển mà ở đó diễn ra một sự định hướng mới về thế giới (cả bên trong và bên ngoài). Vì thế, điểm đạo là một từ khác cho sự tiến hóa của bản ngã và tích hợp với Bản Thể hay nhóm (tập thể)... và đó là một sự dịch chuyển hệ mô hình trong tâm thức (a paradigm shift in consciousness).

Điểm đạo đồ hiểu rằng anh ta là “Vị Thầy của chính thực tại của mình.” Vì thế, anh ta trở nên tự tiến hóa. Anh ta học cách dịch chuyển nhận thức về thực tại của mình đến một cấp độ tri kiến và hiểu biết mới.

Anh ta phải trải qua 4 bậc điểm đạo chính trước khi trở thành một Chân Sư Minh Triết. Ba bậc điểm đạo đầu tiên liên quan đến việc vượt qua các chướng ngại chính. Cuộc điểm đạo thứ nhất liên quan đến việc làm chủ thể xác, cuộc điểm đạo thứ nhì liên quan đến việc kiểm soát thể cảm dục, và cuộc điểm đạo thứ ba liên quan đến việc làm chủ thể trí. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là trong cuộc điểm đạo lần thứ nhất người điểm đạo đồ chưa có một sự kiểm soát nào đối với thể cảm xúc cũng như phát triển thể trí. Người ứng viên điểm đạo của cuộc điểm đạo thứ nhất đặt trọng tâm vào việc kiểm soát và làm chủ thể xác, nhưng vẫn đồng thời làm chủ thể tình cảm của mình và phát triển trí tuệ. Vấn đề ở đây là trọng tâm của việc kiểm soát là ở thể xác. 

Điểm đạo bậc 1 - Chiến thắng những ham muốn vật chất, thuộc cõi hồng trần, và các chứng nghiện. Khởi sinh Thiên Tính trong Trái Tim - tương ứng với sự Giáng Sinh của Đức Christ. Được Chân Sư và Đạo Viện (Ashram) lưu ý. Luân xa được khơi hoạt trong cuộc điểm đạo thứ nhất thường là luân xa tim. Khi luân xa tim phát triển thì năng lượng của các luân xa thấp sẽ chuyển dịch vào luân xa tùng thái dương, rồi từ đó đến luân xa tim. Con người bắt đầu có ý thức tập thể, làm việc vì tập thể, phát triển lòng từ ái, yêu thương. Luân xa tim được khơi hoạt chế ngự thể cảm dục hữu hiệu hơn, và phụng sự nhân loại lớn lao hơn.

Điểm đạo bậc 2 - trung hòa những đam mê cảm xúc bằng ý chí. Cuộc điểm đạo thứ nhì đánh dấu sự kiểm soát triệt để thể tình cảm. Các thói hư, tật xấu, ích kỷ, tham lam … phải được loại bỏ, đồng thời người đạo sinh cũng loại bỏ các ảo cảm (glamours), cũng như trước khi điểm đạo lần 3, y phải loại bỏ tất cả ảo tưởng (illusions). Trong cuộc điểm đạo thứ nhì, luân xa được phát triển là luân xa cuống họng. 

Việc làm chủ các hạ thể của chúng ta không diễn ra tuần tự mà phải được thực hiện đồng thời. Đức DK nhấn mạnh điều này như sau “chúng ta không nên hiểu lầm rằng toàn cả tiến trình này đi theo cùng những bước vào những giai đoạn bất biến, kế tiếp nhau. Nhiều điều được thực hiện kết hợp, đồng thời, bởi vì công tác chế ngự rất chậm chạp và khó khăn; nhưng trong khoảng thời gian giữa ba cuộc điểm đạo đầu tiên phải đạt được và giữ được một mức độ tiến hoá nhất định của mỗi thể trong ba hạ thể, trước khi vận hà có thể được phép mở rộng thêm một cách an toàn. Nhiều người trong chúng ta hiện đang làm việc trên tất cả ba hạ thể, khi dấn bước trên Đường Dự bị.”

Thời gian giữa cuộc điểm đạo thứ nhất và cuộc điểm đạo thứ nhì là dài nhất, trải qua rất nhiều kiếp sống. Ngài cũng ví dụ cho ta thấy điều này được biểu tượng trong cuộc đời của Chúa Jesus. Chúa Jesus được rửa tội vào năm 30 tuổi, giảng đạo trong ba năm và bị đóng đinh năm 33 tuổi. Chúa giáng sinh tượng trưng cho cuộc điểm đạo lần 1, chịu lễ rửa tội tượng trưng cho cuộc điểm đạo lần 2, Ngài biến hình trước các đệ tử là biểu tượng cho cuộc điểm đạo lần 3, và việc Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá là biểu tượng cho cuộc điểm đạo lần 4. 

Sau khi được điểm đạo lần thứ hai thì cuộc tiến hoá sẽ xảy ra nhanh chóng. Cuộc điểm đạo thứ ba có thể xảy ra trong cùng kiếp sống hoặc trong kiếp tiếp theo. Cuộc điểm đạo thứ tư cũng thế. Sau khi được điểm đạo lần thứ tư trở thành một vị Arhat (La Hán) vị điểm đạo đồ không còn bị bó buộc phải tái sinh vào cõi trần nữa. Do đó cuộc điểm đạo lần hai được xem là cuộc điểm đạo khó khăn nhất trong cuộc tiến hoá của một người đệ tử.

Điểm đạo bậc 3 - hạn chế bất cứ những khuynh hướng chia rẽ nào của tâm trí. Điều này có nghĩa rằng anh ta đã dịch chuyển từ việc trụ ở cõi cảm dục đến phân cực ở cõi trí, có một tầm nhìn về Thiên Cơ, và Linh Hồn, như người dẫn dắt chính trước giờ, bước sang một bên, để giờ đây Chân Thần hay Tinh Thần Thuần Khiết là Mãnh Lực dẫn dắt chính yếu. Bậc điểm đạo này đôi khi được gọi là sự Biến dung (Transfiguration), toàn thể phàm nhân chìm ngập trong ánh sáng từ trên xuống. Người Đệ Tử - Điểm Đạo Đồ được ánh sáng của Tinh Thần thuần khiết hay Chân Thần (Monad) truyền vào. Chỉ sau cuộc điểm đạo này, Chân thần mới dứt khoát hướng dẫn Chân nhân và ngày càng tuôn đổ sự sống thiêng liêng của Ngài vào trong vận hà đã được chuẩn bị và thanh luyện. Bậc điểm đạo này đánh dấu lần đầu tiên phàm ngã của người đệ tử có thể kết nối trực tiếp với Chân Thần. Ý chí phàm ngã được hợp nhất với Ý Chí của Chân Thần. Một điểm đặc biệt khác là sau kỳ điểm đạo lần ba thì các quan năng thần thông như nhãn thông và nhĩ thông cũng phát triển trong vị điểm đạo đồ, và ngài có thể nhận biết các thành viên khác của Thánh đoàn. Việc phát triển quan năng thần thông trong vị điểm đạo bậc ba là đương nhiên vì tại cuộc điểm đạo này luồng hỏa xà Kundalini được kích hoạt, đi lên luân xa đỉnh đầu và khơi hoạt luân xa đó.

Điểm đạo bậc 4 - Từ Bỏ (Renunciation). Phàm ngã của người điểm đạo đồ giờ đây kết nối trực tiếp hay hợp nhất với các năng lượng của Tam Nguyên Tinh Thần. Các năng lượng này thấm hoàn toàn não bộ, thể trí và phàm ngã tam phân. Hoàn toàn giải phóng khỏi tất cả những dính mắc với sự sống hình tướng ở bậc điểm đạo thứ 4, phàm ngã của vị điểm đạo đồ không còn điều gì trong tâm thức hay nghiệp quả trói buộc anh ta ở các cõi giới thấp của sự tiến hóa con người. Vòng luân hồi tái sinh được hoàn thành và Thể Nguyên Nhân được phá hủy. Vị điểm đạo đồ bậc bốn bắt đầu điều hợp thể Bồ đề của mình và làm chủ năm phân cảnh giới thấp của tam giới. Tại giai đoạn cuối cùng này, Tinh Thần Thuần Khiết - Chân Thần giờ đây sẵn sàng để trở thành Chân Sư, làm chủ tất cả bảy cõi giới của Cõi Hồng Trần Vũ Trụ. Ngài có thể lựa chọn tiếp xúc với các cõi giới thấp để phụng sự theo ý muốn. 

“Cuộc đời của người được điểm đạo lần thứ tư, hay là cuộc điểm đạo Thập giá hình, là một cuộc đời hy sinh lớn lao và đầy đau khổ. Đó là cuộc sống của người thực hiện hạnh Đại Từ Bỏ, và ngay cả ở phương diện ngoại môn cũng có vẻ gian lao, khó khăn và đầy đau khổ. Ngài đã đặt tất cả, ngay đến phàm nhân đã hoàn hảo của mình, trên bàn thờ hy sinh, và không còn gì nữa. Tất cả đều bị từ bỏ, bạn bè, tiền bạc, danh vọng, tiếng tăm, địa vị trong đời, gia đình, và ngay cả chính sự sống.” Điều này tóm tắt thật đầy đủ cuộc đời của vị điểm đạo đồ bậc 4, mà ta có thể thấy thể hiện qua cuộc đời của bà H.P. Blavatsky, Chúa Jesus…

Cũng chính trong cuộc điểm đạo này mà Đức Sanat Kumara (Đức Ngọc Đế, Đức Thái Cổ - Ngài giáng lâm địa cầu đã 18 triệu năm và vẫn mãi mãi xuân xanh) lần đầu tiên thực hiện chủ trì điểm đạo. Trước đó thì Đức Maitreya là vị chủ trì buổi lễ. Lý do như đức DK giải thích là do “phàm nhân đã đạt đến một mức rung động rất cao, vật chất trong cả ba hạ thể tương đối thanh khiết, và mức thấu hiểu của phàm nhân về công việc phải làm trong tiểu vũ trụ, cũng như  về phần chia sớt công tác của đại vũ trụ đều rất tiến bộ…” do đó vị điểm đạo đồ có thể đứng trước đấng Sanat Kumara mà các hạ thể không bị tàn phá vì rung động cao tột của Ngài. 

---

Tham khảo thêm: https://www.minhtrietmoi.org/WPress/diem-dao-phan-2/ 

[Sau quả vị điểm đạo lần thứ năm, người đạo đồ có thể nhận hai cuộc điểm đạo nữa trên hành tinh này, và danh xưng cho quả vị đó là Chohan, đấng Đế Quân. Nếu vị điểm đạo đồ bậc bảy thuộc cung hai thì Ngài được gọi bằng danh xưng Bồ Tát hoặc Phật. Điều này khác với giảng dạy của Ông C.W. Leadbeater cho rằng con người có thể đạt điểm đạo 9 lần trên địa cầu này. Vị Chohan là vị đã đạt 6 lần điểm đạo, còn đức MahaChohan hoặc Manu (Bàn Cổ của một giống dân) hoặc Bồ Tát  là vị đã đạt 7 lần điểm đạo. Đức Phật đã đạt 8 lần điểm đạo]. 

[Lược dịch bài giảng của Thầy David Hopper, trường nội môn Morya Federation https://moryafederation.com. Toàn bộ bài giảng của Thầy có thể được xem tại https://www.makara.us/portal/?page_id=838.]


Friday, 30 October 2020

Hành trình của Linh Hồn

 



Sự tiến hóa của Linh Hồn là một sự tiến hóa của Tâm Thức

Cách đây khoảng 18 triệu năm, hành trình của Linh Hồn đã bắt đầu thông qua một tiến trình được gọi là biệt lập ngã tính (individualization), khi con người trở thành một thực thể có ý thức và lý trí. Tiến trình này liên quan đến việc truyền đạt tia sáng của trí tuệ hay khả năng tư duy vào trong con người. Thuở ban đầu, tia sáng này đã cho con người cảm giác đầu tiên về “cái tôi” tách biệt mà trước đó con người đã tồn tại qua nhiều kiếp sống mà không có mục đích gì đặc biệt, ngoại trừ việc thu thập trải nghiệm và hiểu biết về việc anh ta là ai và là gì. Tia sáng trí tuệ này đã khởi động bản năng con người để hoạt động với hình tướng vật chất.

Trước thời điểm đó thì con người vẫn như một người-thú, chưa phát triển về mặt tinh thần và chỉ có những ham muốn vật chất. Trải qua những thời đại rất dài lâu, con người đã tiến hóa từ sự hiện hữu thuần vật chất và cảm xúc đến như ngày nay. Tuy hiện tại đa số nhân loại vẫn đang sống nhiều với cảm tính, nhưng trí tuệ của chúng ta đã tiến hóa đến mức có thể tích hợp những phương diện cao nhất của bản chất chúng ta với Linh Hồn, và cuối cùng là với Tinh Thần thuần khiết được gọi là Chân Thần (Monad).

Hành trình của Linh Hồn hoàn toàn là về một sự tích hợp và tái hợp nhất với Tinh Thần thuần khiết đó, với ý thức nhận thức trọn vẹn và cuối cùng là trở thành một Chân Sư Minh Triết.

Điều này được thực hiện qua Con Đường Giải Thoát (Path of Liberation). Từ sự thấu hiểu cao cả đó, con đường giải thoát là về sự sống của Tinh Thần tìm cách tự giải thoát mình, tự do khỏi ảnh hưởng của vật chất. 

Nói chung, từ quan điểm của người chí nguyện hay người đệ tử, đây là con đường mà cuối cùng bạn sẽ lựa chọn để thức tỉnh và trở nên ý thức về những suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình, và buông bỏ những lôi kéo và ảnh hưởng của các cõi giới thấp. 

Như vậy, bước trên Thánh Đạo để bạn có thể trở thành một Linh Hồn ý thức trọn vẹn và một người đồng sáng tạo với Thiêng Liêng trên Trái Đất.

“I am my own mystery, wrapped in an enigma, surrounded by illusion (Tôi là huyền nhiệm của riêng mình, bọc trong một bí ẩn, bao quanh bởi ảo tưởng)” -  Winston Churchill

Vậy Linh Hồn và mục đích của Linh Hồn là gì? 


Nguồn ảnh: minhtrietmoi.org



Nguồn ảnh: minhtrietmoi.org

Mục đích của Linh Hồn trong sự tiến hóa

Linh Hồn có vai trò như trung gian hay “Tác Nhân” của Chân Thần - Tinh Thần thuần khiết của chúng ta. Nó nằm giữa Chân Thần và các cõi giới thấp, làm trung gian và kết nối chúng lại với nhau.

Tâm thức của Linh Hồn mở rộng đến các thể thuộc những cõi giới thấp của cõi hồng trần (hạ giới) - dĩ thái, cõi cảm dục (trung giới) và cõi hạ trí. Các thể thấp này (thể xác - thể cảm xúc - thể hạ trí) cấu thành Phàm Ngã (Personality). Ba thể này có một tương ứng cao hơn của chúng được gọi là Tam Nguyên Tinh Thần (Spiritual Triad), bao gồm: Atma, Buddhi (Bồ Đề) và Manas (Trí Tuệ).

Chân Thần - Tinh Thần thuần khiết của chúng ta là đỉnh cao của trải nghiệm con người và đại diện cho tia sáng Thiêng Liêng bên trong chúng ta. Linh Hồn kết nối với nó qua Cõi Thượng Trí. 

Trước khi tích hợp Linh Hồn thì con người là một phàm ngã tách biệt. Tách biệt bởi vì trí tuệ và tâm thức hầu như luôn tách rời với trải nghiệm trực tiếp về Tinh Thần thuần khiết. Y tồn tại trên các cõi hạ trí, cảm dục (trung giới) và hồng trần (hạ giới). Y hiện hữu với những hình tư tưởng, những cảm xúc và tương tác với vật chất trọng trược qua năm giác quan của mình. Y học hỏi, thu đạt kinh nghiệm và minh triết qua nhiều kiếp sống. Y có những mối quan hệ với những người khác qua công việc, gia đình, tình cảm yêu đương lãng mạn và nhiều những cuộc gặp gỡ cá nhân hay vô tư khác.

Một phương diện chính của con đường tinh thần là hiểu biết mục đích cao cả của nó là gì? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải hiểu rằng mục đích của chúng ta được bao bọc và liên kết mật thiết với mục đích Linh Hồn của chúng ta.

Vậy thì mục đích của Linh Hồn là gì?

Trước hết, mục đích của Linh Hồn là tiến hóa tâm thức và hợp nhất với Chân Thần. Tinh Thần thuần khiết hay Chân Thần của chúng ta đang có một trải nghiệm con người qua phàm ngã được nhúng trong vật chất. Linh Hồn hoạt động như trung gian giữa bản thể Tinh Thần cao hơn và phần vật chất thấp hơn.

Trải qua nhiều kiếp sống, Linh hồn đã thu đạt vô số những trải nghiệm qua phàm ngã và muốn tích hợp và hợp nhất phản ánh thấp hơn này của nó.  Mục đích của Linh Hồn tối hậu là thay thế biểu đạt trọng trược của phàm ngã tam phân với những năng lượng cao cả hơn của Linh Hồn, và sau đó là với Tam Nguyên Tinh Thần. 

Qua thời gian, con đường tinh thần sẽ chỉ ra cho người tìm kiếm tâm linh rằng mục đích cao nhất của anh ta là nhận thức và ý thức về bản chất của các mãnh lực và các năng lượng hiện diện trong các thể xác - thể cảm xúc - thể trí của mình và hợp nhất chúng với Linh Hồn. 

Để làm được điều này, anh ta phải học cách kết nối và hợp nhất phàm ngã tam phân với Linh Hồn để trở thành Một trong tâm thức.

Trong tiến trình này, anh ta sẽ học cách giải thoát những khuynh hướng thấp kém của mình, và cho phép Linh Hồn cho anh ta thấy rằng, khi đã được tích hợp, anh ta có thể phụng sự và tham gia một cách hữu thức vào trong sự tiến hóa của nhân loại. 

Trong quá trình thanh luyện (purification), người tìm kiếm tâm linh (spiritual seeker) phải hoàn toàn ôm trọn Thánh Đạo và “trở thành chính Con Đường Đạo” Anh ta đang học một cách thức mới của hiện hữu, tư duy và cảm nhận và sẽ hiểu rằng cái biết xảy ra một cách trực tiếp. Anh ta học cách giữ lối tư duy này trong khi kết nối trực tiếp với Linh Hồn. Điều này được thực hiện tốt nhất qua việc tham thiền.

Thông qua tham thiền và nghiên cứu tinh thần về minh triết thiêng liêng, qua các tác phẩm của, ví dụ như, H.P. Blavatsky, Alice A. Bailey, Torkom Saraydarian, Helena / Nickolas Roerich, và Patanjali, người tìm kiếm chân lý (spiritual seeker) phát triển những quan năng đang thức tỉnh bên trong mình như sự phân biện và phân biệt trong tư duy. Với những quan năng này, bạn có thể cảm nhận được mục đích cao cả của mình trong sự tiến hóa.

Qua thời gian, bạn sẽ nhận ra rằng có một quá trình tiến hóa, và một Thiên Cơ - một Kế Hoạch cho sự thay đổi và rằng bạn đang học cách để là một phần “hữu thức” trong đó. Một khi được kết nối với Linh Hồn, thì phụng sự là một biểu đạt tự nhiên hướng đến việc hoàn thành mục đích của Linh Hồn.

Vậy Thiên Cơ là gì?

Thiên Cơ - Kế Hoạch Thiêng Liêng (The Divine Plan)

Những giáo huấn của Minh Triết Ngàn Đời trình bày một sự hiểu biết về linh hứng Thiêng Liêng đến từ thái dương và vũ trụ. “Linh hứng” này là một dạng tri thức và năng lượng được đưa xuống thành “Thiên Cơ”. 

Thiên Cơ là một bản thiết kế gốc hay công thức năng lượng biểu đạt ánh sáng, tình thương và ý chí hướng thiện cho toàn thế giới. Trong dạng thức cơ bản nhất của mình, nó là một hình tư tưởng biểu đạt 3 phương diện Thiêng Liêng chính hoạt động trong Nhân Loại - được gọi là: Ý Chí, Tình Thương và Thông Tuệ Linh Hoạt (Will, Love and Active Intelligence). 

Ai dẫn dắt Thiên Cơ cho nhân loại?

Thiên Cơ được dẫn dắt bởi nhóm các Linh Hồn tiến hóa cao hay các Chân Sư thăng thiên, những người cũng đã từng lâm phàm, chịu khổ đau như chúng ta, và cuối cùng đạt được giải thoát khỏi cõi hồng trần và vòng luân hồi. Họ được gọi là Thánh Đoàn và hoạt động như những người trông nom, bảo hộ để Thiên Cơ được thực thi trên Trái Đất.

Đấng Christ và Đức Phật đều thuộc Thánh Đoàn bao gồm vô số những thành viên khác nữa như các Chân Sư, các vị Thánh, các nhà Hiền Triết thuộc tất cả các nền văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng qua nhiều thời đại.  

Thánh Đoàn, trong vai trò những người trông nom Thiên Cơ, cung cấp bản thiết kế gốc cho sự tiến hóa của cá nhân và của hành tinh, bằng cách truyền đạt nó đến những người tìm đạo (spiritual seeker), qua những ấn tượng. [Ấn tượng là ý tưởng, cảm xúc về điều gì đó hoặc nhân vật nào đó, đặc biệt khi nó được tạo ra mà không có sự có mặt của tư tưởng hữu thức. Nghĩ về nó như “ấn tượng ban đầu” của bạn về một người hay nơi chốn].

Trong tất cả các nền văn hóa trên thế giới, những người tìm đạo, những người phụng sự ánh sáng - Đoàn Người Mới Phụng Sự Thế Gian diễn giải Thiên Cơ qua vô số những ngành nghề bằng cách thực hành những giá trị cao cả như thiện chí, sự hợp tác và hạnh vô tổn hại (harmlessness) trong mọi tư tưởng và hành động. 

Cuối cùng, mãnh lực của thiện chí sẽ là một biểu đạt chính của những mối quan hệ con người đúng đắn trong tất cả các vấn đề của nhân loại. Điều này sẽ bảo đảm một trật tự thế giới được duy trì thông qua sự hợp tác chứ không phải quyền lực áp đặt, hay một giấc mơ không tưởng.

Những mối quan hệ đúng đắn của con người là gì? Trong cuốn sách “Sự Hiển Lộ của Thánh Đoàn”, Chân Sư Tây Tạng nói rằng: “Mối quan hệ đúng đắn của con người” không chỉ là thiện chí...đó là một sản phẩm hay kết quả của thiện chí và cái khởi xướng cho những thay đổi có tính xây dựng giữa các cá nhân, cộng đồng và quốc gia.”. Về bản chất, đây là kết quả của tình thương và sự chấp nhận giữa các nhóm người và các quốc gia, dân tộc. Một biểu đạt chính của Thiên Cơ đối với giai đoạn tiến hóa của chúng ta hiện nay là sự kết hợp của trái tim và trí tuệ như thế.

Khoa học về 7 Cung

7 Cung (Tia - Ray) là một trong những nhân tố tác động đến sự tiến hóa của Linh Hồn, cùng với những ảnh hưởng từ Thánh Đoàn và Thiên Cơ.

7 Cung thể hiện 7 dạng thức và phẩm chất của mãnh lực mà mỗi cung có những đặc tính và thuộc tính riêng, tác động đến mọi hình hài, từ cá nhân đến nhóm tập thể, và thực sự là đến toàn nhân loại, và mọi giới (khoáng vật, động thực vật, nhân loại, linh hồn).

Sự sống Nhất Thể tìm cách tự biểu đạt qua hình tướng khi nó sáng tạo. Các truyền thống tôn giáo trên khắp thế giới đã sử dụng nhiều tên gọi khác nhau để mô tả mãnh lực - năng lượng sáng tạo này: Tạo Hóa, Thượng Đế, Allah, Brahma, Krishna hoặc đơn giản là Sự Sống Duy Nhất… cho dù tên gọi là gì, nguồn cội tối hậu đều là như nhau.

Mỗi chúng ta đến một thời điểm nào đó sẽ bắt đầu thức tỉnh và tìm kiếm để hiểu hành trình tinh thần của mình. Khi chúng ta thấy và trải nghiệm kết nối của chúng ta với năng lượng thiêng liêng bên trong mình, chúng ta kết nối với bản thể tinh thần cao cả hơn của mình.

Mục đích sâu sắc nhất của con người là biểu hiện thiết kế gốc tinh thần, bản thể chân thật hay nguyên mẫu (archetype) của mình. Chúng ta trở nên ý thức về kiểu mẫu năng lượng của riêng mình và bắt đầu sống thật với kiểu mẫu đó. Chúng ta trở thành bản chất thật sự mà chúng ta đã có sẵn trong mình. Niềm vui lớn nhất và trách nhiệm tinh thần lớn nhất của chúng ta là trở thành người mà chúng ta thực sự là và biểu đạt trọn vẹn kiểu mẫu tinh thần hay bản thể tinh thần của chúng ta. Biểu đồ cung năng lượng là một công cụ giúp chúng ta nhận ra điều này.

Chúng ta biểu đạt các cung năng lượng qua phàm ngã và linh hồn của mình. Khi chúng ta hiểu năng lượng cung tự nhiên của mình, chúng ta có thể sống thật hơn với con người mà chúng ta thực sự là.

Khoa học về 7 Cung liên quan đến các phẩm tính của ánh sáng. Ánh sáng trắng thuần khiết chứa tất cả các màu sắc được biểu đạt trong phổ ánh sáng có thể nhìn thấy được. Khi đi qua một lăng kính, ánh sáng trắng này sẽ tách thành các tia màu liên hệ đến rung động hay tần số riêng biệt của chúng.

Tương tự, bản thân tạo hóa biểu đạt qua bảy dòng chảy năng lượng thiêng liêng. Những dòng chảy hay các cung (tia) này được đặt tên theo phẩm chất (rung động) mà chúng truyền dẫn hay thể hiện.

Ý nghĩa của con số 7

Con số bảy có ý nghĩa quan trọng về mặt tinh thần bởi vì nó nổi bật trong cách chúng ta nhận thức về cấu trúc của thế giới. Có 7 ngày trong tuần, 7 nốt nhạc, 7 sắc cầu vồng. Các bản kinh cổ cũng nhấn mạnh con số 7 như 7 phép bí tích trong Cơ đốc giáo, 7 tổng lãnh thiên thần, 7 đức hạnh hay 7 tội lỗi, 7 luân xa...

Các cung (tia) cũng có thể được nhận thức qua màu sắc và âm thanh. Bảy màu sắc và âm thanh của các cung cho chúng ta một cách tiếp cận trực giác để hiểu chúng. Ví dụ như, Cung 7 tương ứng với nốt Sol và màu tím, tùy thuộc vào quãng tám được sử dụng. Chúng ta biết rằng cả âm thanh và màu sắc cũng được đo lường theo khả năng rung động của chúng.

Nghiên cứu cung năng lượng giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về bản thân mình và những người khác. Các cung mà chúng ta biểu đạt một cách cá nhân thể hiện trong nhiều mặt của đời sống như điều làm chúng ta thấy vui, cách chúng ta hành xử... Thông qua năng lượng này, chúng ta biểu đạt bản thể cá nhân, độc đáo của riêng mình. Hơn nữa, các cung năng lượng cũng được thể hiện qua các thế mạnh và điểm yếu (mặt tối) của chúng ta.

Mỗi cung có phẩm chất, năng lượng và rung động riêng của nó. Các cung chi phối hình tướng biểu đạt năng lượng của nó. Phẩm chất hay năng lượng của một cung cũng có thể được trải nghiệm bằng cách bước vào một căn phòng màu đỏ, cảm nhận năng lượng của nó, và rồi bước vào một căn phòng màu xanh và cảm nhận năng lượng của nó. Ta thấy được sự khác biệt trong tính chất hay rung động của một cung. Tương tự khi chúng ta trải nghiệm năng lượng khác nhau trong màu sắc của căn phòng, chúng ta trải nghiệm biểu đạt khác nhau của các cung của những người mà chúng ta sống và làm việc cùng với họ.

Khi chúng ta trân trọng bản thân về mặt biểu đạt Cung, chúng ta bắt đầu nhận thức nó trong những người khác. Qua đó, chúng ta mở ra con đường để thấu hiểu sâu sắc hơn và hợp tác. Chúng ta bắt đầu hiểu những điểm mạnh và điểm yếu của mình, và cả cách chúng ta bổ túc (hay đối nghịch) với những người chúng ta sống và làm việc cùng. Qua sự thấu hiểu về biểu đạt Cung, chúng ta cải thiện cuộc sống của mình trong gia đình, ở nơi làm việc, và trong hầu như mọi mối quan hệ.

Thức tỉnh và hành trình của người hùng 


“Cô là ai?” con sâu bướm hỏi Alice. "Alice ở Xứ Sở Thần Tiên" là những câu chuyện về Alice, một cô bé đang chìm trong một giấc mơ và cố gắng thức tỉnh. Bạn biết không, Louis Carroll, tác giả câu chuyện, là một nhà Thần Triết (Theosophist).

Khi bạn bắt đầu trên một hành trình mới, bạn phải có cảm thức về mình là ai, nếu không, bạn sẽ bối rối và không biết đi đường nào. Vì thế, trên hành trình này, bạn sẽ cần thường xuyên đặt câu hỏi “Tôi là ai?”

Ban đầu, Phàm ngã hoạt động như một thực thể riêng biệt, biểu đạt “cái Tôi” của nó trong tất cả những gì nó làm. Nó chưa được tích hợp hay ảnh hưởng bởi Linh Hồn và vẫn còn đồng nhất mạnh mẽ với các thể thấp, bị điều khiển bởi dục vọng vật chất và phản ứng cảm tính. Thông qua cái gọi là Thôi Thúc của Linh Hồn, Phàm ngã tỉnh thức về tinh thần. Bạn nhận ra rằng bạn sẽ muốn tìm kiếm và hiểu biết những chân lý cao cả về bản thân mình, và bản chất chân thật của riêng mình. Kết quả là, bạn trở thành một “người chí nguyện”. Đây là khởi đầu của Con Đường Giải Thoát! Sau khi tham thiền một thời gian và qua nhận thức mở rộng của chính người chí nguyện, cuối cùng anh ta đặt mình trên con đường hướng đến sự hợp tác trọn vẹn với Thiên Ý và Thiên Cơ Tiến Hóa. Mục tiêu ban đầu trong công việc tinh thần của bạn đó là tạo ra một “phàm ngã được tích hợp với Linh Hồn.” 

HÀNH TRÌNH CỦA NGƯỜI HÙNG (The Hero's Journey) 

Theo Joseph Campbell, chúng ta sẽ thấy qua văn học và truyền thuyết huyền thoại một kiểu mẫu “Hành trình của Người Hùng” [Hercules, Frodo trong Chúa Tể những Chiếc Nhẫn, Harry Potter, Pinocchio, Dế Mèn Phiêu Lưu Ký...]. Hành trình này tương ứng với con đường giải thoát hay hành trình của Linh Hồn. Các đặc trưng chính của hành trình cho người hùng đó là:

- Tiếng gọi phiêu lưu. Đây là một định mệnh đã triệu hồi người hùng và thay đổi trọng tâm tinh thần và đưa anh ta đến một nơi vô định. Ví dụ như Siddhartha (Đức Phật) đã rời bỏ sự an toàn trong lâu đài để phiêu lưu đi vào thế giới vô định.

- Con Đường Thử Thách là một loạt những thử thách, nhiệm vụ mà một cá nhân phải thực hiện để bắt đầu chuyển hóa. Điều nhấn mạnh ở đây đó là người tìm đạo học cách siêu việt những giới hạn của tư duy và cảm xúc trong tâm thức làm cản trở sự tiến triển tinh thần của anh ta. Anh ta học cách quan sát và lắng nghe với những giác quan của mình, và thông qua sự thanh luyện, cuối cùng anh trở thành người phụng sự Thiên Cơ.

- Người hùng hy sinh phàm ngã - bản ngã thấp kém, để sống trong Tinh Thần cao cả hơn, chuyển đến trạng thái của tình thương thiêng liêng, từ bi và minh triết. Trở về với phần thưởng, trưởng thành hơn. Anh ta chia sẻ minh triết của mình với mọi người, vì ích lợi của nhân loại như một hành động phụng sự. 

CHUẨN BỊ CHO THÁNH ĐẠO - THANH LUYỆN VÀ LẬP HẠNH 

Công việc tinh thần để chuyển hóa tâm thức đã được các Chân Sư như Đức Phật và Đức Christ và những người khác nữa, thực hiện từ rất lâu. Các Đấng cao cả đã làm cho con đường giải thoát dễ dàng hơn khi các Ngài vượt qua những giới hạn trong chính tâm thức của mình, đưa đến tầm nhìn lớn hơn về Con Đường Đạo và chúng ta, những con người, thực sự là ai.

Có lẽ, di sản vĩ đại nhất mà các Ngài trao cho chúng ta là những Giá Trị Tinh Thần. Những Giá Trị Tinh Thần là những năng lượng vi tế ảnh hưởng cách một người hành xử và tác động đến đạo đức cơ bản trong các lĩnh vực tôn giáo, chính trị, hoạt động xã hội, và trong mọi ngành của tư duy con người. Về cơ bản, chúng mô tả một con đường hướng đến việc sống đúng đắn.

Những ví dụ về các giá trị này bao gồm: hợp tác, thiện chí, bao dung, bao hàm, cảm thức  về trách nhiệm cá nhân, công bằng xã hội và tính vô tổn hại. Thông qua việc thực hành những giá trị này, những người tìm đạo thúc đẩy sự khai mở tinh thần của chính mình và trở thành hình mẫu cho những người khác.

Khi ngày càng nhiều người trân trọng và sống với những giá trị này thì cuối cùng những giá trị tinh thần này sẽ đưa đến một sự chuyển dịch mô thức trong tâm thức, lúc đó nhân loại sẽ được tái định hướng từ phản ứng cảm tính đến một sự thấu hiểu với lý trí và trí tuệ hơn. Và kết quả là nhân loại hướng đến việc thực hành những mối quan hệ con người đúng đắn. Nói cách khác, đó là biểu đạt tình thương và minh triết trong tất cả mọi hoạt động và tương tác của bạn.

Lược dịch bài giảng của Thầy David Hopper, trường nội môn Morya Federation https://moryafederation.com. Toàn bộ bài giảng của Thầy có thể được xem tại https://www.makara.us/portal/?page_id=838. Hình ảnh lấy từ trang https://www.minhtrietmoi.org

Bài viết về 7 cung có lược dịch thêm từ nguồn:

https://soulbridging.com/lesson/seven-rays-introduction/ 

Tìm hiểu thêm về 7 cung qua Tâm Lý Học Nội Môn:

https://www.minhtrietmoi.org/WPress/tam-ly-hoc-noi-mon-1

https://www.minhtrietmoi.org/WPress/tam-ly-hoc-noi-mon-2  

https://www.minhtrietmoi.org/WPress/tam-ly-hoc-noi-mon-3-thiep-lap-bieu-cung