Thursday 6 June 2024

Yêu cầu của phàm ngã tích hợp và chỉnh hợp

[Đoàn Thu Nguyệt tổng hợp từ bình giảng của Thầy Michael Robbins].

Yêu cầu của một phàm ngã tích hợp bên trong:

Chân sư DK dùng hai cụm từ để miêu tả phàm ngã trong giai đoạn này là “một thực tế năng động” (one active reality) và “một đơn vị thông minh năng động” (an active intelligent unit). Tức là, y phải là một người thông minh, biết dùng trí tuệ để lên kế hoạch, chủ động thực hiện các công việc cần thiết để giúp phàm ngã thực hiện được mục tiêu của nó (dù mục tiêu đó chỉ thuần ích kỷ). Một phàm ngã tích hợp không vật vờ, sống cuộc sống thả trôi cho sự đời. Y thông minh, năng động và biết xoay sở mọi thứ để đạt được mục đích của mình.

Y còn biết cách sử dụng môi trường xung quanh để phục vụ cho dục vọng, sự thành công và nổi bật của riêng y. Thầy HT chia sẻ thêm rằng trong giai đoạn tích hợp phàm ngã ích kỷ, y rất muốn được trở thành “số một” – một phàm ngã vượt trội và chia rẽ. Một phàm ngã thuần túy ích kỷ có rất nhiều đặc điểm thấp của cung 1 như: chia rẽ, năng động, muốn trở nên khác biệt, thấy bản thân mình là quan trọng nhất, chú ý vào bản thân nhiều hơn là những người khác.

Y phải đóng góp được điều gì đó cho môi trường xung quanh: phàm ngã tích hợp thuần ích kỷ vẫn đóng góp được điều gì đó cho tập thể chung bởi vì phải có sự đóng góp đó thì y mới kêu gọi lên được mãnh lực của sự tích hợp. Ví dụ: ta có thể nghĩ đến những người thuần ích kỷ, nhưng họ thực sự rất giỏi trong công việc họ phụ trách. Họ cạnh tranh và chiến thắng. Một hình ảnh điển hình là một số người làm việc trong hệ thống tài chính Phố Wall rất ích kỷ, có thể tạo ra những khoản lợi nhuận lớn cho công ty bằng mọi giá (kể cả phải dùng những thủ đoạn vô đạo đức). Nhờ vậy, bản thân họ cũng gián tiếp hưởng lợi rất nhiều từ các khoản hoa hồng hậu hĩnh. Nói cách khác, mục tiêu của những người này chỉ hướng về lợi ích và dục vọng ích kỷ của bản thân mình. Họ đại diện cho những phàm ngã đang tích hợp nhưng thuần ích kỷ. 

Y phải là những cá nhân có thể hành động, cảm nhận và suy nghĩ cùng lúc chứ không phải theo thứ tự. Theo thứ tự tức là “Tôi phải hành động, sau đó tôi mới cảm nhận, rồi tôi mới suy nghĩ”. Tất nhiên, đôi lúc thì những cá nhân tiến bộ phải tách rời việc suy nghĩ và cảm giác hay hành động. Ví dụ, ta cũng vẫn nghe những người rất tiến bộ và có vẻ là phàm ngã tích hợp nói rằng: “Để tôi suy nghĩ thêm về việc này”, hay “Để tôi nghĩ xem tôi cảm nhận thế nào về việc này”…nhưng thường thì ta sẽ thấy họ hành động, cảm nhận và suy nghĩ cùng một lúc như một thể thống nhất, không tách rời.

Yêu cầu về một phàm ngã tích hợp tinh thần:

Trước hết, y phải là một phàm ngã đã tích hợp bên trong (tức là từng thỏa mãn tất cả các yêu cầu bên trên ở kiếp sống này hay các kiếp trước đó). Khi tích hợp tinh thần, phàm ngã của y chuyển từ hướng thuần ích kỷ sang ngày càng vô kỷ hơn bởi vì lúc này, y bắt đầu đáp ứng được với ảnh hưởng từ linh hồn. Sự tái định hướng này chỉ xảy ra khi có một sự chỉnh hợp đủ và nhất định giữa phàm ngã đang tích hợp và linh hồn. Đó là khi phàm ngã bắt đầu hồi đáp đủ với năng lượng tuôn đổ từ linh hồn. Y hướng mình tới con đường tinh thần và không còn đồng hóa với hình tướng. 

Lúc này, giai đoạn “phi tập trung vào cái tôi nhỏ bé” bắt đầu. Trong tâm thức, y không còn coi bản thân mình là thứ quan trọng nhất. Y bắt đầu nhận thức được linh hồn, và dành cho linh hồn một vị trí quan trọng và tối thượng trong tâm thức. Y hành động vì lợi ích của nhân loại và kể cả khi cái tôi nhỏ bé của y phải chịu đau khổ, y cũng sẵn sàng hi sinh.

Y trở nên nhạy cảm về mặt tinh thần. Y cảm nhận được những gì diễn ra bên trong những người khác, và thấy bản thân mình là một phần của họ. Giai đoạn này có thể được mô tả giống như một câu chuyện về nhà hiền triết Ramakrishna. Lúc băng qua một con sông, ông nhìn thấy một người chủ đang đánh đập nô lệ của mình, ông đột nhiên nói rằng: “Ai đang đánh tôi, ai đang đánh tôi”. Tức là, ông có cảm giác mình cũng chính là những người khác.

Định luật phụng sự bắt đầu được áp dụng. Nhờ đáp ứng với các ảnh hưởng của linh hồn, y chuyển từ việc chỉ nghĩ tới lợi ích của cái tôi nhỏ bé sang việc phụng sự tổng thể lớn hơn. Phạm vi phụng sự được mở rộng dần từ cá nhân sang gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, thành phố, đất nước, chủng tộc, và toàn nhân loại. 



No comments:

Post a Comment