Monday 22 July 2024

Thời gian và Hiện Tại Vĩnh Cửu


Trải nghiệm của chúng ta về thời gian đơn thuần là sản phẩm của chính tâm thức. Vì chiều kích tinh thần siêu việt tâm thức, nên có thể nói rằng cõi giới tinh thần siêu việt thời gian. Có nhiều khía cạnh của nhận thức sẽ thay đổi khi ta có thể tiến vào các cõi nội giới, và một trong số đó là trải nghiệm của chúng ta về thời gian. 

Sự thay đổi trong mối liên hệ với thời gian là một trong những chuyển biến dễ nhận thấy nhất xuất hiện khi con người bước trên Đường Đạo. Mặc dù có nhiều thuộc tính biểu thị cho sự giác ngộ, một trong số chúng là khả năng tiến vào một không gian nội tâm nơi không còn có thời gian, và an trụ ở đó mà không dao động.

Thời gian có thể được định nghĩa như một hiện tượng nhận thức phát sinh từ khuynh hướng nội tại của cái trí là ghi nhận các trải nghiệm theo trình tự, tuyến tính. Những khoảnh khắc về thời gian được nhận thức bởi vì có những thay đổi vi tế của tâm thức vốn liên tục xuất hiện. Khoảnh khắc một suy nghĩ hay ấn tượng đi vào trường nhận thức của chúng ta, nó biểu thị cho một tình trạng tâm trí đã được biến đổi. Tương tự với trải nghiệm về cảm xúc cũng như những cảm giác vật lý. Mỗi trải nghiệm suy nghĩ và cảm xúc làm thay đổi tình trạng tâm thức, và đó chính là chỗ mà trải nghiệm về thời gian và khoảng thời gian được sinh ra. Nhận thức về thời gian của chúng ta phát sinh từ bản chất kính vạn hoa của chính tâm thức.

Phàm ngã là một trường nhận thức nơi sự chuyển động và thay đổi được nhấn mạnh. Đó là bởi vì phàm ngã bị chi phối bởi Định Luật Hoạt Động (the Law of Activity). Nó hoàn toàn dựa vào những chuyển động của suy nghĩ và cảm xúc, cũng như sự kích thích mà nó ghi nhận qua giác quan cơ thể. Thực sự, phàm ngã chỉ hiện hữu do những chuyển động này. Trong khi đó, hành trình tâm linh hướng về linh hồn liên quan nhiều đến việc vượt lên trên phàm ngã và khuynh hướng nhận thức của nó. Trỗi dậy vượt lên trên cái ngã thấp (phàm ngã) là tiến vào thể nguyên nhân (vận cụ của nhận thức linh hồn). Thể nguyên nhân hoạt động như trung gian giữa tình trạng ràng buộc về thời gian của phàm ngã và thế giới phi thời gian của Tinh Thần.

Hiểu về mặt nội môn, thời gian được trải nghiệm qua những chuyển động trên cõi trí. Do thể nguyên nhân nằm ở cấp độ thượng trí, về mặt kỹ thuật, nó vẫn thuộc các cõi giới hữu thời. Như thế, nhận thức của linh hồn vẫn chưa hẳn là đã siêu việt thời gian. Tuy nhiên, linh hồn là tác nhân dẫn dắt người đệ tử tiến vào cõi giới của nhận thức phi thời gian. Thể nguyên nhân - vận cụ của nhận thức linh hồn, là đường dẫn mà qua đó các ấn tượng từ cõi bồ đề (cõi trực giác, vùng nội tại của minh triết phi thời gian) tiến vào nhận thức của một người. 

Chính cõi bồ đề là nơi mà trải nghiệm phi thời gian bắt đầu được nhận ra. Đây là lý do tại sao linh hồn là trung gian giữa nhận thức thời gian và phi thời gian. Khi tham gia vào tâm thức của linh hồn (thậm chí dù chỉ một phần nào đó), một người đang dần đạt được một trực cảm về nhận thức phi thời gian.

Sự khác biệt trong trải nghiệm về thời gian giữa linh hồn và phàm ngã

Linh hồn và phàm ngã đều bị giới hạn bởi những nhịp điệu của thời gian, tuy vậy cả hai trải nghiệm về thời gian rất khác nhau. Đơn vị thời gian được phàm ngã sử dụng là một kiếp sống. Bởi vì phàm ngã chỉ tồn tại cho một kiếp sống. Do đó, phàm ngã chỉ có thể biết về thời gian trong bối cảnh một kiếp sống. 

Ngược lại, nhận thức của linh hồn trải dài qua nhiều kiếp sống, nên góc nhìn của linh hồn về thời gian mang tính chất của nhiều kiếp sống. Linh hồn nhìn thấy một số kiếp sống trong quá khứ, chú ý đến kiếp sống hiện tại, và mơ hồ nhận thức được một chuỗi những kiếp sống tiến vào tương lai.

Khi bước trên con đường tinh thần, điều quan trọng cần nhớ rằng không có gì phải vội vã, nhưng cũng không được để phí thời gian. Từ góc độ linh hồn, thực sự không có gì khẩn cấp bởi vĩnh cửu bảo đảm thành công cuối cùng. Tuy nhiên, sự phát triển tinh thần cũng đòi hỏi rằng thời gian được sử dụng khôn ngoan, và không bị lãng phí. Nghe nghịch lý thay, nhưng cả hai đều đúng.

Điều quan trọng cần nắm đó là trải nghiệm của chúng ta về thời gian là sản phẩm của chính bản thân tâm thức. Tâm thức dựa trên nhận thức nhị nguyên, luôn có hai đặc tính rõ ràng khi con người nhận thức điều gì đó. Về cơ bản, nhị nguyên đại diện cho bản ngã trong mối quan hệ với cái phi ngã. Khi xét đến bất kỳ nhận thức con người nào, luôn có “người nhận thức” và “đối tượng được nhận thức”. Như thế, tâm thức con người luôn bị chi phối bởi nhị nguyên. Và chính bởi vì bản chất nhị nguyên này của tâm thức mà trải nghiệm của chúng ta về thời gian xuất hiện một cách tự nhiên.

Thời gian được nhận thức bởi vì có sự phân chia giữa người quan sát và đối tượng được quan sát. Điều này trở thành khung sườn cho tất cả mọi nhận thức thông thường về thực tại của chúng ta, bao gồm cả nhận thức về trình tự. Ngược lại, nhận thức phi thời gian không bị chi phối bởi nhị nguyên, và do đó tự do khỏi nhận thức theo trình tự. Thay vào đó, đây là cái gì đó xuất hiện khi người nhận thức và đối tượng được nhận thức được biết như là một. Rõ ràng, nhận thức đó không nằm trong trường nhận thức thông thường của con người mà thuộc về trường nhận thức của các Bậc Chân Sư Minh Triết đã giác ngộ giải thoát. Đối với chúng ta, tâm thức chưa tự do khỏi nhị nguyên mà tồn tại vì đó. Đây là một sự thật không thể tránh khỏi vốn đan cài vào cấu trúc tâm thức con người.

Vậy thì phi thời gian là gì?

Vượt ngoài thế giới linh hồn là cõi bồ đề, cõi giới nội tâm của trực giác thiêng liêng và sự thật vô sắc tướng. Khi một điểm đạo đồ đã đạt tới giai đoạn có thể tiến nhập vào cõi bồ đề một cách tự nhiên và thường xuyên, y bước vào cõi giới của Huyền Đồng (realm of Identification) - trạng thái nhận thức vượt ngoài tâm thức (state of realization beyond consciousness). Tuy nhiên, không giống như tâm thức (vốn dựa trên sự tương phản giữa người quan sát và đối tượng được quan sát), Huyền Đồng là khi tất cả được nhận thức trong một trường Hợp Nhất (a field of Oneness). Người quan sát và đối tượng được quan sát được nhận ra như một toàn thể tổng hợp. Do đó, không còn nhận thức hình thành bởi nhị nguyên. Người quan sát trở thành trọn vẹn với bản chất hợp nhất vốn bao gồm tất cả mọi đối tượng được nhận thức. Đây là gốc rễ căn nguyên mà từ đó nhận thức phi thời gian xuất hiện.

HIỆN TẠI VĨNH CỬU

Thời gian phụ thuộc vào nhận thức nhị nguyên. Trên cõi bồ đề không còn nhị nguyên và do đó không có nhận thức về thời gian. Ở chiều sâu nội tâm đó, thời gian biến mất trong Hiện Tại Vĩnh Cửu. 

Để hiểu đúng về Hiện Tại Vĩnh Cửu, điều quan trọng là ta đừng nhầm nó với ý tưởng phổ biến về việc “hiện diện trọn vẹn trong khoảnh khắc hiện tại”. Đi liền với ý tưởng này là khái niệm rằng nhận thức về quá khứ, hay sự chú tâm vào tương lai, làm lệch hướng chúng ta khỏi sự hiện hữu trọn vẹn trong khoảnh khắc hiện tại. Đây là một thái độ đơn giản hóa về thời gian, và khá khác biệt với cái được trải nghiệm trong Hiện Tại Vĩnh Cửu. 

Hiện Tại Vĩnh Cửu không được trải nghiệm như một sự chú tâm tập trung vào khoảnh khắc hiện tại bằng cách phủ nhận sự chú ý của chúng ta vào quá khứ hay tương lai. Thay vào đó, Hiện Tại Vĩnh Cửu xuất hiện khi một người có thể tiến vào không gian nội tâm nơi mà quá khứ, hiện tại và tương lai không thể phân biệt khỏi nhau.

Hiện Tại Vĩnh Cửu là trải nghiệm không có trình tự, bởi trình tự vốn là nền tảng mà trên đó nhận thức về quá khứ, hiện tại và tương lai được xây dựng nên. Như một điểm duy nhất sâu sắc (singularity - điểm kỳ dị, điểm cùng cực), nó bao gồm trọn vẹn những sự kiện đã xảy ra, đang xảy ra, hoặc sẽ xảy ra trong tương lai. Trạng thái nhận thức như thế chỉ có thể khởi sinh khi một người tiến nhập vào cõi bồ đề và tự do khỏi những giới hạn của hình tướng. Thật sự, phàm ngã không thể nhận thức chính xác về Hiện Tượng Vĩnh Cửu. Chính sự hiện hữu của phàm ngã con người bị chi phối bởi hình tướng, và hình tướng là tấm màn che ngăn cản nhận thức chính xác này. Thực sự, ngay cả linh hồn cũng chưa thể tham gia trọn vẹn vào Hiện Tại Vĩnh Cửu, mặc dù linh hồn có sự nhạy cảm nhất định với nhận thức này do nó gần với cõi bồ đề. 

NGUYÊN KHÍ KỲ GIAN (PRINCIPLE OF DURATION)

Đằng sau trải nghiệm về thời gian là một nguyên khí tinh thần vận hành ở mọi cấp độ hiện hữu - Nguyên Khí Kỳ Gian. Thường thì kỳ gian và thời gian được xem như hai từ đồng nghĩa. Tuy nhiên, từ góc độ nội môn, chúng không giống nhau. Không giống như thời gian, Kỳ Gian là một tham chiếu với khía cạnh nhận thức xuất hiện khi ở trong Hiện Tại Vĩnh Cửu. Ở trong Hiện Tại Vĩnh Cửu có nghĩa là biết chính mình như là Hiện Tại Vĩnh Cửu. Ở chiều cao nhận thức đó, cảm nhận của một người về danh tính không còn bị chi phối bởi sự tương phản, mà bởi nhận thức rằng tất cả là Một, và danh tính vĩnh cửu của một người chính là Nhất Thể đó (Oneness). Như thế, sự phân biệt giữa người nhận thức và đối tượng đang được nhận thức mờ dần. Nguyên Khí Kỳ Gian đòi hỏi chúng ta phải có một cảm nhận về danh tính tách rời khỏi hình tướng và sự tương phản. Trong bối cảnh này, Kỳ Gian không phải là một trải nghiệm với nhận thức theo trình tự, mà đúng hơn, đó là một nhận thức về tính vĩnh cửu phổ quát của Bản Thể.

Trái với nhận thức về thời gian, Kỳ Gian không sử dụng những sự kiện theo trình tự (hình tướng) như là những điểm tham chiếu để đo lường. Thay vào đó, một người nhận thức được Kỳ Gian khi giữ được tầm cao của nhận thức vượt ngoài hình tướng, và như thế, cảm nhận bản thân như là Tất Cả Vạn Hữu vô sắc tướng, vĩnh hằng.

Trường Kỳ Gian do đó liên quan đến nhận thức của một bậc A-la-hán (vị điểm đạo đồ bậc 4) hay một Chân Sư đã giải thoát. Với các bậc tiến hóa cao như vậy, các Ngài có thể trải nghiệm Kỳ Gian bởi vì Bản Thể được cảm nhận trong nội tâm mà không cần đến một kính vạn hoa của những hình tướng trình bày (thuộc tư tưởng, cảm xúc và vật lý) để nhận thức được nó. Ngược lại, với người đệ tử chưa hoàn toàn giác ngộ giải thoát, vẫn còn trụ trong thế giới sắc tướng, kỳ gian chỉ có thể được nhận thức gián tiếp thông qua những hình tướng tự hiện bày trong tâm thức của y. 

Trong Trường Kỳ Gian, không có cảm giác về việc chờ đợi, vội vã hay dự đoán điều gì sẽ xảy ra. Đây là những trải nghiệm xuất hiện trong hình tướng, và do đó bị chi phối bởi tính trình tự của thời gian. Mỗi trải nghiệm chuyển tải cảm giác về trình tự. Chờ đợi là hành vi xuất hiện từ cảm giác rằng điều gì đó sắp xảy ra. Vội vã là tăng tốc cái gì đó. Dự đoán là tiên tri điều gì đó. Mỗi trải nghiệm này đều liên quan đến từ “cái gì đó”, vì tất cả chúng đều liên hệ với cái gì đó. Nên nhớ rằng hình tướng không chỉ đơn thuần giới hạn trong cõi hồng trần. Suy nghĩ và cảm xúc cũng là những hình tướng. Chúng là những hình tướng vốn rất thật như những vật thể chúng ta thấy trên cõi hồng trần. Tuy nhiên, trong Trường Kỳ Gian, không có hình tướng, và do đó không có chờ đợi, vội vàng hay chú tâm dự đoán. Chỉ có duy nhất trải nghiệm về Hiện Tại Vĩnh Cửu - một nhận thức vô sắc tướng hoàn toàn về Bản Thể miên viễn, trường cửu, bất diệt.

Hiện Tại Vĩnh Cửu là một nhận thức xuất hiện trên cõi bồ đề. Mặc dù trải nghiệm phần nào về nó đã bắt đầu từ cuộc điểm đạo thứ 3, trải nghiệm trọn vẹn Hiện Tại Vĩnh Cửu dành cho những người đang nhận được cuộc điểm đạo thứ 4. Ở cấp độ hiện hữu đó, tâm thức một người liên tục được giữ trên cõi bồ đề. Như thế, một vị điểm đạo đồ bậc 4 sống vĩnh viễn trong Hiện Tại Vĩnh Cửu, trải nghiệm Trường Kỳ Gian, không bị trói buộc bởi hình tướng. Một vị điểm đạo đồ bậc 4 là người đã vượt qua sinh tử. Điều này có nghĩa rằng vị ấy đã vượt lên khỏi tất cả những trạng thái tâm thức hữu hạn, và do đó tự biết chính mình vốn là hiện hữu vô hạn. Thêm vào đó, tất cả mọi nghiệp quả tích tụ qua vô số kiếp sống đã được thanh luyện, nâng cao và chuyển hóa. Vị ấy hiểu biết về sự tồn tại bất tử, vô tận của mình, vì vị ấy trải nghiệm điều đó, ngay cả khi đang ở trong trạng thái lâm phàm. 

ĐỊNH LUẬT CHU KỲ (LAW OF PERIODICITY)

Khi suy ngẫm về Trường Kỳ Gian và trường thời gian, cần xem xét đến định luật vũ trụ phát sinh ra cả hai, đó là Định Luật Chu Kỳ. Định luật này đơn giản nói rằng, mọi thứ trong vũ trụ biểu hiện chịu sự chi phối của các chu kỳ. Cho dù ta xét tới sự hiện hữu của một nguyên tử, cây cỏ, con người hay thần linh, tất cả đều chịu sự chi phối của các chu kỳ sự sống với nhiều biến thể khác nhau của nó.

Ví dụ như, con người là đối tượng của các chu kỳ bao gồm sinh và tử, ngủ và thức, hoạt động và bất động. Xét đến toàn nhân loại, chúng ta thấy sự trỗi dậy và tàn lụi của các nền văn minh, sự dao động của các hệ thống kinh tế, các chu kỳ xung đột và hòa bình của thế giới. Trong thiên nhiên, chúng ta cũng nhìn thấy nhiều nhịp điệu vĩ đại, như chu kỳ di cư của một số loài chim, mùa màng thay đổi hàng năm. 

Định Luật Chu Kỳ liên quan đến mọi biểu hiện của sự sống, và trên tất cả mọi cõi giới của hiện tồn. Tất cả mọi đơn vị của sự sống đều chịu sự chi phối của những nhịp điệu vĩ đại cố hữu trong cấu trúc của chính bản thân sự Sáng Tạo. Suy cho cùng thì chỉ có duy nhất Một Sự Sống, và biểu hiện của Sự Sống đó là chính vũ trụ này trong sự toàn vẹn của nó. Tuy nhiên, theo thuyết vật hoạt (hylozoism), tất cả mọi đơn vị sự sống đều chỉ là những phát tỏa sống động khởi sinh từ Sự Sống Duy Nhất đó. 

Đây là một khái niệm quan trọng, ở chỗ Định Luật Chu Kỳ được áp dụng cho tất cả mọi thực thể biểu hiện. Tất cả mọi cấp độ của sự sống (ngoại trừ Sự Sống Duy Nhất trong tình trạng không-biểu hiện của nó) đều được xem như biểu hiện, mặc dù chiều sâu của sự biểu hiện có thể không vươn tới cõi hồng trần.

Khi một người chết đi, tâm thức của y được thu rút vào thể nguyên nhân (vận cụ của linh hồn), trong khi thể xác vẫn còn lại trong một xác chết không còn sự sống. Từ góc độ con người thuần túy, chúng ta sẽ kết luận rằng linh hồn của người chết không còn biểu hiện. Tuy nhiên, khi nhìn từ bối cảnh rộng lớn hơn, nó vẫn được xem như đang trong biểu hiện. Đó là bởi vì thể nguyên nhân nằm trên cõi thượng trí, vốn là một cõi biểu hiện. 

Trong những cõi giới vô sắc tướng của Tinh Thần, thời gian biến mất, nhưng nhận thức về Trường Kỳ Gian xuất hiện. Khía cạnh trình tự của thời gian nhường chỗ cho nhận thức trải nghiệm của cảm giác đang diễn ra về Bản Thể Hiện Hữu.

Đối với vị điểm đạo đồ đã chạm tới Trường Kỳ Gian, không có sự vội vàng, mà thay vào đó là một hiểu biết rằng bản chất cốt lõi của tất cả vạn hữu là vô tận và bất tử, và sự khẩn cấp chỉ đơn giản là một ảo tưởng phát sinh trong trường thời gian. Tuy nhiên, một trong những điều kiện tiên quyết để tiến nhập vào Trường Kỳ Gian đó là vị điểm đạo đồ phải thể hiện khả năng sử dụng thời gian một cách khôn ngoan khi tham dự vào những vấn đề của thế giới bên ngoài. Do vậy, không có thời gian nào được lãng phí.

Tài liệu tham khảo: William Meader, Supernal Light

2 comments:

  1. "54. Sự hiểu biết trực giác này là Tác nhân hiển lộ quan trọng. nó có ở khắp nơi, toàn tri và gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai trong hiện tại Vĩnh cửu.

    Phần duy nhất của câu kinh này không rõ ràng khi chỉ đọc thoáng qua, đó là ý nghĩa của các từ Hiện tại Vĩnh cửu. Thực ra, người ta không thể hiểu được các từ này nếu chưa phát triển tâm thức của linh hồn. Khi nói rằng thời gian là một chuỗi những trạng thái tâm thức, và nói rằng hiện tại lập tức trôi về quá khứ và hòa lẫn vào tương lai ngay khi trải nghiệm, thì người môn sinh trình độ trung bình cũng chẳng hiểu được bao nhiêu. Nếu nói rằng có một loại thời gian mà cái thấy chìm trong linh ảnh, khi toàn bộ các dự kiến trong đời đều được nhận thức trong một khoảnh khắc hoàn thành viên mãn, và nói rằng khoảnh khắc ấy trở thành thiên thu, và khi nêu lên một trạng thái tâm thức mà trong đó không hề có trình tự các sự kiện và không hề có chuỗi các nhận thức, thì đó tức là nói theo ngôn ngữ bí nhiệm. Ấy vậy, nó lại là thế và sẽ là như thế. Khi người chí nguyện tiến đến mục tiêu, y thực sự hiểu rằng mình vốn bất tử, và hiểu thực nghĩa của giải thoát. Đối với y, không gian và thời gian trở thành những từ vô nghĩa. Y thấy Thực tại duy nhất là mãnh lực của sự sống vĩ đại ở trung tâm, không hề thay đổi và bất di bất dịch ở tâm điểm các hình thể tạm thời, luôn biến đổi và chóng tàn phai.

    Con người nói “Tôi là,” cho mình là phàm ngã, và tự đồng [368] hóa với cái hình thể đang thay đổi. Y cho rằng thời gian và không gian là những điều thực tế. Người chí nguyện nói “Tôi là Cái Đó,” và tìm cách biết được chân tính của mình, một linh từ sống động, là thành phần của nhóm từ vũ trụ. Đối với y, không gian không còn hiện hữu. Y biết mình có khả năng hiện diện ở mọi nơi. Linh hồn đã được tự do, người đã giải thoát, Đấng Christ, thì nói “Tôi là Chân như.” Đối với người, cả thời gian và không gian đều không còn hiện hữu. Đặc tính rõ rệt của người là toàn tri và vô sở bất tại.
    Trong nhận xét của ông về câu kinh này, Charles John- ston trích dẫn lời sau đây của Thánh Columbia:

    “Có một số người, dù rất ít, đã nhận được ân huệ thiêng liêng: họ có thể thấy hết sức rõ rệt ngay tức khắc và đồng thời, như trong tia nắng mặt trời, toàn thể thế giới với các đại dương và bầu trời bao bọc. Nơi thâm sâu nhất trong trí tuệ của họ đang rộng mở đến mức kỳ diệu phi thường.”
    Ở đây cũng nên trích dẫn lời bình giải vắn gọn và rất hay của Dvivedi về trạng thái tâm thức này, một cách súc tích như sau:

    “Trong câu châm ngôn XXXIII của phần này, chúng ta đã mô tả tính chất của taroka-jnana − sự hiểu biết giúp chúng ta thoát khỏi những trói buộc của thế gian. Sự hiểu biết có phân biện được trình bày ở đây đưa đến taraka, là sự hiểu biết cứu cánh và là mục tiêu của yoga. Nó liên quan đến mọi sự vật, từ pradhana (tinh thần-vật chất. A.B.) đến các bhuta (các nguyên tố, hình hài sắc tướng. A.B.), cũng như liên quan đến tất cả các tình trạng của những sự vật đó. Hơn thế nữa, nó còn mang lại sự hiểu biết về mọi sự việc cùng một lúc và hoàn toàn độc lập đối với các qui tắc thông thường của nhận thức. Thế nên, nó là sự hiểu biết cao nhất mà nhà yogi [369] có thể hoạch đắc. Nó cũng là chỉ báo chắc chắn về Kaivalya (trạng thái duy nhất tuyệt đối. A.B.) với tính cách là kết quả của nó, sẽ được trình bày trong câu châm ngôn tiếp theo.”

    Trích từ "Ánh Sáng của Linh Hồn", Alice Bailey.

    ReplyDelete
  2. Comment của Lê Hoàng Quốc Khánh:

    https://soulspacevn.blogspot.com/2024/07/thoi-gian-tu-goc-nhin-noi-mon.html

    ReplyDelete